Hai miền Triều Tiên rơi vào cuộc “Chiến tranh Lạnh” mới?
Trong lúc thế giới đang xôn xao về việc Triều Tiên đã có một cuộc thử nghiệm vũ khí hạt nhân, có thể giúp Bình Nhưỡng đến gần hơn trong việc chế tạo được một loại tên lửa có thể bắn đến lãnh thổ nước Mỹ, Triều Tiên và Hàn Quốc giờ đây đang có một cuộc “Chiến tranh Lạnh” mới, hâm nóng căng thẳng quan hệ hai bên.
Binh lính Hàn Quốc điều chỉnh thiết bị phát thanh tuyên truyền ở gần khu vực biên giới với Triều Tiên. |
Một quan chức cấp cao của Triều Tiên đã có lời cảnh báo rằng những thông điệp tuyên truyền ở khu vực phi quân sự của Hàn Quốc đang đẩy bán đảo Triều Tiên “đến bờ vực chiến tranh”. Mặc dù phát ngôn của Triều Tiên luôn hùng hồn, điều này cũng cho thấy sự phẫn nộ của chính phủ Bình Nhưỡng đối với việc Hàn Quốc lên tiếng chỉ trích thể chế chính trị của họ.
Lần đầu tiên sau gần 5 tháng, Seoul bắt đầu tuyên truyền tại khu phi quân sự. Vào tháng 8 năm ngoái, khi Hàn Quốc có động thái này, hai miền Triều Tiên đều đồng loạt bắn pháo cảnh cáo.
Hãng tin Yonhap (Hàn Quốc), dẫn lời một sĩ quan quân đội Hàn Quốc cấp cao, đưa tin vào tối ngày 9/1 rằng Triều Tiên cũng bắt đầu các kênh sóng phát thanh tuyên truyền của riêng mình nhằm tránh bị ảnh hưởng từ phía Hàn Quốc. Từ biên giới Hàn Quốc, nội dung của các đợt phát thành của Triều Tiên không thể nghe rõ. Hiện tại các quan chức Hàn Quốc vẫn chưa xác nhận thông tin trên.
Bên cạnh phát ngôn “bên bờ vực chiến tranh” ở trên, Tổng Bí thư Triều Tiên Kim Ki-nam phát biểu trên truyền hình địa phương rằng các nước thù địch với Bình Nhưỡng đều tỏ ra “ghen tức” trước cuộc thử nghiệm bom nhiệt hạch thành công của nước này. Mặc dù vậy, nhiều quan chức quốc tế và chuyên gia vẫn nghi ngờ về tính xác thực của thông tin này.
Một quan chức giấu tên của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết, lực lượng quân đội đóng tại biên giới nước này đã được ra lệnh đề cao cảnh giác, tuy nhiên cho đến nay họ chưa phát hiện bất kỳ động thái bất thường nào. Hãng tin Yonhap cho biết Seoul đã điều động tên lửa, pháo hạng nặng và các loại khí tài khác đến gần biên giới nhằm đề phòng bất kỳ những động thái khiêu khích nào của Triều Tiên.
Các quan chức của chính phủ Seoul cho biết, loa phát thanh ở phía Hàn Quốc có thể truyền tải nội dung của mình trong phạm vi 9km vào buổi sáng và 24km vào ban đêm. Seoul cũng có kế hoạch dùng xe phát thanh lưu động để đặt lên một hòn đảo nhỏ của Hàn Quốc, cách bờ biển Triều Tiên vài hải lý.
Một loạt các cuộc đàm phán giữa Triều Tiên và Hàn Quốc đã giúp xoa dịu căng thẳng giữa hai bên, qua đó các hoạt động tuyên truyền của Seoul vào tháng 8, nhằm cáo buộc Triều Tiên đặt mìn khiến hai binh sĩ của nước này bị thương nặng, bị ngừng lại. Giờ đây, rất khó đẻ hai bên quay trở lại bàn đàm phán một lần nữa. Các chuyên gia phân tích cho biết Seoul sẽ không chịu nhượng bộ, còn phía Bình Nhưỡng vẫn sẽ tiếp tục bày tỏ sự quyết tâm đối với việc thử nghiệm vũ khí hạt nhân, bởi đó là vấn đề tự hào dân tộc của Triều Tiên.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ The Washington Post, nhật báo lớn nhất và là lâu đời nhất tại Washington D.C, Mỹ. Bên cạnh những tờ báo lớn khác như The New York Times, The Wall Street Journal và Los Angeles Times, The Washington Post thường đăng tải các phóng sự về Nhà Trắng, Quốc hội và những khía cạnh khác của chính phủ Mỹ.