Hà Nội: Tổ chức phong trào thi đua An toàn thực phẩm
Hà Nội sẽ thắt chặt An toàn thực phẩm dịp cuối năm. |
Hà Đông đẩy mạnh xây dựng mô hình ATTP
Tại quận Hà Đông, Ban chỉ đạo ATTP quận đã tham mưu với UBND quận xây dựng và triển khai Kế hoạch tổ chức phong trào thi đua thực hiện ATTP trên địa bàn Hà Đông giai đoạn 2016-2020 và năm 2019, nhằm mục đích nâng cao ý thức trách nhiệm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, đảm bảo cung cấp đến người tiêu dùng sản phẩm thực phẩm an toàn, rõ nguồn gốc.
Các phong trào nhằm nâng cao hiểu biết của người tiêu dùng về quyền lợi và nghĩa vụ của mình trong sử dụng thực phẩm; tạo thói quen không tiêu dùng thực phẩm không rõ nguồn gốc, sử dụng bao bì thực phẩm an toàn, không gây ô nhiễm môi trường, đồng thời kịp thời tôn vinh, khen thưởng, nhân rộng các điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua thực hiện ATTP.
Năm 2019, quận Hà Đông đã chỉ đạo phường Nguyễn Trãi và Vạn Phúc xây dựng thêm 2 tuyến phố dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố an toàn thực phẩm có kiểm soát tại tuyến phố Tố Hữu và tuyến phố Hoàng Hoa Thám.
Các cơ quan chuyên môn đã triển khai công tác tập huấn kiến thức về ATTP và khám sức khỏe cho toàn bộ chủ cơ sở và các nhân viên tham gia kinh doanh dịch vụ ăn uống trên 2 tuyến phố kể trên; hướng dẫn các cơ sở thực hiện tốt các biện pháp bảo đảm ATTP, bảo đảm nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm rõ ràng, có sổ ghi chép...
Các cơ sở mới đi vào hoạt động được hướng dẫn chủ động chuẩn bị hồ sơ pháp lý và chỉnh trang cơ sở vật chất để đủ điều kiện làm thủ tục cấp giấy chứng nhận cơ sở ATTP.
Đối với các cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản trên địa bàn, quận cũng xây dựng các mô hình sản xuất an toàn theo quy trình VietGap, hạn chế thuốc trừ sâu và dư lượng hóa chất, trong đó, tập trung vào sản xuất rau, trái cây an toàn tại Yên Nghĩa, Đồng Mai, Biên Giang…
Hà Đông cũng tập trung tuyên truyền về sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ nông, lâm, thủy sản thực phẩm an toàn theo chuỗi, qua đó, tăng cường liên kết sản xuất và kết nối cung cầu nông sản an toàn; tăng cường kỹ năng nhận diện sản phẩm an toàn và chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp.
Cùng với đó, quận tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành ATTP trong sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông, lâm, thủy sản trên địa bàn.
Quận đã tổ chức hoạt động kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo đảm ATTP đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; tập trung kiểm tra cao điểm vào các dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán, lễ hội, tháng hành động vì ATTP và triển khai kiểm tra theo chuyên đề.
Ứng Hòa đẩy mạnh thanh, kiểm tra
Theo báo cáo của UBND huyện Ứng Hòa, sau 3 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TU ngày 27/10/2016 của Thành ủy Hà Nội về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với vấn đề an toàn thực phẩm trong tình hình mới trên địa bàn thành phố Hà Nội, huyện đã thực hiện quyết liệt, đồng bộ, nhất là tập trung tăng cường thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm.
Huyện Ứng Hòa, Hà Nội cũng tăng cường kiểm tra, giám sát công tác an toàn thực phẩm, kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm. Cụ thể, hằng năm và trong các dịp trọng điểm về an toàn thực phẩm, UBND huyện đều thành lập 2 đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra công tác quản lý, chỉ đạo điều hành của Ban Chỉ đạo công tác An toàn thực phẩm các xã, thị trấn và trực tiếp kiểm tra việc chấp hành quy định của các cơ sở thực phẩm trên địa bàn.
Hiện nay, trên địa bàn huyện có 398 cơ sở thực phẩm thuộc lĩnh vực y tế, 10.080 cơ sở thuộc lĩnh vực nông nghiệp-công thương. 9 tháng năm 2019, huyện đã tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm tại 134 cơ sở thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn huyện.
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện và lập biên bản xử lý vi phạm hành chính 13 cơ sở, cảnh cáo 6 cơ sở, xử lý tiêu hủy tại chỗ nhiều loại thực phẩm vi phạm không đảm bảo chất lượng. Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn kiểm tra 480 cơ sở thực phẩm, trong đó có 374 cơ sở đạt chất lượng, các cơ sở khác được nhắc nhở, khắc phục.