Hà Nội ô nhiễm không khí cao, bác sĩ chia sẻ cách bảo vệ sức khoẻ
Ô nhiễm không khí ở Hà Nội liên tục ở ngưỡng cam, nhiều nơi đạt ngưỡng đỏ, mức cảnh báo người dân không nên ra ngoài.
14h ngày 29/4, theo Ứng dụng chất lượng không khí PAMAir, chỉ số AQI đo được tại nhiều nơi trên địa bàn Hà Nội vượt ngưỡng cam lên đỏ. Đây là ngưỡng không khí xấu, cảnh báo nhóm người nhạy cảm, người già, trẻ nhỏ, người mắc các bệnh lý hô hấp mãn tính không nên ra ngoài.
Điển hình là các khu vực: Đội Cấn (AIQ là 153), Cầu Diễn (157), Mễ Trì (153), Hoàng Mai (152) và Nhân Chính (161).
Chất lượng không khí Hà Nội những ngày qua đang có dấu hiệu xấu đi, đặc biệt là buổi sáng và chiều tối. Nồng độ bụi mịn PM2.5 cũng tăng dần.
Các chuyên gia khuyến cáo, người dân, nhất là những nhóm người già, trẻ em, người đang mắc bệnh hô hấp mãn tính nên hạn chế ra ngoài vào thời điểm này. Nếu bắt buộc phải ra ngoài, mọi người cần trang bị mũ, áo, khẩu trang và kính để hạn chế tác hại của ô nhiễm không khí.
PGS.TS bác sĩ Nguyễn Thị Hoài An – trưởng khoa Tai mũi họng, Bệnh viện An Việt cho biết ô nhiễm không khí ảnh hưởng nặng nề tới sức khoẻ người dân ở khu vực họ sinh sống.
Hà Nội ô nhiễm không khí cao, bác sĩ chia sẻ cách bảo vệ sức khoẻ |
Ô nhiễm không khí không chỉ ảnh hưởng đến hô hô hấp mà ảnh hưởng tới rất nhiều cơ quan nội tạng khác nhau. Các nghiên cứu mới nhất cho thấy khí ô nhiễm còn làm tổn thương các mô do các hạt bụi mịn và siêu mịn dễ dàng đi vào trong máu và tiếp cận với hầu hết cơ quan.
Không khí ô nhiễm có nhiều các hạt bụi nhỏ (PM 10, PM 2,5) cùng các khí độc hại khác như SO, NO2, O3, dầu diesel cháy chưa hết, một số kim loại nặng và chất độc khác… Khi ô nhiễm không khí đến mức ảnh hưởng đến sức khỏe, đầu tiên sẽ ảnh hưởng tới hệ hô hấp của tất cả mọi người, vì ai cũng phải hít thở. Các chất ô nhiễm có trong không khí sẽ đi qua đường hô hấp trên rồi xuống đường hô hấp dưới, vào đến các phế nang, từ đó khuyếch tán vào trong máu và đi khắp cơ thể.
Theo PGS An, những người dễ bị ảnh hưởng từ ô nhiễm không khí có thể kể đến là những người cao tuổi, phụ nữ có thai, trẻ em, người có sức đề kháng yếu.
Theo nghiên cứu, khi ô nhiễm không khí, tỷ lệ các bệnh nhân nhập viện vì bệnh lý hô hấp và tim mạch tăng lên nhiều lần. Có 3 đối tượng dễ bị tổn thương nhất khi ô nhiễm không khí là người già, trẻ em và những người mắc bệnh phổi, bệnh tim mạn tính.
Với tình trạng không khí ô nhiễm như bây giờ, khi ra đường cần phải đeo khẩu trang để bảo vệ cơ thể. Tuy nhiên, cũng cần chọn đúng loại khẩu trang và hầu hết khẩu trang có có thể hạn chế bớt không khí bẩn chứ không làm không khí sạch tuyệt đối.
PGS An khuyến cáo mọi người nên hạn chế ra ngoài đường ở những thời điểm ô nhiễm. Ở các thành phố lớn như Hà Nội, nguồn ô nhiễm chủ yếu từ các phương tiện tham gia giao thông, khói bụi, sau đó mới đến các nguồn ô nhiễm khác.
Ngoài đeo khẩu trang, bác sĩ An cho biết người dân nên thường xuyên súc rửa mũi họng để làm sạch hệ hô hấp cũng làm giảm ảnh hưởng của ô nhiễm không khí.
P.Thúy