Hà Nội: Khói đốt nhựa độc hại 'ám' khắp làng thu gom phế liệu, rác chất cao như núi
Mặc dù lực lượng Cảnh sát môi trường và Công an xã Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) đã xử phạt hành chính rất nhiều trường hợp về hành vi xả rác, đốt rác, nhưng tình hình chưa được cải thiện.
Ông Lý Đình Tuấn (nhà ở thôn Xà Cầu, xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa), cho biết, gia đình ông đã có 20 năm làm nghề thu gom phế liệu đem về tái chế. Ông Tuấn cho biết, nghề này đã giúp gia đình ông phát triển kinh tế, có của ăn của để trong nhà.
“Làm nghề này cũng không khó, không đòi hỏi trình độ chuyên môn cao, ai cũng có thể làm được. Nhà tôi thuê một chỗ để chứa hàng khi đi thu mua về, xong về phân loại, rồi gọi các chủ to trong làng đến mua, công việc của thôn quê nó thế, diễn ra bao nhiêu năm nay rồi”, ông Tuấn chia sẻ.
Theo ông Tuấn, làm nghề này không bao giờ bị lỗ.
Ông Lý Đình Tuấn đã có 20 năm làm nghề thu gom phế liệu đem về tái chế. |
Là nguồn xử lý phế liệu lớn nhất Thủ đô nên rác thải nhựa ở đây có đủ loại từ thùng phi, chai lọ, dây điện, ống nước... Trong làng, từ già đến trẻ, ai cũng có thể làm được việc.
"Ở thôn Xà Cầu chúng tôi, chỉ những người đau ốm mới không làm ra tiền. Còn lại ai cũng có thể làm được vì công việc hết sức đơn giản. Người khỏe thì đứng máy nghiền, máy xả nước, bốc hàng lên xuống xe cho thu nhập cao; còn người già, trẻ em thì phân loại, bóc nhãn mác, xúc chai lọ… mỗi ngày cũng kiếm được trên 100.000 đồng”, ông Tuấn cho biết thêm.
Đang ngồi tách từng vỏ chai dầu gội đầu, hai vợ chồng ông Lý Thế Hạnh, cho biết, nếu đi làm thuê, một ngày kiếm được khoảng 200.000 đồng là bình thường, nếu có sức khỏe thì có thể đi bốc vác, số tiền kiếm được sẽ nhiều hơn.
“Đơn giản lắm, chúng tôi làm lâu năm rồi nên chỉ thoáng qua là biết phân loại các đồ nhựa ở đây. Phân loại xong, chúng tôi cho vào xay, rồi đem đi phơi, bán cho những người đi thu mua”, ông Hạnh nói về công việc.
Hai vợ chồng ông Lý Thế Hạnh đang phân loại màu rác thải từ những vỏ chai dầu gội đầu. |
Học xong cấp ba, anh Duy (sinh năm 1996, ở thôn Xà Cầu) ở nhà cùng với bố mẹ làm nghề thu gom phế liệu đem về tái chế. Theo anh Duy, dù làm nghề này mang lại thu nhập cao nhưng không tránh khỏi việc gây ô nhiễm, đặc biệt trong xã vẫn còn tồn đọng một số hộ dân thiếu ý thức, xả và đốt rác gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường.
“Nhiều người thiếu ý thức, tranh thủ lúc nửa đêm, gần sáng lén đem rác ra đồng đốt, khiến không chỉ những người Xà Cầu bị ảnh hưởng mà các thôn lân cận cũng bị vạ lây. Có nhiều lần rác cháy to còn phải gọi cả đội phòng cháy chữa cháy đến cứu hộ”, anh Duy chia sẻ.
Con đường ở thôn Xà Cầu, hàng ngày có rất nhiều xe cộ đi qua nhưng vẫn có những đống rác được đốt chải dài đến cả 100 mét. |
Làm nghề cũng có kinh tế ổn định, thế nhưng theo anh Duy, để phát triển làng nghề bền vững, địa phương phải có kế hoạch và lối đi cho các hộ kinh doanh, để những thế hệ trẻ như anh có thể theo nghề.
“Chúng tôi mong các cấp chính quyền TP sớm giúp người Xà Cầu phương án xử lý rác thải đang từng ngày chất cao như núi, hay đốt rác bừa bãi ảnh hưởng tới môi trường. Trước mắt, là một đơn vị có chức năng thu gom và xử lý rác thải sau tái chế”, anh Duy chia sẻ.
Với đồ phế thải bằng nhựa, người ở thôn Xà Cầu không bỏ đi bất cứ thứ gì. Từ vỏ ô tô, xe máy, can, thùng, chậu, vỏ chai, ống nước, tấm lợp, đến con lợn nhựa bé tí đều được gom về… sau đó phân loại rồi tái chế.
Khi người dân đem đốt bỏ những thứ mà không thể tái chế được nữa, bầu không khí trong làng bị ảnh hưởng rất lớn từ mùi khét của nhựa. Ngoài ra, người dân trong làng còn bị tiếng ồn của hàng trăm máy ép nhựa tra tấn suốt ngày.
Nhiều hộ không dám đốt những thứ không thể tái chế được nữa, rác còn lại chẳng biết mang đi đâu nên nhà nào có mảnh sân, góc vườn thì chất đống lại. Quanh làng Xà Cầu, hầu như chỗ nào cũng chất đầy rác, nỗi lo rác bốc cháy luôn thường trực.
Chia sẻ với PV Infonet, ông Trang Văn Viễn, Phó chủ tịch UBND xã Quảng Phú Cầu cho biết, hiện tại làng Xà Cầu có khoảng 180 hộ làm nghề tái chế phế liệu. Khảo sát thực tế cho thấy, rác thải, phế liệu được bà con thu mua ở khắp nơi mang về tái chế. Phần không sử dụng được, người dân vứt bỏ bừa bãi khắp ngôi làng gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường.
Ông Viễn cũng thừa nhận, hiện tại địa phương đang vướng mắc về việc xử lý môi trường. "Rác thải nhựa sau khi tái chế không dùng được nữa vẫn có tình trạng đốt, làm ảnh hưởng rất nghiêm trọng tới môi trường”, ông Viễn cho biết.
Theo ông Viễn, do đây là nguồn thu nhập quan trọng đối với các hộ dân nên việc tái chế vẫn diễn ra.
Đủ các loại phế liệu, rác thải, nhất là vỏ chai nhựa được người dân Xà Cầu thu gom từ khắp các nơi về chất thành đống, để khắp đường làng, ngõ xóm. |
Để xử lý lượng rác thải này, người dân đem đổ ra các bãi đất trống quanh làng rồi đốt khiến không khí trong làng ngột ngạt. |
Đốt cũng không xuể, trong khi rác lại không được vận chuyển về nơi tập kết, xử lý tập trung nên tích tụ thành những đống khổng lồ, gây ô nhiễm môi trường. |
Rác thải được chất đống ở khu vực nghĩa trang. |
Mọi đồ phế thải được người dân thôn Xà Cầu mua về để tái chế. |
Ở nhiều bãi tập kết, rác chồng chất cao tới vài mét. |
Hình ảnh rác thải nhựa xếp đống khắp trong nhà, ngoài sân, từ đường làng ngõ xóm cho đến trên cánh đồng không phải hiếm. |
Nghề tái chế phế liệu mang lại nguồn thu nhập chính cho người dân trong thôn. |
Theo thống kê, mỗi năm lượng rác thải phát sinh từ nghề sơ chế phế liệu, rác thải ở thôn Xà Cầu là khoảng 150 tấn. |
Mặc dù lực lượng Cảnh sát môi trường và công an xã đã xử phạt hành chính rất nhiều trường hợp về hành vi xả rác, đốt rác, nhưng tình hình chưa được cải thiện. |
Bảo Khánh