Huyện Ba Vì nỗ lực giảm thiểu đuối nước cho trẻ em
Chiều 13/5, 3 học sinh (10 tuổi) ra đập nước trên địa bàn xã Đồng Thái, huyện Ba Vì để tắm không may bị đuối nước. Ngay khi nhận được thông tin lực lượng chức năng và người dân đã cứu nạn tuy nhiên 3 cháu không qua khỏi.
Trước đó, vào năm 2020, sau giờ tan trường, hai nữ sinh lớp 10 đã rủ nhau ra sông Đà (huyện Ba Vì, TP Hà Nội) tắm, không may đi vào vùng nước sâu dẫn tới đuối nước tử vong thương tâm.
Sự việc xảy ra vào khoảng 17 giờ 30 chiều 19/5. Khi tan trường, hai nữ sinh lớp 10 không về nhà luôn mà đi ra sông Đà, đoạn chảy qua địa phận thôn Đan Thê, xã Sơn Đà, huyện Ba Vì, TP Hà Nội, để tắm. Không may, cả hai nữ sinh này đi vào vùng nước sâu nên đều bị đuối nước tử vong
Được biết, tại khu vực 2 học sinh đuối nước về chiều có nhiều người ra tắm nhưng chia thành 2 khu nam và nữ khác nhau.
Đuối nước là "kẻ giết người" nguy hiểm nhưng chúng ta hoàn toàn có thể phòng chống được. Theo đó, vào tháng 5 năm 2022, huyện Ba Vì đã chỉ đạo Phòng GDĐT phối hợp với Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao tổ chức khai mạc lớp dạy bơi miễn phí cho 300 học sinh trên địa bàn huyện, trong đó có 150 học sinh trường THCS Phú Đông và 150 học sinh của trường THCS Cam Thượng.
Việc tổ chức dạy bơi miễn phí không chỉ giúp các em học sinh biết bơi mà còn trang bị cho các em các kiến thức, kỹ năng phòng chống đuối nước cơ bản, giúp giảm thiểu tình trạng đuối nước đồng thời góp phần nâng cao tỉ lệ học sinh trên địa bàn huyện được phổ cập bơi.
Song song với việc dạy bơi, tại các xã phường, đoàn thanh niên cũng ra quân tổ chức cắm biển cảnh báo khu vực nước sâu nguy hiểm. Đơn cử như tại thôn Khê Thượng, xã Sơn Đà, Bí thư xã Nguyễn Xuân Cung cho biết, trong năm 2022, Đoàn xã đã tổ chức lắp đặt 5 biển cảnh báo khu vực nước sâu nguy hiểm phòng chống đuối nước cho trẻ nhỏ trị giá 3.000.000đ.
Việc làm này nhằm ngăn chặn tình trạng đuối nước ở trẻ em. Kết quả từ đầu năm đến nay (18/12/2022) tại xã Sơn Đà không ghi nhận trường hợp nào bị đuối nước.
Theo các chuyên gia, đuối nước có thể xảy ra với bất kỳ ai, trong số đó, trẻ em là đối tượng có nguy cơ đuối nước cao hơn cả. Trẻ em từ 1 – 4 tuổi có nguy cơ đuối nước cao nhất.
Đuối nước là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do thương tích không chủ ý với trẻ em từ 1 – 14 tuổi chỉ sau các vụ tai nạn giao thông.
Một trong những yếu tố phổ biến nhất làm tăng khả năng chết đuối ở trẻ em đó là “thiếu sự giám sát chặt chẽ”. Đuối nước có thể xảy ra nhanh chóng và lặng lẽ ở bắt cứ nơi nào có nước, đặc biệt là đối với trẻ em khi không có người giám sát. Đuối nước có thể xảy ra ở biển, hồ, hồ bơi, bồn tắm và thậm chí là cả xô nước.
Vì vậy cha mẹ và người chăm sóc trẻ hãy luôn chủ động để mắt tới trẻ, ngay cả khi trẻ biết bơi để giảm thiểu nguy cơ đuối nước có thể xảy ra với các em. Khi bơi phải có phao bơi an toàn.
Không cho trẻ chơi, đùa nghịch quanh ao, hồ, hố sâu để tránh bị ngã, rơi xuống hố. Ở nhà có trẻ nhỏ tốt nhất không nên để những lu nước, thùng nước, nếu bắt buộc phải có (như vùng phải tích trữ nước ngọt để dùng) nên đậy thật chặt để trẻ em không mở nắp được.
Đối với những nhà có hồ bơi nên rào kín xung quanh và cửa có khóa để trẻ em không mở cửa được, có hệ thống báo động khi trẻ em vào. Và nên cho trẻ tập bơi sớm (trên 4 tuổi).
Trong trường hợp trẻ không may bị đuối nước, cần nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi mặt nước bằng cách đưa cánh tay, cây sào dài cho nạn nhân nắm, ném phao hoặc chèo thuyền vớt nạn nhân lên. Tuyệt đối không nên nhảy xuống nước cứu người khi không biết bơi.
Đặt nạn nhân nằm chỗ khô ráo, thoáng khí. Nếu nạn nhân bất tỉnh, hãy kiểm tra xem còn thở không bằng cách quan sát lồng ngực có di động hay không.
Nếu lồng ngực không di động, tức là nạn nhân ngừng thở thì phải hô hấp nhân tạo (thổi ngạt bằng miệng) ngay lập tức. Sau khi thổi ngạt 2 cái, cần kiểm tra xem tim nạn nhân còn đập hay không bằng cách bắt mạch cảnh, bẹn, hoặc áp tai vào lồng ngực bên trái xem có tiếng tim đập không.
Nếu không bắt được mạch chứng tỏ tim nạn nhân đã ngừng đập, cần phải hô hấp nhân tạo kèm theo ép tim ngoài lồng ngực (ép ở 1/2 dưới xương ức bên trái) theo tỷ lệ 15/2 (nghĩa là ép tim 15 cái thì thổi ngạt 2 cái) nếu có 2 người, hoặc 30/2 nếu có 1 người. Sau đó vừa làm vừa đưa nạn nhân đi bệnh viện.
Nếu nạn nhân còn tự thở, cho nạn nhân nằm nghiêng sang một bên. Cởi bỏ quần áo ướt, giữ ấm. Nhanh chóng đưa nạn nhân đến bệnh viện gần nhất vì có thể sẽ xảy ra khó thở tái diễn (khó thở thứ phát) vài giờ sau ngạt nước.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng lưu ý, không nên dốc ngược nạn nhân, vác lên vai rồi chạy. Đây là hành động hoàn toàn sai vì nó làm mất thời gian vàng để hô hấp nhân tạo, cứu sống bệnh nhân.
Bởi khi ngạt nước, nước ở trong phổi không nhiều như mọi người nghĩ nó sẽ được tống ra ngoài khi hô hấp nhân tạo, ép tim ngoài lồng ngực và khi bệnh nhân thở trở lại.
N. Huyền