Khó khăn và bài học kinh nghiệm trong phòng chống đuối nước ở trẻ em
Đuối nước được cho là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong cho trẻ em khi bị tai nạn, thương tích. Sau một thời gian dài triển khai nhiều biện pháp tuyên truyền, vận động người dân nâng cao tinh thần cảnh giác, tình trạng đuối nước ở Đắk Lắk vẫn chưa giảm được nhiều vì còn một số khó khăn chưa thể giải quyết trong một sớm một chiều.
Một số hạn chế tồn tại đã được Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk chỉ rõ như: Nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền cơ sở, của cộng đồng, gia đình, trẻ em vẫn còn hạn chế, chưa quan tâm đúng mức về công tác này. Kinh phí đầu tư cho hoạt động phòng, chống tai nạn, thương tích nói chung, phòng đuối nước nói riêng chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.
Trẻ em thiếu sự giám sát đầy đủ của người lớn, trẻ không biết bơi, môi trường sống không an toàn và nghèo đói là những yếu tố làm tăng nguy cơ tai nạn, thương tích ở trẻ em. Trẻ em bị tai nạn, thương tích nói chung, bị đuối nước nói riêng có xu hướng giảm, nhưng vẫn ở mức cao. Công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát liên quan đến phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em chưa được quan tâm, nhất là kiểm tra, thanh tra các công trình giao thông, thủy lợi, hồ bơi.
Công tác tuyên truyền, thông tin, truyền thông ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số còn chưa sâu rộng. Kỹ năng truyên thông của một số cán bộ cấp xã còn hạn chế. Các hoạt động can thiệp, thu thập số liệu thường rất chậm, thiếu chính xác.
Trao đổi với PV Infonet, một cán bộ Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho hay: ''Từ những khó khăn trong quá trình thực hiện giải pháp nhằm hạn chế trẻ em đuối nước, các cơ quan quản lý chuyên môn đã rút ra những bài học kinh nghiệm sâu sắc".
Theo tổng kết bài học kinh nghiệm của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh này, thứ nhất, vai trò, nhận thức của cha mẹ, người chăm sóc trẻ em và chính trẻ em có vai trò quan trọng trong công tác phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em. Thiếu sự quan tâm, giám sát trẻ của cha mẹ, người chăm sóc trẻ; cộng thêm bản tính trẻ hiếu động, tò mò, thiếu kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ mình là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tai nạn, thương tích và tử vong do đuối nước ở trẻ em.
Thứ hai, công tác phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em là nhiệm vụ của toàn hệ thống chính trị, nhất là chính quyền cấp cơ sở. Vai trò, nhận thức, năng lực của lãnh đạo quyết định chất lượng triển khai thực hiện công tác phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em ở địa phương.
Ngoài ra, còn một số yếu tố khác ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ em. Đó là, hoạt động điều phối của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, công tác phối hợp liên ngành của các cơ quan, tổ chức cấp tỉnh thúc đẩy hiệu quả công tác triển khai ở các địa phương; Nguồn lực kinh phí giúp nâng cao công tác truyền thông, cảnh báo ở cộng đồng; nâng cao năng lực phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ và trẻ em; người làm công tác trẻ em, giáo viên, cán bộ Đoàn, Đội, cộng tác viên trẻ em, nhân viên y tế thôn, buôn, tổ dân phố.
Hải Dương