Hà Nam phát triển bền vững ngành chăn nuôi, thuỷ sản
Chiều ngày 05/11/2020, UBND tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết thực hiện các đề án phát triển sản xuất lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản giai đoạn 2017-2020.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Đề án Phát triển chăn nuôi bò sữa giai đoạn 2016 - 2020 mặc dù chưa đạt chỉ tiêu đề ra về tổng đàn, nhưng đàn bò sữa của tỉnh đã tăng nhanh so với trước khi thực hiện đề án; đã hình thành được các vùng chăn nuôi bò sữa tập trung và phát triển bền vững; hình thức, quy mô chăn nuôi chuyển mạnh từ chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư sang chăn nuôi tập trung quy mô lớn theo quy hoạch. Đến nay, đàn bò sữa của tỉnh đạt 4.200 con, tốc độ tăng đàn trung bình hàng năm đạt 15,3%. Sản lượng sữa năm 2020 ước đạt 11.000 tấn, tăng hơn 7.100 tấn so với năm 2015; giá trị sản phẩm đạt 143 tỷ đồng, đóng góp khoảng 4,06% tổng giá trị sản xuất ngành chăn nuôi của tỉnh.
Hà Nam phát triển bền vững ngành chăn nuôi, thuỷ sản |
Hiện toàn tỉnh Hà Nam đã phê duyệt được 06 khu quy hoạch chăn nuôi bò sinh sản, bò thịt tập trung với tổng diện tích gần 50 ha, tổng đàn bò đang nuôi là hơn 350 con; số bò đã xuất bán thịt và làm giống là 305 con, tổng số tiền thu được là hơn 7,4 tỷ đồng, lợi nhuận khoảng 1,8 tỷ đồng.
Việc thực hiện Đề án đã đem lại hiệu quả phát triển bền vững tích cực. Toàn tỉnh đã xây dựng được 09 mô hình hợp tác xã liên kết nuôi trồng thủy sản tại 09 khu nuôi trồng thủy sản tập trung của tỉnh, tạo điều kiện tổ chức lại sản xuất, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất. Doanh thu trên 01 ha nuôi cá của các thành viên hợp tác xã trung bình đạt từ 350 - 500 triệu đồng/ha, lợi nhuận từ 150 đến 200 triệu đồng/ha, gấp 1,5 - 2 lần so với trước khi hình thành hợp tác xã.
Để tiếp tục đẩy mạnh phát triển chăn nuôi bò sữa, bò sinh sản, bò thịt chất lượng cao và nuôi trồng thủy sản tập trung trong thời gian tới, đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các ngành, địa phương tập trung giải quyết những tồn tại, hạn chế của các đề án trong thời gian vừa qua; đồng thời phát triển chăn nuôi theo đúng quy hoạch đã được phê duyệt; chú trọng phát triển mạnh chăn nuôi tập trung theo hướng an toàn sinh học tại những địa phương đã có kinh nghiệm cũng như vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất và phải đảm bảo vệ sinh môi trường. Bên cạnh đó, cần chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm chăn nuôi cũng như xây dựng thương hiệu sản phẩm để phát triển chăn nuôi.
K.Chi