Hà Lan trục xuất Bộ trưởng Thổ Nhĩ Kỳ, Ankara niêm phong đại sứ quán Amsterdam
Sputnik trích dẫn nguồn tin từ truyền thông Hà Lan cho biết, Bộ trưởng Bộ gia đình và xã hội Thổ Nhĩ Kỳ Fatma Betul Sayan Kaya đã bị giới chức nước này tạm giữ và sẽ được các nhân viên cảnh sát hộ tống tới biên giới Đức.
Trước đó, bà Kaya đã tới Hà Lan bằng đường bộ từ Đức sau khi máy bay của Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ bị chính quyền Hà Lan từ chối cho phép hạ cánh. Bộ trưởng Bộ gia đình và xã hội Thổ Nhĩ Kỳ đang ở Đức tham dự một số sự kiện khác và mặc dù các cuộc họp của bà ở Hà Lan đã bị hủy, song bà vẫn quyết định tới quốc gia Bắc Âu này vào sáng sớm hôm nay.
Giới chức Đức và Hà Lan đã hủy bỏ các cuộc gặp gỡ của bà Kaya với người dân Thổ Nhĩ Kỳ sinh sống ở châu Âu nhằm mục đích kêu gọi sự ủng hộ tăng thêm quyền lực cho Tổng thống Erdogan.
![]() |
Người biểu tình Thổ Nhĩ Kỳ tụ tập bên ngoại lãnh sự quán ở Rotterdam để gặp Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng gia đình xã hội Thổ Nhĩ Kỳ. Nguồn: Reuters |
Trong một diễn biến liên quan, nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, giới chức Ankara đã cho niêm phong đại sứ quán và lãnh sự quán Hà Lan tại nước này giữa lúc căng thẳng ngoại giao song phương đang có chiều hướng gia tăng nhanh chóng.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã đóng cửa khu nhà của Đại sứ Hà Lan, đại biện và tổng lãnh sự quán Hà Lan để trả đũa cho quyết định cấm máy bay của Bộ trưởng Ngoại giao Mevlut Cavusoglu hạ cánh tại Rotterdam của Hà Lan trước đó.
Trong khi đó, tại thành phố Rotterdam, hàng trăm người biểu tình mang theo quốc kỳ Thổ Nhĩ Kỳ đã tụ tập bên ngoài lãnh sự quán Thổ Nhĩ Kỳ vào đêm 11/3, yêu cầu giới chức Hà Lan cho gặp Bộ trưởng Bộ gia đình và xã hội.
Cảnh sát đã phải dựng rào chăn kim loại và tuần tra bằng ngựa để giữ người biểu tình tránh xa lãnh sự quán khi đám đông ngày càng gia tăng do những người ủng hộ chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ từ Đức kéo sang.
Chính phủ Hà Lan trước đó cho biết không muốn các chính trị gia Thổ Nhĩ Kỳ tham gia chiến dịch vận động người dân ở châu Âu ủng hộ Tổng thống Erdogan, đặc biệt là sau khi nhà lãnh đạo này gọi Hà Lan và Đức là “những tàn dư của chế độ phát xít”.
Những người tổ chức các cuộc tuần hành của người Thổ Nhĩ Kỳ ở một số nước châu Âu cho rằng các cử tri nước này vẫn sẽ bỏ phiếu ủng hộ việc trao thêm quyền cho ông Erdogan trong cuộc trưng cầu dân ý vào tháng 4 tới. Hầu hết các nước châu Âu coi hành động này gây ảnh hưởng rất xấu đến nền dân chủ của Ankara.