Hà Lan dự kiến công bố MH17 bị tên lửa Buk bắn rơi
Chuyến bay MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines bị rơi ở khu vực miền đông Ukraine thuộc vùng kiểm soát của phe ly khai hôm 17/7/2014, cướp đi sinh mạng của 298 người mà phần lớn là công dân Hà Lan.
Giới chức và chính quyền phương Tây cáo buộc chính phe ly khai miền đông Ukraine là thủ phạm bắn rơi MH17 bởi khả năng họ đã nhầm MH17 là máy bay quân sự của chính phủ Kiev. Tuy nhiên, Moscow lại đưa ra giả thuyết trái chiều như MH17 bị chiến đấu cơ hay lực lượng quân chính phủ Ukraine bắn hạ.
Lính ly khai đứng canh hiện trường rơi của chuyến bay MH17 ỏGrabovo thuộc vùng Donetsk hồi năm 2014. |
Theo Reuters, Giám đốc Ủy ban An toàn Hà Lan, ông Tjibbe Joustra sẽ cho công bố những bằng chứng đầu tiên từ gia đình các nạn nhân vào hôm nay trước giới phóng viên tại căn cứ quân sự ở Gilze-Rijen. Đây cũng là nơi các mảnh vỡ máy bay MH17 được thu thập và tái hiện.
Nhiều khả năng, Ủy ban An toàn Hà Lan sẽ công bố thông tin MH17 bị tên lửa Buk do Nga sản xuất bắn rơi mặc dù theo quy tắc của các vụ điều tra thảm họa hàng không, cơ quan này không có quyền đổ lỗi cho một bên cụ thể.
Những nghiên cứu ban đầu do Ủy ban An toàn Hà Lan công bố hồi tháng 9/2014 cho biết MH17 đã bị bắn hạ bởi "các vật thể có nguồn năng lượng cao từ bên ngoài máy bay".
Hồi tháng Bảy, Nga đã phủ quyết đề xuất của Hà Lan tại Liên Hợp Quốc về việc thành lập một tòa án phân xử quốc tế. Song, hiện nay, chính phủ Hà Lan vẫn đang tìm kiếm phương án thay thế.
Trong khi đó, nhà sản xuất tên lửa Buk Almaz-Antey cũng sẽ có một cuộc họp báo riêng vào hôm nay nhằm bác bỏ những tuyên bố của Ủy ban An toàn Hà Lan.
"Tập đoàn sẽ công bố kết quả của cuộc thử nghiệm mô phỏng quá trình một tên lửa Buk bắn một máy bay chở khách. Chúng tôi hy vọng cuộc thử nghiệm sẽ giúp mọi người hiểu chính xác điều gì khiến chiếc Boeing 777 rơi ở vùng Donetsk của Ukraine hôm 17/7/2014", Mashable dẫn tuyên bố từ Almaz –Antey hôm 9/10.
Trước đó, trong cuộc họp báo ở Moscow hồi tháng 6, Almaz-Antey cho biết họ chuẩn bị thực hiện một cuộc thử nghiệm cho thấy thủ phạm bắn rơi MH17 là một tên lửa thế hệ cũ mà quân đội Nga không còn sử dụng nhưng vẫn nằm trong kho vũ khí của Ukraine.
Ngoài việc tập trung vào công bố nguyên nhân dẫn tới thảm họa của MH17, Ủy ban An toàn Hà Lan sẽ trả lời một vài câu hỏi quan trọng khác xung quanh vụ việc như tại sao MH17 lại bay vào vùng không phận đang xảy ra chiến sự ở Ukraine.
Hành khách có mặt trên chuyến bay MH17 là công dân đến từ Hà Lan, Malaysia, Australia, Indonesia, Anh, Đức, Bỉ, Philippines, Canada và New Zealand.
Nội dung được thực hiện qua thảm khảo nguồn tin Reuters (Anh), một trong những hãng tin lớn nhất thế giới. Reuters cung cấp bài viết, hình ảnh, đồ họa và video cho rất nhiều tờ báo, đài phát thanh, đài truyền hình, Internet và các phương tiện truyền thông khác trên toàn thế giới.