GS Trần Đông A: Từ ca mổ không có chỉ khâu, thuốc sát khuẩn 32 năm trước tới ca 'song Nhi'
Ca mổ tách hai bé 'song Nhi' dự kiến trong 12 tiếng và có thể kết thúc lúc 18h chiều nay. Thông tin mới nhất, ca mổ thành công nhờ có sự chuẩn bị kỹ.
GS Nguyễn Đông A, người tham vấn cho ca mổ tách hai bé song sinh Trúc Nhi - Diệu Nhi (song Nhi - PV) là người Việt đầu tiên mổ cho cặp song sinh Việt-Đức từ 32 năm trước không khỏi xúc động khi ông được tham gia ca mổ.
Dù đã 80 tuổi nhưng cả ngày đồng hành với hơn 90 nhân viên y tế khác ông không thấy mệt mỏi. GS A cho biết một phần vì ông rèn luyện sức khỏe tốt, một phần vì ông quá hạnh phúc, vui và hứng khởi quên hết cả mệt mỏi.
Ca mổ hiện nay đã thành công bước đầu, tiến trình mổ diễn ra đúng như dự kiến. Đến thì đục xương có thiếu máu và hai bé được truyền máu ngay lập tức. Các bước diễn ra đúng như kịch bản ca phẫu thuật đã được chuẩn bị từ hàng trăm cuộc hội chẩn trong 1 năm qua.
GS Trần Đông A, người tham vấn ca mổ tách 2 bé song sinh Trúc Nhi - Diệu Nhi. |
Nhìn những học trò, đàn em của mình tham gia cuộc phẫu thuật này, GS A thực sự hạnh phúc vì y tế Việt Nam đã phát triển. TS Trương Quang Định - người trực tiếp chỉ đạo ca phẫu thuật là học trò của GS A.
Nhớ lại ca mổ 32 năm trước vào năm 1988, GS A cho biết khi đó Việt Nam còn đang bị cấm vận. Ca mổ cho cặp song sinh Việt - Đức vô cùng thiếu thốn, chỉ khâu không có, kháng sinh không có, thuốc sát trùng da không có....
Ca mổ phải nhờ sự viện trợ của người dân Nhật Bản về phương tiện y tế thông qua Hội chữ thập đỏ Nhật Bản, lúc đó Chính phủ Nhật cũng không thể giúp được gì vì cấm vận. Trong 70 bác sĩ tham gia ca mổ còn có sự hỗ trợ của một số bác sĩ Nhật Bản cùng với các bác sĩ Việt Nam thực hiện thành công ca mổ tại Bệnh viện Từ Dũ.
So với ca phẫu thuật hai bé 'song Nhi', Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM đã được trang bị thiết bị y tế đầy đủ đạt chuẩn thế giới. Công việc khó khăn nhất trong phần còn lại của ca phẫu thuật là đóng xương chậu để các cơ quan nằm ở đúng vị trí. Nếu có thể đóng xương chậu, cặp 'song Nhi' sẽ có thể đứng lên và đi lại được.
Ông chia sẻ: 'Niềm hạnh phúc của đời người bác sĩ là được tham gia cứu chữa các trường hợp thập tử nhất sinh'.
Theo cập nhật của Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM, việc chuẩn bị trước phẫu thuật tốt nên diễn tiến từ gây mê, sắp tư thế đúng dự kiến. Các bác sĩ đã chia nửa đầu đại tràng cho bé Trúc Nhi, nửa cuối kèm hậu môn thật cho Diệu Nhi. Việc tách cơ quan tiêu hóa, tiết niệu và tách xương của hai bé diễn ra thuận lợi. Để có máu cho hai bé sử dụng trong suốt ca mổ, bệnh viện đã đăng ký 16 đơn vị hồng cầu lắng, 12 đơn vị huyết tương tươi đông lạnh và 12 đơn vị tiểu cầu.
Bé Diệu Nhi ở lại phòng phẫu thuật ban đầu. Bé Trúc Nhi được chuyển sang phòng phẫu thuật khác để tiếp tục chỉnh, tạo hình các cơ quan. Các bác sĩ đang tiến hành chỉnh lại khung chậu, chỉnh hình cho hai bé và đã truyền một đơn vị máu.
Chia hai nửa đại tràng cho Trúc Nhi và Diệu Nhi
Đến thời điểm này, ca phẫu thuật tách hai bé song sinh dính nhau đã ổn định. Do việc chuẩn bị trước phẫu thuật tốt nên diễn tiến từ gây mê, sắp tư thế đúng dự kiến.
Khánh Chi