Giọt nước mắt của người lính pháo binh trong thời khắc thống nhất đất nước
Năm tháng không quên
Những ngày cuối tháng Tư, giữa cái nắng như đổ lửa, Đại tá Nghiêm Xuân Thành (67 tuổi, Hội Cựu chiến binh Quận 7, TP.HCM) lại sống dậy đoạn ký ức đẹp nhất trong đời binh nghiệp của mình. Ông tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, chứng kiến thời khắc đất nước thống nhất, non sông nối liền một dải.
Trước khi Chiến dịch Hồ Chí Minh diễn ra, ông Thành vẫn là cậu học sinh cấp 3 ở Thanh Hóa. Tuy vậy, những ngày tháng ấy, ông sống trong không khí sục sôi, mong muốn được nhập ngũ, lên đường tham gia chiến đấu.
Khi có lệnh tổng động viên, ông háo hức nhập ngũ. Ông nhớ lại: “Tôi nhập ngũ ngày 15/3/1975 vào Lữ Đoàn pháo binh 45 thuộc Quân đoàn 1. Sau đó, tôi được biên chế về Đại đội 12, Tiểu đoàn Pháo binh 4 của Lữ đoàn. Lúc này, tôi mới 18 tuổi, hừng hực khí thế, mong muốn được nhanh chóng lên đường, ra trận”.
Ngày 27/3/1975, chàng thanh niên Xuân Thành thỏa niềm mong ước. Đúng 7h sáng, Tiểu đoàn Pháo binh 4 nhận lệnh tổ chức hành quân vào Nam chiến đấu. Khi tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, đơn vị của Thành nằm trong đội hình Quân đoàn 1.
Lúc này, Lữ đoàn Pháo binh 45 phải hành quân thần tốc với đội hình hàng trăm xe to, pháo lớn. Lữ đoàn được lệnh chạy đua với thời gian, vượt chặng đường 1.700km, lao nhanh vào chiến trường miền Đông Nam Bộ.
Do thời gian gấp rút, ông Thành không được huấn luyện chiến đấu một cách bài bản. Thay vào đó, ông và đồng đội được huấn luyện trong những khoảng thời gian xe kéo pháo dừng lại bổ sung xăng dầu, thực phẩm, thuốc men.
Ông kể: “Chúng tôi tiến vào miền Nam trên đường mòn Hồ Chí Minh, vừa đi vừa được huấn luyện. Có cực nhọc, có mệt mỏi nhưng chúng tôi vẫn lĩnh hội tốt những gì được huấn luyện.
Hơn thế, khi đi trên đường Hồ Chí Minh, chúng tôi thấy đâu đâu cũng có những khẩu hiệu, tuyên truyền với tinh thần yêu nước, quyết tâm thắng lợi sục sôi.
Những khẩu hiệu ấy giúp chúng tôi mạnh mẽ, quyết tâm hơn. Phải nói, có đi trên con đường ấy mới thấy được ý chí, quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của quân ta lúc bấy giờ lớn lao, mạnh mẽ như thế nào”.
Ngày 18/4/1975, vì hành quân vào ban ngày với số lượng lớn xe, pháo cùng nhiều binh chủng khác, đoàn quân bị địch phát hiện. Không quân của chúng liên tục ném bom, bắn tên lửa vào đội hình hành quân.
Bị tấn công bất ngờ, các đơn vị pháo phòng không, tên lửa của quân ta vẫn kịp thời ổn định đội hình, đánh trả quyết liệt. Với hỏa lực mạnh cùng ý chí quyết thắng, các đơn vị này nhanh chóng đẩy lùi mọi cuộc không kích của địch.
Sau đó, Lữ đoàn tiếp tục hành quân vào vị trí tập kết bí mật, làm công tác chuẩn bị chiến đấu. Tiểu đoàn Pháo binh 4 của ông Thành được lệnh phối hợp tác chiến với Sư đoàn 312, tiến công đánh chiếm căn cứ Phú Lợi, tỉnh Bình Dương.
Nước mắt người chiến thắng
17h chiều 27/4, đơn vị của ông Thành được lệnh vượt ngầm Sông Bé (đoạn chảy qua địa phận tỉnh Bình Dương) để vào chiếm lĩnh trận địa ở khu vực ấp Bình Cơ, xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi, TP.HCM. Thời gian quá gấp rút, đơn vị của ông chỉ kịp thiết lập trận địa pháo trên mặt đất, đào hầm cá nhân.
Khoảng 22h đêm cùng ngày, công tác chuẩn bị hoàn tất. Tuy vậy, ông cùng đồng đội gác lại việc nghỉ ngơi để bốc, vác đạn pháo do đoàn xe vận tải thuộc Bộ Tư lệnh 559 chở đến bổ sung. Trong 2 đêm 28 và 29/4, ông và đơn vị đã bốc, vác hơn 1000 đạn pháo loại 130 ly nặng 70kg vào trận địa.
Đúng 5h sáng 30/4, đơn vị của ông Thành được lệnh bắn cấp tập chi viện cho Sư đoàn 312 đánh chiếm căn cứ Phú Lợi. Thời điểm này, miền Đông Nam Bộ đang vào cuối mùa khô nên nắng nóng cháy da.
Không quen với “cái nắng như đổ lửa”, ông và các pháo thủ cởi trần nạp đạn pháo, bắn liên tục để chi viện cho bộ binh tiến công. Tuy nhiên sau đó, trận địa pháo của đơn vị ông bị địch phát hiện.
Chúng điên cuồng nã đạn pháo vào trận địa, gây nhiều thiệt hại. Tuy nhiên, đến 10h45, đơn vị của ông nhận tin Sư đoàn 312 đã đánh chiếm, làm chủ căn cứ Phú Lợi. 11h30 ngày 30/4/1975, ông và đồng đội nhận tin Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh tuyến bố đầu hàng vô điều kiện.
Nghe tin chiến thắng, ông Thành và đồng đội ôm nhau, nhảy lên reo mừng, sung sướng. Xung quanh ông vang dậy tiếng hô: “Đất nước giải phóng rồi...! Đất nước thống nhất rồi anh em ơi...!”.
Thế rồi ông đứng giữa trận địa khóc thành tiếng như một đứa trẻ. Những người đồng đội của ông cũng khóc. Trong khoảnh khắc thiêng liêng của đất nước, nước mắt hạnh phúc, tự hào tột bậc đã lăn trên má những người lính.
Ông Thành chia sẻ: “Trong khoảnh khắc thiêng liêng ấy, tôi khóc vì biết đất nước vừa vượt qua cuộc chiến cam go. Tôi cũng khóc vì hạnh phúc, sung sướng, tự hào tột bậc.
Và sâu thẳm trong trái tim tôi, tôi còn khóc vì biết mình sắp được về với mẹ. Hồi đó, tôi còn rất trẻ, nỗi nhớ gia đình, nhớ mẹ, thầy cô bạn bè vẫn chưa nguôi ngoai. Trải qua những phút giây sinh tử khi kết thúc chiến tranh, lành lặn trở về với mẹ nên tôi hạnh phúc vô cùng”.
Ngay sau khi đất nước thống nhất, đặt chân vào Sài Gòn, ông Thành ngỡ ngàng trước không khí reo vui, hạnh phúc của người dân. Ông nhận ra rằng, ai ai cũng mong muốn chiến tranh sớm kết thúc.
“Tôi có may mắn được chứng kiến thời khắc TP.HCM nói riêng và đất nước nói chung chuyển từ chiến tranh sang hòa bình nên rất tự hào. Khoảnh khắc ấy không bao giờ phai mờ trong tâm trí, trái tim tôi.
Thế nên, tôi rất yêu thành phố này. Sau chiến tranh, tôi đi học, công tác ở nhiều nơi, đến nhiều chiến trường. Nhưng cuối cùng, tôi cũng trở lại TP.HCM lập gia đình, sinh sống”, ông Thành nói.
Hà Nguyễn