Gen Z muốn thoát "vòng kim cô" của mạng xã hội
Nhiều bạn trẻ thuộc thế hệ gen Z hiện đang lo lắng với những tác động tiêu cực của thiết bị số và mạng xã hội lên cuộc sống thực của mình.
Những chàng trai cô gái thuộc thế hệ gen Z (thuật ngữ được dùng để chỉ những người được sinh ra vào khoảng thời gian từ 1997 đến 2012) là thế hệ đầu tiên có mối quan hệ mật thiết với các thiết bị thông minh ngay từ khi còn ở trong bụng mẹ đến lúc lớn lên và trưởng thành.
Thế hệ gen Z sinh ra và lớn lên cùng với các thiết bị thông minh và mạng xã hội - Ảnh: Getty Images |
Và họ cũng là thế hệ đầu tiên phải lên tiếng về việc bị phụ thuộc quá nhiều vào công nghệ hiện đại.
“Em từng nghĩ rằng, mình có cả thế giới trong lòng bàn tay với chỉ vài cái click chuột hoặc bấm vuốt trên màn hình điện thoại. Em có thể kết nối với bạn bè qua mạng xã hội, bình luận và nhận phản hồi từ mọi người một cách dễ dàng. Em cảm thấy thật thú vị, và xem đó như là một phần cuộc sống của mình”, Emma Lembke, sinh viên năm nhất Đại học Washington (Mỹ), kể về trải nghiệm lần đầu sử dụng các nền tảng mạng xã hội khi vừa tròn 16 tuổi.
“Nhưng dần dần, em nhận ra bản thân mình dường như đang bị mất kiểm soát khi tham gia các hoạt động trên mạng xã hội. Càng ngày em càng cảm thấy mình có những cảm xúc tiêu cực như lo lắng, sợ hãi, căng thẳng, thậm chí mất ngủ”, Lembke cho biết.
Dành quá nhiều thời gian trên mạng xã hội và các hoạt động trực tuyến khác, cùng việc phải “dính chặt” với các thiết bị điện tử thông minh để phục vụ việc học từ xa suốt một thời gian dài do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đã khiến Lembke quyết định phải “làm một điều gì đó để giải thoát bản thân và bạn bè đồng trang lứa”.
Emma Lembke, đồng sáng lập phong trào LOG OFF có mục tiêu vận động xây dựng mối quan hệ an toàn và lành mạnh cho giới trẻ khi tham gia mạng xã hội - Ảnh: Sid Hastings/Washington University |
Tháng 5/2020, Lembke và những người bạn cùng chí hướng đã sáng lập nên phong trào LOG OFF (tạm dịch sang tiếng Việt: Tắt máy tính và điện thoại).
“Phong trào LOG OFF được khởi xướng như là một cuộc vận động của những bạn trẻ tuổi teen dành cho thế hệ thanh thiếu niên nhằm tạo ra một không gian đối thoại, trò chuyện về tính chất đa diện của truyền thông xã hội và thúc đẩy việc sử dụng nó theo những cách thức lành mạnh hơn”, Lembke giải thích.
Ban đầu, Lembke chỉ mới giới hạn phạm vi hoạt động thông qua một blog tập trung vào thảo luận những tác động tiêu cực của mạng xã hội đối với bản thân mình và những người thân xung quanh. Thế nhưng không lâu sau đó, cô nhận ra rằng, hàng ngàn thanh thiếu niên khác cũng có mối quan tâm tương tự, nhất là vấn đề sức khỏe tâm lý và tinh thần khi bị kiểm soát bởi mạng xã hội.
Nữ sinh 18 tuổi Emi Kim ở Los Angeles cũng là trong những người trẻ đang phải vật lộn với việc tìm kiếm sự cân bằng giữa các thuật toán gây nghiện trên các ứng dụng mạng xã hội và nhu cầu của bản thân để duy trì kết nối với bạn bè của mình trong thời gian bị phong tỏa vì COVID-19.
“Em đã xóa tất cả những gì mình đăng tải lên mạng xã hội. Em cũng gỡ bỏ hoàn toàn các ứng dụng mạng xã hội trên điện thoại và máy tính của mình”, Kim nói.
“Em biết là có nhiều bạn trẻ vẫn đang ngụp lặn trong ánh hào quang ảo do mạng xã hội tạo ra mà quên mất rằng, mình vẫn còn có cuộc sống bên ngoài đời thực, ở trường học cùng các hoạt động ngoại khóa chứ không chỉ là những video tạo xu hướng trên TikTok hay YouTube”.
"Câu nói đầu tiên ngay sau khi chúng em xong tiết học ở trường là: Điện thoại của tôi đâu rồi nhỉ?", nữ sinh Emi Kim nói - Ảnh: CBS News |
Theo số liệu của một nghiên cứu được công bố mới đây trên tạp chí chuyên ngành JAMA Pediatrics thuộc Hiệp hội Y tế Mỹ (AMA), trước khi xảy ra đại dịch COVID-19, trẻ em trong độ tuổi từ 10 đến 14 sử dụng trung bình 3,8 giờ/ngày để tham gia các hoạt động trực tuyến (không tính khoảng thời gian phục vụ việc học). Thế nhưng con số này đã tăng lên 7,7 giờ/ngày trong thời gian đại dịch.
Lembke tin rằng, tình trạng thanh thiếu niên không thể dứt ra được khỏi màn hình của các thiết bị điện tử là chiến lược có chủ ý của các công ty công nghệ chứ không phải các bạn trẻ thiếu ý chí để đặt điện thoại xuống.
“Một số bạn bè nói với em rằng, các bạn không thể nào thoát ra được một vòng tròn khép kín: vừa xem xong một video thì hàng loạt video khác tiếp tục hiện ra tức thì thôi thúc các bạn phải xem tiếp mà không thể ngừng lại được. Thuật toán do các mạng xã hội xây dựng có khả năng khiến nội dung được gợi ý liên tục, và thôi thúc người dùng tiếp tục vuốt màn hình điện thoại để xem tiếp một cách vô thức”, Lembke nói, và lưu ý thêm rằng, không ít video chứa nội dung độc hại, không phù hợp với lứa tuổi thanh thiếu niên.
Mặt trái của các nền tảng mạng xã hội cũng đã được các cơ quan quản lý của Mỹ xác nhận khi một báo cáo gần đây của Quốc hội Mỹ cho biết, Facebook là nền tảng mạng xã hội phát tán nhiều tin giả và nội dung gây thù ghét gây tác động tiêu cực lên nhận thức và hành vi của giới trẻ Mỹ.
Ngoài ra, tạp chí Wall Street Journal cũng từng công bố tài liệu cho thấy, 1/3 nữ sinh Mỹ được khảo sát thú nhận rằng, các nội dung trên Instagram khiến các em cảm thấy chán ghét bản thân mình hơn khi so sánh với các hình mẫu hoàn hảo được xây dựng trên mạng xã hội.
Điều này trái ngược với tuyên bố của Meta, là công ty mẹ của Facebook và Instagram, rằng: “Nền tảng Instagram giúp nhiều thanh niên có thể vượt qua được những vấn đề nghiêm trọng mà bản thân họ đang đối mặt”.
Mạng xã hội mang lại nhiều tác động tiêu cực đến sức khỏe thể chất và tinh thần của tuổi teen - Ảnh: NYBH |
Theo nghiên cứu của Pew Research - tổ chức chuyên nghiên cứu về thái độ, xu hướng, các vấn đề diễn ra ở Mỹ và trên thế giới, có tới 45% thanh niên được khảo sát nói rằng, họ cảm thấy “bị choáng ngợp bởi mạng xã hội”, mặc dù số giờ dành cho việc lướt mạng của nhóm đối tượng này vẫn không ngừng tăng lên hàng năm.
Cặp đôi ‘chị em' quen nhau qua app hát hò, gặp nhau đúng 3 lần là 'chốt' cưới và cái kết khiến dân tình xuýt xoa
Cặp đôi Thanh Toàn - Ngọc Trân quyết định đến với nhau vô cùng nhanh chóng chỉ sau 1 năm nói chuyện qua điện thoại và 3 lần gặp gỡ.
Theo www.phunuonline.com.vn