Vì sao học sinh thi tốt nghiệp điểm cao vẫn học nghề?
Đạt điểm cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 và có thể đỗ vào các trường đại học top đầu, thế nhưng nhiều bạn trẻ đã quyết định chọn học trường nghề.
Nhận được kết quả thi tốt nghiệp THPT với 25,5 điểm, Đào Văn Thụy (ở Quỳnh Phụ, Thái Bình) đã quyết định nộp hồ sơ tuyển sinh vào khoa Công nghệ ô tô, Trường cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội. Với số điểm thi này, Đào Văn Thụy hoàn toàn có cơ hội vào trường đại học top đầu nhưng vì sao không vào đại học? Đào Văn Thụy cho biết, do hoàn cảnh gia đình không quá khá giả, nên mong muốn sớm có việc làm, thu nhập ổn định bảo đảm cuộc sống. Vì vậy, Đào Văn Thụy đã quyết định tìm hướng đi mới, vừa thỏa đam mê từ nhỏ, vừa yên tâm về cơ hội việc làm rộng mở khi tốt nghiệp sau thời gian 3 năm học.
"Sau khi tham khảo qua internet, em thấy học nghề có ưu điểm và lợi thế riêng, như tiết kiệm thời gian, tiết kiệm chi phí, có cơ hội việc làm lớn. Em chọn công nghệ ô tô, vì em có đam mê ngành này từ lâu, bên cạnh đó với nhu cầu xã hội hiện nay, cơ hội việc làm sau này lớn", em Thụy chia sẻ.
Còn Nguyễn Tiến Dũng (ở Gia Lâm, Hà Nội) được sự tư vấn của người thân, gia đình nên đã tham gia học trường nghề để có việc làm ngay sau khi ra trường với mức lương tương đối ổn định. Vì vậy, dù nhận được kết quả thi tốt nghiệp THPT là 26,6 điểm, nhưng Nguyễn Tiến Dũng vẫn quyết định nộp hồ sơ đăng ký học ngành công nghệ ô tô, Trường cao đẳng nghề công nghiệp Hà Nội. Nguyễn Tiến Dũng tham gia Chương trình liên kết đào tạo giữa trường cao đẳng nghề và VinFast với mong muốn sau khi ra trường được vào làm việc tại tập đoàn.
"Em tham gia vào chương trình của Vinfast thì sẽ được ra Hải Phòng để học chương trình của Vinfast. Em muốn học ngành ô tô để sau này sẽ được làm việc ở đó"- Dũng nói.
Những năm trở lại đây, việc đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp phù hợp với tiêu chuẩn khu vực và quốc tế cùng với cam kết có việc làm ngay sau khi ra trường đã thay đổi nhận thức của phụ huynh và học sinh. Theo bà Phạm Thị Hường, Hiệu trưởng Trường cao đẳng nghề công nghiệp Hà Nội, các chính sách của nhà nước và doanh nghiệp đối với các lao động học nghề giúp định hướng cho học sinh, sinh viên quyết định học nghề thay vì học đại học. Đặc biệt, khi học nghề có nhiều lợi thế như thời gian học ngắn, học phí thấp. Đồng thời, các trường dạy nghề liên kết với doanh nghiệp, cam kết sinh viên được giải quyết việc làm. Thậm chí, các doanh nghiệp đầu tư đưa đi học ngay khi đang ngồi trên ghế nhà trường. Những chính sách thực tế này đã hút lượng lớn sinh viên chất lượng cao về học tại các trường nghề.
"Trong thông báo tuyển sinh, chúng tôi cam kết hỗ trợ sinh viên việc làm và chúng tôi tôi làm được. Với các bạn sinh viên đến năm thứ 3, hầu hết các doanh nghiệp đã đến xin tuyển dụng, sau khi tốt nghiệp ra trường các bạn có thể làm ngay. Nhà trường đáp ứng không bạn nào phải lo ra trường không có việc làm. Đến thời điểm này trường đã tuyển hơn 1.000 sinh viên, cả 2 hệ, gần 800 sinh viên học cao đẳng, gần 200 sinh viên học 9 cộng song bằng. Kết quả tăng hơn so với năm trước khoảng 300 học sinh hệ cao đẳng", bà Phạm Thị Hường cho biết.
Quá trình học tập tại các trường nghề, các sinh viên không chỉ được tới các doanh nghiệp thực tập nhiều hơn học lý thuyết. Những sinh viên xuất sắc đã được các doanh nghiệp lựa chọn, đầu tư hàng trăm triệu đồng đưa đi đào tạo tại nước ngoài, như trường hợp của Nguyễn Văn Hưng (ở Sóc Sơn, Hà Nội). Sau quá trình phấn đấu học tập và tham gia thi đạt giải nhất Kỳ thi tay nghề quốc gia vào năm thứ 2, Nguyễn Văn Hưng đã được tập đoàn Samsung đầu tư gần 1 tỷ đồng đưa đi đào tạo, học tập tại Hàn Quốc để tham gia cuộc thi tay nghề thế giới và đã đạt giải cao tại kỳ thi này.
"Đến giờ em cảm thấy chọn đúng hướng đi. Bởi ngay sau khi ra trường em có thể tự tin cầm bằng đi xin việc. Nếu muốn học đại học, em có thể trau dồi thêm để học tiếp lên đại học. Giữa tháng 10 em sẽ ra trường và chắc em sẽ nộp đơn vào Samsung làm việc, bởi ở đó sẽ đúng chuyên ngành và họ cũng là nhà đầu tư của em. Đặc biệt là em cũng có cơ hội làm việc ở gần nhà", Hưng chia sẻ.
Lựa chọn học nghề thay vì học đại học cho thấy tư duy chọn học để làm "thợ" thay vì làm "thầy" đang dần phổ biến hơn, bởi đích đến của các bạn trẻ là việc làm, là cơ hội khởi nghiệp rộng mở hơn. Tuy nhiên, để học sinh có lựa chọn nghề phù hợp, bên cạnh việc các cơ sở đào tạo nghề đầu tư về cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy và học tập, tăng cường liên kết đào tạo và giải quyết việc làm, thì công tác hướng nghiệp trong trường phổ thông cần thực sự đúng và trúng để khi lựa chọn học nghề, người học yên tâm và được đảm bảo về đầu ra.
Theo vov.vn