Tổ chuyên gia kết luận 'có bất thường' vụ đề ôn tập giống 80% đề thi Sinh tốt nghiệp THPT 2021, thầy Phan Khắc Nghệ nói gì?
Liên quan đến thầy giáo ở Hà Tĩnh bị "tố" có phần ôn thi giống 80% đề thi tốt nghiệp THPT 2021, Tổ công tác liên ngành của Bộ GD&ĐT và Bộ Công an mới đây đã nhận định có nhiều bất thường.
Cụ thể vụ việc, ngay trước ngày thi môn Sinh học của Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, thông tin thầy Phan Khắc Nghệ, Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hà Tĩnh, có bài tổng ôn cho học sinh với số câu hỏi trùng đến hơn 80% số câu hỏi trong đề thi chính thức môn Sinh học đã khiến dư luận xôn xao.
Nội dung ôn tập của thầy Nghệ và đề thi tốt nghiệp THPT Sinh học 2021 giống nhau đến 80% |
Ngay sau đó, ngày 4/8, Bộ GD&ĐT đã ra quyết định về việc thành lập Tổ công tác liên ngành xác minh thông tin phản ánh về đề thi môn Sinh học kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021.
Tổ công tác gồm: Bộ GD&ĐT (lãnh đạo các cục, vụ, thanh tra, các chuyên viên), Bộ Công an (A03, A05) và các chuyên gia môn Sinh học gồm ông Phạm Văn Lập và bà Nguyễn Thị Hồng Liên đã vào Hội đồng ra đề thi tốt nghiệp THPT năm 2021 tại Vĩnh Phúc để cùng thực hiện đối chiếu, so sánh đề thi chính thức của Bộ GD&ĐT với đề trong video của thầy Phan Khắc Nghệ.
Tổ liên ngành đã làm việc với tổ chuyên gia, với chủ tịch hội đồng ra đề thi, các thầy cô ra đề, thư ký hội đồng để tìm hiểu quy trình biên soạn đề, các phần mềm chọn đề thi, đối chiếu các đề thi gốc mà máy tính rút ra từ ngân hàng cùng các đề thi được tổ ra đề môn Sinh học đã chọn với các câu hỏi mà thầy Phan Khắc Nghệ đã dạy luyện thi.
Biên bản làm việc của tổ chuyên gia trong đoàn công tác liên ngành của Bộ GD&ĐT, Bộ Công an nêu rõ dựa trên các tư liệu là 4 đề thô xuất từ máy tính của Hội đồng ra đề thi tốt nghiệp THPT năm 2021, 4 đề duyệt chốt bởi hội đồng ra đề thi, bản pdf đề Vip40 được thầy Phan Khắc Nghệ dạy cho học sinh, 3 video live và các tệp được thầy Phan Khắc Nghệ gửi bà Phạm Thị My - Tổ trưởng Tổ ra đề môn Sinh, ông Bùi Văn Sâm - thành viên Tổ thẩm định, các tệp bà Phạm Thị My gửi thầy Phan Khắc Nghệ qua email từ năm 2015-2018 và 2021…, tổ chuyên gia đã cho thấy có nhiều điểm bất thường.
Theo đó, khi đánh giá số câu hỏi trùng và khác nhau giữa đề thô được chọn, đề duyệt chốt với nội dung ôn tập của thầy Nghệ cho thấy các câu hỏi trong 4 mã đề thô được chọn với các câu hỏi xuất hiện trong các nội dung ôn tập của thầy Nghệ có sự trùng lặp rất lớn.
Một điểm kỳ lạ nữa cũng được chỉ ra là khi các chuyên gia đánh giá câu hỏi trong 4 mã đề duyệt chốt với các câu hỏi xuất hiện trong các nội dung ôn tập của thầy Nghệ thì thấy trong tổng số 40 câu của từng mã đề duyệt chốt có 37 câu trùng (tỉ lệ 92,5%) với các câu trong nội dung ôn tập của thầy Nghệ….
Về vấn đề này, thầy Phan Như Nghệ cho biết: “Chỉ có hồi tháng 7, sau khi có những xôn xao về việc đề thi này thì Công an Hà Tĩnh có đến làm việc, lấy thông tin toàn bộ về giáo trình, điện thoại, email, zalo…. Từ đó đến nay không ai trao đổi hay phản hồi gì với tôi cả. Ngay cả những thông tin làm việc của tổ công tác cũng là học sinh gửi link bài cho tôi chứ tôi cũng không rõ”.
Thầy Phan Khắc Nghệ, Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hà Tĩnh |
Nói về phần ôn thi trong buổi cuối và đề thi có nhiều phần giống nhau, một lần nữa thầy Nghệ khẳng định, những bài ôn đều phát triển từ kiến thức từ sách giáo khoa và đề thi cũng tương tự, nên hai nội dung ấy tất nhiên phải giống nhau.
“Sự việc cũng ảnh hưởng đến uy tín, đặc biệt là lúc nửa thực nửa hư như thế nào, không biết tố cáo là đúng hay sai nên cũng rất mong muốn cơ quan chức năng có một kết luận cụ thể”, thầy Nghệ nói.
Trước đó, hồi tháng 7, trao đổi với Infonet về sự việc này, thầy Phan Như Nghệ từng cho biết: “Khi tôi giảng bài và mở rộng kiến thức thì có một số câu nội dung bao phủ phần kiến thức đó, nó có phần gần gần giống với nội dung kiến thức mà câu hỏi đặt ra trong đề thi. Đề thi cũng phát triển từ nội dung sách giáo khoa (SGK), tôi giảng bài cũng phát triển kiến thức SGK, vậy nên hai nội dung ấy tất nhiên phải giống nhau.
Nhiều người băn khoăn các hình vẽ sao mà giống nhau thế. Tôi xin được nói hình vẽ về thực hành hô hấp của thực vật đó là hình của SGK, thầy cô nào cũng dạy và đề thi liên tục có 1 câu thực hành, mà năm 2020 đã thi về thực hành động vật thì năm 2021 đương nhiên sẽ suy ra khả năng cao là thi về thực hành thực vật. Thực hành thực vật có duy nhất 2 bài trong SGK, trong đó 1 bài đã thi, vậy năm nay đương nhiên thi bài còn lại là chắc rồi”.
Về các hình vẽ được cho là không có trong SGK nhưng lại ngẫu nhiên xuất hiện cả trong đề ôn tập của thầy Nghệ và đề thi tốt nghiệp, thầy Nghệ giải thích: Hình ảnh của các đảo ở câu hỏi tiến hóa được thầy tham khảo từ đề thi thử của tỉnh Nghệ An, còn hình vẽ mô tả diễn thế sinh thái thì không hề có trong đề ôn tập của thầy.
“Khi giảng bài và phân tích câu hỏi phần kiến thức về diễn thế sinh thái, tôi đưa ra các tình huống vận dụng mà đề thi có thể hỏi, trong đó hình vẽ đồ thị là một kiểu vận dụng. Hình mô phỏng khi tôi giảng bài gần giống y nguyên hình mà đề thi ra chính là do cùng logic tư duy phát triển một khái niệm có trong SGK”, thầy Nghệ khẳng định.
Vụ đề ôn tập giống 80% đề thi tốt nghiệp: Thầy Phan Khắc Nghệ không trong ban ra đề thi, Bộ GD&ĐT đang xác minh sự việc
Đại diện Bộ GD&ĐT cho biết đang phối hợp các cơ quan liên quan xác minh về thông tin phản ánh đề thi ôn tập môn Sinh của thầy Phan Khắc Nghệ giống 80% đề thi tốt nghiệp THPT 2021.
Hoàng Thanh