Phân biệt thành ngữ và tục ngữ thế nào?
Hỏi: Em đang gặp khó khăn trong việc phân biệt thành ngữ và tục ngữ Việt Nam. Vậy cách nhận biết thành ngữ và tục ngữ đơn giản nhất như thế nào ạ? - Nguyễn Văn Toán (học sinh THPT tại Vĩnh Phúc)
Trả lời:
Không chỉ riêng bạn mà rất nhiều người đang nhầm lẫn khi sử dụng thành ngữ và tục ngữ. Để phân biệt thành ngữ và tục ngữ, trước hết bạn cần nắm được định nghĩa cơ bản như sau:
Thành ngữ là một phần câu sẵn có, một cụm từ cố định diễn đạt một khái niệm một cách có hình ảnh.
Tục ngữ là một câu nói hoàn chỉnh, xuôi tai, diễn đạt trọn vẹn một ý, một nhận xét, một luân lý, có khi là một sự phê phán, một kinh nghiệm lịch sử - xã hội của nhân dân.
Như vậy xét về mặt ngữ pháp thì tục ngữ là một câu, còn thành ngữ chỉ là một thành phần câu.
Hai bạn trẻ Xuân Vi và Ngọc Anh diễn tả câu tục ngữ "Vỏ quýt dày có móng tay nhọn" bằng hình ảnh. (ảnh: SVVN) |
Một số ví dụ cụ thể về thành ngữ và tục ngữ:
Thành ngữ: Ăn trắng mặc trơn; Ăn trên ngồi trốc; Dốt đặc cán mai; Đơn thương độc mã; Mẹ tròn con vuông; Chân cứng đá mềm, Qua cầu rút ván; Già đòn non nhẽ...
Để sử dụng các thành ngữ, chúng ta đều phải đặt vào câu cụ thể, ví dụ: "Tôi chúc anh chân cứng đá mềm"/ "Cái đứa đó đúng là dốt đặc cán mai, làm gì cũng không ra hồn".
Tục ngữ: Có công mài sắt có ngày nên kim; Lời nói chẳng mất tiền mua/ Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau; Người chửa cửa mả; Bệnh quỷ thuốc tiên; Rau nào sâu ấy...
Thông qua cách phân biệt thành ngữ và tục ngữ trên, chúng tôi hy vọng bạn sẽ ngày càng yêu quý tiếng Việt và sử dụng ngôn ngữ đúng mục đích diễn đạt hơn.
Hải Đăng