Những bức thư đoạt giải Nhất UPU quốc tế viết hay như thế nào?

Những bức thư đoạt giải Nhất UPU quốc tế đều có điểm chung là độc đáo, tiếp cận chủ đề thông qua những hình tượng gần gũi nhất. Các bạn học sinh tham gia viết thư UPU lần thứ 51 có thể học hỏi cách hành văn từ đây nhé!

Sau hơn 1 tháng phát động cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 51 năm 2022 với chủ đề "Em hãy viết thư gửi một người có tầm ảnh hưởng để trình bày lý do và cách thức họ cần hành động trước khủng hoảng khí hậu", đã có rất nhiều bạn học sinh chú tâm tìm hiểu, tham khảo tài liệu để thực hiện bài viết của mình.

viết thư UPU lần thứ 51 bài mẫu
Chủ đề cuộc thi viết thư UPU lần thứ 51 liên quan vấn đề khủng hoảng khí hậu.

Các mẫu viết thư UPU hay nhất có lẽ không thể không kể tới những bức thư đoạt giải Nhất UPU quốc tế của các bạn nhỏ khắp thế giới. Dưới đây là một số bức thư đạt giải cao vòng quốc tế để các bạn học sinh Việt Nam tham khảo, học hỏi về cách hành văn, tiếp cận chủ đề cũng như thổi vào đó những cảm xúc đặc biệt của thể loại văn viết thư nhé!

1. Bức thư đoạt giải Nhất quốc tế cuộc thi viết thư UPU 39

Cuộc thi viết thư UPU lần thứ 39 có chủ đề: “Hãy viết thư cho một người nào đó để nói vì sao việc hiểu biết về AIDS và tự bảo vệ mình trước căn bệnh này là rất quan trọng”.

Trước chủ đề này, em Hồ Thị Hiếu Hiền, lớp 7/9 Trường THCS Tây Sơn, quận Hải Châu - TP Đà Nẵng đã xuất sắc viết bức thư gửi đạo diễn nổi tiếng Trương Nghệ Mưu và giành giải Nhất quốc tế về cho Việt Nam.

Toàn văn bức thư như sau:

"Đà Nẵng, ngày 20 tháng 11 năm 2009,

Đạo diễn Trương Nghệ Mưu kính mến!

Khi gửi lá thư này đi, cháu cứ mong từng ngày nó sớm đến được tay ông. Rồi cháu lại lo rằng khi nhìn thấy địa chỉ lạ hoắc: “Người gửi: Hồ Thị Hiếu Hiền - Việt Nam” không biết ông có giở thư ra đọc hay không? Ông ơi! Cháu mong ông bớt chút thì giờ vàng ngọc để lắng nghe tâm sự của cháu, biết đâu ông sẽ thấy trong đó một điều gì lớn lao hơn tình cảm thông thường của người hâm mộ dành cho thần tượng.

Thưa ông, cháu mới có ý định viết thư cho ông sau khi trường cháu phát động Cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU lần thứ 39 về đề tài phòng chống căn bệnh AIDS. Để cho bài viết của mình có cơ sở thực tế, cháu đã đi tìm hiểu một số đối tượng xem mọi người hiểu biết và phòng chống AIDS như thế nào.

Đầu tiên, cháu hỏi bà, bà cháu bảo: “Bà sống từng này tuổi đầu rồi mà chưa biết mặt mũi con “Ết” nó thế nào. Bà nghe nói nó ở trong người những kẻ sống buông thả chẳng ra gì. Cháu đừng đến gần họ kẻo con “Ết” nó dính vào người.” - Ôi, bà cháu chẳng hiểu gì về AIDS cả, ông nhỉ?

Khi nghe cháu hỏi, cả bố mẹ cháu đều cho rằng: “AIDS là căn bệnh suy giảm hệ miễn dịch ở cơ thể người do vi rút HIV gây ra. Bệnh này rất nguy hiểm vì hiện chưa có thuốc chữa khỏi. Con phải tuyệt đối tránh xa các tệ nạn như nghiện hút, tình dục bừa bãi thì mới bảo vệ được mình.” Mẹ cháu còn dặn đi dặn lại: “Nếu ở lớp có bạn nào bị nhiễm HIV thì con phải nói ngay để bố mẹ xin chuyển trường, chuyển lớp cho con.” - Bố mẹ cháu là công chức mà cũng còn kì thị với người có H đấy.

Cháu lại hỏi cả em cháu, em quả quyết: “Lớp em thì chưa có bạn nào bị AIDS chứ nếu có, em sẽ đeo khẩu trang hoặc nghỉ học ở nhà luôn.” - Thật buồn cười, em lại tưởng AIDS cũng giống H1N1.

Đi đường, cháu có hỏi cô công nhân đang quét rác, cô liền chỉ tay vào mấy cái vỏ ống tiêm nằm lăn lóc bên vệ đường: “Kia kìa, vi-rút HIV chứa trong những ống tiêm đó cháu!” - Hiểu biết của cô công nhân cũng chưa thật đầy đủ phải không ông?

Đến lúc vào nhà hàng ăn uống, cháu lại gợi chuyện ông chủ. Ông ta nhanh nhảu: “Si-đa à? Cứ nhìn người nào ốm yếu, đi đứng dặt dẹo, trên người nổi nhiều mụn nhọt là đích thị rồi! Cháu đừng lo, ông không bao giờ để cho họ vào ăn uống làm lây bệnh cho khách.” - Trời, thật tội nghiệp cho những ai không có H nhưng lại có vẻ bề ngoài giống như ông ấy tả. Ông ấy đâu biết rằng HIV không hề lây qua đường ăn uống hay giao tiếp thông thường và hiện nay chúng ta đang sống chung với AIDS.

Khi đến lớp, cháu cũng trao đổi với các bạn nhưng nhiều bạn lại tỏ ra rất thờ ơ, cho rằng việc phòng chống HIV/AIDS là việc của các cơ quan y tế, lớp mình có ai bị AIDS đâu mà lo! - Thái độ của các bạn cháu cứ bàng quan như thế chả trách mỗi ngày có tới một ngàn trẻ em dưới mười lăm tuổi bị nhiễm HIV.

Cháu còn điều tra thêm một số trường hợp nữa nhưng hầu hết ai cũng rất lơ là. Cháu thực sự lo ngại trước thực trạng này và muốn viết một bức thư kêu gọi mọi người hãy nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi để phòng chống được căn bệnh này. Thế nhưng đã mấy hôm nay, cháu ngồi nghĩ mãi mà không biết viết thế nào, đành gác bút ra xem ti vi. Lúc này trên kênh truyền hình đang chiếu bộ phim “Hoàng Kim Giáp” do ông đạo diễn. Bộ phim hay quá! Thảo nào, cháu thấy người ta ca ngợi ông rất nhiều trên mạng. Bằng một loạt phim nổi tiếng thế giới như: Cao lương đỏ, Phải sống, Cúc Đậu, Đèn lồng đỏ treo cao, Thập diện mai phục, Hoàng Kim Giáp…, ông đã chinh phục được trái tim của tất cả mọi người.

Đột nhiên, một ý nghĩ vụt lóe lên trong cháu: ước gì cháu cũng có tài làm phim như ông nhỉ? Cháu sẽ xây dựng ngay những tác phẩm điện ảnh thật hay về đề tài HIV/AIDS để thức tỉnh loài người. Ông ạ, bộ phim đầu tay của cháu sẽ là câu chuyện đầy cảm động về một mối tình lãng mạn và bi ai: chàng và nàng yêu nhau tha thiết song cuối cùng vẫn không lấy được nhau chỉ vì một trong hai người có H. Tiếp đến là bộ phim có tên “Phải chết” cũng sẽ nổi tiếng không kém gì bộ phim “Phải sống” của ông. Qua phim, cháu muốn gửi gắm một thông điệp: con người ta không muốn chết sớm mà phải chết, vì không ngờ Thần Chết lại luôn phục sẵn trong các hành vi nguy cơ cao như tình dục không an toàn và sử dụng bơm kim tiêm chung... Hầu hết phim do cháu sản xuất đều lấy cảm hứng từ những cảnh đời rất thực và nhân vật chính là những nạn nhân đáng thương của AIDS. Đó là một vị công chức suốt đời phấn đấu, giữ gìn thế mà chỉ một phút ham vui đã đánh mất đi tất cả. Một nhân viên y tế bao ngày làm việc nghiêm túc, chỉ một chút lơ là đã vô tình lây nhiễm HIV. Một người lao động vất vả cả đời mới gây dựng nên một mái ấm gia đình nhưng đến cuối đời phải chết trong cô đơn, ghẻ lạnh. Những thanh thiếu niên đang tràn trề nhựa sống, một ngày kia lại trở nên thân tàn ma dại vì lỡ đua đòi hút chích, dùng chung bơm kim tiêm với người có H. Có em bé thơ ngây đôi mắt trong veo nhưng cha mẹ em đã sớm qua đời vì AIDS, còn em thì không biết lúc nào Thần Chết tới mang đi. Lại có cả những cô gái khi biết mình có H đã tính chuyện trả thù đời, gieo rắc cái chết cho bao người khác.

Chao ơi, bao nhiêu con người là bấy nhiêu số phận. Tất cả những yêu thương, đau xót, bạc bẽo, dại khờ cùng những hiểu biết cặn kẽ về cách thức phòng tránh AIDS sẽ được cháu chuyển tải vào phim một cách nhẹ nhàng mà sâu sắc. Cháu hi vọng, với sức ám ảnh đặc biệt, những bộ phim này sẽ vào trong đốt lửa lòng người, xoa dịu nỗi đau, xóa đi mặc cảm và thức tỉnh lương tri của những người còn thờ ơ trước căn bệnh này.

Nhưng ông ạ, cháu thì “lực bất tòng tâm”, cháu nghĩ chỉ có ông mới có thể giúp cháu biến những ước mơ này thành hiện thực để cứu lấy nhân loại. Vì vậy, cháu rất mong được ông lắng nghe và thấu hiểu!

Kính thư!

Hồ Thị Hiếu Hiền
(Lớp 6/9, trường THCS Tây Sơn, Quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng)".

Các bài mẫu viết thư UPU lần thứ 51 về chủ đề khủng hoảng khí hậu

Các bài mẫu viết thư UPU lần thứ 51 về chủ đề khủng hoảng khí hậu

Dưới đây là một số bài mẫu gợi mở ý tưởng trước chủ đề viết thư UPU lần thứ 51 năm 2022 về khủng hoảng khí hậu để các em học sinh tham khảo trước khi quyết định thực hiện bài viết của mình.

2. Bức thư đoạt giải Nhì quốc tế cuộc thi viết thư UPU 38

Cuộc thi viết thư UPU lần thứ 38 có chủ đề: “Hãy viết thư cho một người nào đó để nói vì sao điều kiện lao động thuận lợi có thể mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn”.

Dưới đây là toàn văn bức thư giành giải Nhất quốc gia và giải Nhì quốc tế của em Nguyễn Đắc Xuân Thảo, lớp 7/10, trường THCS Nguyễn Huệ, quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng:

"Đà Nẵng ngày 20 tháng 12 năm 2008

Bác Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết kính mến!

Hẳn giờ này bác rất bận rộn trong văn phòng làm việc, với hàng tá giấy tờ quan trọng đang chờ bác xem xét, thông qua, phê chuẩn? Có lẽ bác sẽ ngạc nhiên khi thấy bên cạnh đống giấy tờ ấy là một bức thư nhỏ - bức thư của một cô bé chưa từng được gặp bác ngoài đời. Dẫu ngạc nhiên nhưng xin bác hãy bỏ một ít thời gian để đọc nó. Còn vì sao mà cháu lại viết thư cho bác ư? Chắc hẳn bác còn nhớ cách đây hai tuần, nhân chuyến thăm một nhà máy ở tỉnh X, bác đã ân cần dặn dò các vị lãnh đạo ở nhà máy phải chú ý đảm bảo an toàn lao động và chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động. Khi xem đài truyền hình Việt Nam phát hình trực tiếp buổi nói chuyện ấy, cháu quyết định viết thư cho bác để kể về chuyện của gia đình cháu và những thắc mắc, băn khoăn của một cô bé “ăn chưa no, lo chưa tới” như cháu về những vấn đề mà bác từng đề cập.

Bác Nguyễn Minh Triết kính mến!

Cách đây chưa đầy nửa năm, gia đình cháu có một cuộc sống bình thường như bao gia đình khác. Bố cháu là một công nhân của một cơ sở sản xuất các sản phẩm từ tôn. Mẹ cháu là chủ tiệm làm đầu nho nhỏ tại nhà. “ Nhìn lên thì không bằng ai, nhưng nhìn xuống thì thấy mình còn sung sướng, hạnh phúc hơn rất nhiều người” – bố cháu vẫn thường dạy thế để chúng cháu bằng lòng với cuộc sống thanh bạch, không đua đòi, vòi  vĩnh… Dù nhà không khá giả nhưng hai anh em cháu vẫn được tạo điều kiện tốt nhất để học tập. “Phải học để có cái vốn cho tương lai” – cháu nhớ mãi những lời  nói mộc mạc và giản dị như thế của bố cháu. Có lẽ cuộc sống của gia đình cháu cứ thế yên ả trôi  đi nếu như không có một ngày kia bất ngờ mẹ cháu nhận được điện thoại từ xưởng của bố cháu thông báo bố bị tai nạn lao động. Từ bữa đó trở đi, sinh hoạt của gia đình cháu bị xáo trộn. Cửa hiệu của mẹ cháu phải tạm đóng cửa và hai anh em cháu phải tự lo cho nhau để mẹ có thời gian ra vào viện chăm sóc bố. Những lần vào thăm bố, nhìn đôi chân bó bột của bố, cháu cứ nghĩ rồi nó sẽ lại lành lăn và bố cháu lại có thể bước những bước nhanh nhẹn, vững chãi… Thật đau xót làm sao, bởi lẽ vết nứt gãy ở chân thì đã liền nhưng chính sự tổn thương cột sống đã làm bố cháu không thể đi lại được nữa. Phần đời còn lại của bố cháu sẽ mãi mãi gắn với chiêc xe lăn. Điều này làm cháu thật bất ngờ lúc vào viện thăm bố, chúng cháu cũng đều được bố trấn an là “bố không sao đâu”. Và khi vào hỏi mẹ về bệnh tình của bố thì chúng cháu chỉ nhận được những câu trả lời qua loa, ậm ừ cho xong chuyện. Chúng cháu cứ ngỡ là do mẹ mệt mỏi hóa ra la mẹ đã giấu anh em chúng cháu và vì chính bản thân mẹ cũng không muốn chấp nhận sự thực này.

Bác biết không, gánh nặng gia đình lúc này đè nặng lên đôi vai gầy của mẹ cháu. Cháu thương bố và thương mẹ quá nên cứ thầm trách ông trời sao lại để tai nạn xảy ra với bố cháu như thế! Trong chí óc non nớt của cháu, nguyên nhân dẫn đến những tai nạn đáng tiếc cho bố cháu chính là sự đưa đảy của số phận. Chẳng đổ lỗi cho điều kiện lao động không an toàn ở xưởng sản xuất vì chúa tin rằng ở đấy cũng như bất kì nơi đâu thì an toàn lao động cũng là trên hết. Cháu đã nghĩ một cách ngây thơ rằng nếu không đảm bảo được những yêu cầu tối thiểu của an toàn lao động thì xưởng đã chẳng được cấp thẩm quyền cấp phép hoạt động. Chắc hẳn cháu sẽ mãi suy nghĩ như thế bác ạ, nếu như không có cái lần ấy…

Hôm ấy, do buồn nhớ công việc và đồng nghiệp, do bứt dứt vì phải ngồi mãi một chỗ nên bố đã bảo cháu đẩy xe đưa bố đến thăm xưởng. Vì chưa một lần đến nơi bố đã từng làm việc nên nghĩ đến việc được nhìn thấy nó, nghĩ đến niềm vui của bố khi được gặp lại bạn bè mà cháu cứ háo hức quên bẵng cả mêt nhọc. Thế mà bác có biêt không, khi đặt chân vào bên trong xưởng làm việc của bố ngày trước, cháu đã choáng váng như không tin vào mắt mình nữa. Cái quang cảnh xưởng làm cháu bất ngờ, hụt hẫng. Một cơ sở sản xuât với nhà xưởng được xây dựng khá tạm bợ, sức khỏe và tính mạng công nhân có thể bị đe dọa bất cứ lúc nào. Những chiếc giá để thành phẩm được gá trên bức tường không hề chắc chắn chút nào. Điều kiện ánh sáng không đầy đủ, vệ sinh không thực sự đạt yêu cầu. Nhiều công nhân không được trang bị đầy đủ trang thiết bị bảo hộ lao động. Khói, bụi, tiếng ồn ào và còn bao nhiêu thứ khác nữa. Thế mà mọi người vẫn phải làm việc. Vì được trả công cao? Vì miếng cơm manh áo? Và, cháu tự hỏi tại sao bố cháu lại từng làm việc trong môi trường như vậy và một xưởng sản xuất như thế này sao lại được cấp phép hoạt động trong khi điều kiện lao động vô cùng bất lợi cho người lao động? Và, cháu cũng tự hỏi rằng với điều kiện lao động như thế, nếu bố cháu và những người đồng nghiệp của bố cháu cứ tiếp tục làm việc ở đây thì họ có thể có được cuộc sống tốt đẹp hơn không? Cháu còn băn khoăn với câu hỏi liệu những tai nạn đã từng xảy ra với bố cháu và một số chú bác khác (mà cháu vô tình được biết thêm qua câu chuyện giữa bố cháu và bạn bè làm trong xưởng ) đã có thể dừng lại chưa? Còn tai nạn nào sẽ xảy ra nữa? Còn gia đình nào sẽ mất đi chỗ dựa? Còn có những đứa bé biết yêu thương bố mẹ vất vả cực nhọc, đánh đổi nhiều thứ cho cuộc mưu sinh nhưng chẳng thể làm được gì như anh em cháu nữa hay không?...

Bác Nguyễn Minh Triết kính mến!

Cháu nghĩ rằng, đọc đến đây hẳn bác đã đoán ra được điều cháu muốn chia sẻ với bác qua bức thư này? Cháu còn quá nhỏ để có thể hiểu hết được mọi thứ, nhưng cháu đã không còn quá ngây thơ khi nhìn nhận một số điều đang diễn ra xung quanh cháu. Cháu vẫn nhớ mãi vẻ mặt đầy sự quan tâm, lo lắng khi bác đi xem công nhân của một nhà máy ở tỉnh X làm việc. Cháu vẫn nhớ sự ân cần trong lời căn dặn các vị lãnh đạo của nhà máy hãy chăm lo cho người lao động. Cháu biết bác hiểu rất rõ mối quan hệ giữa cuộc sống tốt đẹp của người lao động và điều kiện lao động. Cháu rất mong muốn và tin rằng bác cùng các bác lãnh đạo khác sẽ có những chủ trương, những hướng giải quyết thích hợp để giảm thiểu đến mức thấp nhất tai nạn lao động và giúp biến ước mơ về một cuộc sống tốt đẹp của người lao động thành hiện thực. Cháu rất muốn một lần nào  đó bác đến thăm khu công nghiệp nơi có phân xưởng sản xuất – nơi bố cháu đã để lại một phần của cuộc đời trẻ khỏe trước khi gắn liền với chiếc xe lăn… để có thể tận mắt nhìn thấy những người lao động nghèo của quê cháu đã sống như thế nào…

Bác hãy đến khi có dịp bác nhé. Cháu rất mong điều ấy!

Cháu xin dừng thư ở đây!

Cháu kính chúc bác sức khỏe!

Cháu
Nguyễn Đắc Xuân Thảo".

viết thư UPU lần thứ 51 bài mẫu
Những bức thư đoạt giải Nhất quốc tế cuộc thi viết thư UPU đều rất giàu cảm xúc, hành văn mạch lạc, dẫn chứng sắc sảo. (ảnh minh họa)

3. Bức thư đoạt giải Nhất quốc tế cuộc thi viết thư UPU 7

Cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 7 năm 1978 có chủ đề: “Bác bưu tá, người bạn tốt của tôi - The postman, my best friend”.

Chủ nhân của bức thư giành giải Nhất quốc tế là Mi-kyong Ryu, bé gái 11 tuổi đến từ Hàn Quốc. Năm 2021, bức thư này được bình chọn là bức thư hay nhất trong lịch sử 50 năm cuộc thi viết thư UPU.

Toàn văn bức thư xúc động này như sau:

“Bác P yêu quý

Kể từ khi cháu lên lớp 5, cháu càng bận rộn hơn với việc học tập ở trường và hay về nhà trễ. Tất nhiên mọi thứ đều khiến cháu vui thích, ngoại trừ việc cháu không thể gặp bác như trước đây. Cháu đã quen bác từ lâu rồi và bác đã trở thành một người bạn tốt của cháu. Nhưng vì một lý do đặc biệt mà cháu đã không thể chia sẻ với bác về bản thân mình vì vậy mong bác vui lòng cho cháu cơ hội này để thực hiện điều đó.

Cháu đã từng có một người cha. Và ông đã qua đời khi cháu còn đang học lớp một ở trường tiểu học. Nhưng thật kỳ lạ, lúc đó cháu lại không hề cảm thấy buồn. Bởi chỉ đơn giản là cháu chưa thể hiểu để tin rằng cha cháu đã ra đi mãi mãi. Cháu vẫn nghĩ rằng ông sẽ về nhà một vài ngày. Nhưng cha cháu đã không bao giờ trở về nữa. Từng ngày dần trôi qua, cháu hằng mong nhớ cha tột cùng. Khi bạn bè của cháu luôn vui vẻ kể chuyện về cha của họ, cháu rất đau buồn và ghen tị với họ. Cháu thậm chí còn cảm thấy ghét cha vô cùng vì đã bỏ cháu mà ra đi mãi.

Một ngày kia, chúng cháu được học về cách viết thư ở trường. Cô giáo đã dạy chúng cháu rằng những lá thư là một điều tuyệt vời mà có thể mang thông điệp của chúng cháu đến những người đang ở nơi xa. Ngay lập tức cháu nghĩ rằng cháu có thể viết thư cho cha ở nơi thiên đường và biết đâu sẽ nhận được hồi âm từ ông. Ngày hôm đó, cô giáo đã giao cho chúng cháu ngồi làm bài tập về nhà. Đó chính là viết một bức thư gửi một người nào đó mà chúng cháu đã lâu không gặp trong một thời gian dài và luôn mong ước được gặp lại.

Và rồi cháu viết một bức thư gửi cha. Vì không biết rõ địa chỉ của ông nên cháu đã viết “gửi tới Thiên đường” lên phong bì. Khi các bạn khác trong lớp nhìn thấy địa chỉ trên lá thư của cháu, chúng đã đùa nghịch và trêu trọc cháu rằng “làm sao mà một người đã chết có thể nhận được thư chứ? Và ai sẽ là người đưa nó lên thiên đường?”. Cháu cảm thấy rất xấu hổ về bản thân nên cháu đã không đưa nó cho cô giáo. Cháu đã nói dối cô rằng cháu đã không hoàn thành bài tập về nhà. Nhưng bây giờ khi đã biết cách viết thư, cháu bắt đầu viết cho cha gần như mỗi ngày sau đó.

Một buổi chiều nọ, khi đang vui chơi trên sân trường, cháu bỗng nhìn thấy một bác bưu tá đi ngang qua trường với chiếc túi thư lớn. Cháu đã vui mừng và háo hức vô cùng khi thấy ông và gọi to “bác ơi” nhưng sau đó cháu im bặt. Bác bưu tá đã dừng lại và giống như người bác họ thân quen, đã hỏi chuyện cháu.

“Thưa bác, liệu một lá thư có thể gửi được tới thiên đàng không ạ?”

“Thế ai đang ở trên thiên đường vậy cháu?”

“Dạ cha cháu ạ”

“Ngày mai cháu mang lá thư của cháu đến nhé. Bác sẽ viết địa chỉ thiên đường lên phong bì và gửi nó cho cha cháu.”

Cháu không thể diễn tả được niềm hạnh phúc của mình lúc đó. Mỗi ngày sau đó, cháu đều mang theo một lá thư và đưa cho bác bưu tá. Và rồi hơn một tuần sau cháu nhận được lá thư đầu tiên của cha. Cháu đã không thể kiềm chế được niềm hạnh phúc khôn xiết của mình. Nhưng cháu đã không dám cho mẹ biết điều này bởi mẹ luôn bật khóc mỗi khi nhắc tới cha.

Cha không bao giờ quên trả lời từng lá thư của cháu. Ông mong cháu trở thành một đứa trẻ ngoan. Cháu đã cố gắng học tập thật chăm chỉ để không làm cha cháu thất vọng.

Khoảng một vài tháng trôi qua cho tới khi bác bưu tá đột nhiên không tới trường của chúng cháu nữa. Một bác mới đã tiếp nhận vị trí đó. Và cả những lá thư của cha cháu cũng bỗng ngưng lại. Cháu phàn nàn với cô giáo rằng không hiểu sao bác bưu tá mới không mang thư của cháu tới.

“Em đang chờ đợi thư từ ai đó chăng?”

“Dạ vâng, là thư của cha em ạ.”

“Nhưng cha của em đã mất rồi cơ mà?”

“Dạ vâng thưa cô.”

“Và em vẫn nhận được thư từ cha phải không?”

“Dạ vâng ạ”

Cô giáo nhìn cháu hồi lâu. Rồi nhẹ nhàng nắm tay cháu và nói rằng, việc gửi thư lên thiên đường là một điều không thể xảy ra. Và cháu phải đủ lớn để hiểu được điều đó. Bác bưu tá trước đây hẳn phải rất tử tế và tốt bụng, vì bác ấy đã trả lời tất cả các lá thư của cháu để không làm cháu thất vọng, để làm cháu hạnh phúc, giống như những đứa trẻ khác ở trong trường. Ông đã hành động thay cha cháu.

Sau khi nghe những lời an ủi của cô giáo, cháu dần hiểu tất cả những gì đã diễn ra. Và cháu òa khóc trước mặt cô. Giờ đây cháu muốn gọi bác bưu tá tốt bụng đó là cha. Bởi cháu yêu bác vô cùng, hệt như yêu người cha của cháu ở thiên đường.

Bác P yêu quý của cháu, nếu bác là cháu, liệu bác có thể nào quên được bác bưu tá đó không? Trái tim cháu sẽ luôn luôn chan chứa yêu thương dành cho bác, người đang rong ruổi nơi những con phố đâu đó ngay trong lúc này.

Người bạn chân thành của bác!

Mi-kyong Ryu”.

4. Nội dung bức thư giành giải Nhất quốc tế cuộc thi viết thư UPU 49

Cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 49 năm 2020 có chủ đề: "Em hãy viết thông điệp gửi một người lớn về thế giới chúng ta đang sống”.

Vượt qua hơn 1,2 triệu bài dự thi, em Volga Valchkevich, 11 tuổi đến từ Belarus đã giành giải Nhất quốc tế cho bức thư kể về những bài học mà cô học được từ người ông quá cố của mình.

Trong bức thư của mình, Volga đã chia sẻ cảm xúc của mình những khi cô bé buồn, suy tư về cuộc sống và thế giới phức tạp xung quanh mình kể từ khi ông cô qua đời cách đây 6 tháng. Và thường khi đó cô luôn nhớ lại những lời căn dặn của ông.

Volga chia sẻ lời khuyên của ông nội mình trong bức thư: “Cháu gái, cháu có nhớ rằng mỗi tấm huy chương thường có hai mặt không? Cháu có nhớ rằng mặt của huy chương mà cháu đang lau sáng hơn không?".

Cô bé cũng gửi lời tâm sự của mình tới ông nội: “Ông thân yêu của cháu, ông đã dạy cháu tin vào những điều kỳ diệu, và ngay cả bây giờ, sau khi ông đã đi xa, cháu vẫn đang học từ ông tình yêu thương đối với thế giới này!"

Thông qua bức thư của mình Volga đã chuyển tải được một thông điệp rất mạnh mẽ rằng chúng ta hãy cứ nhìn thế giới với lăng kính tích cực và khi làm như vậy, có lẽ chúng ta sẽ có những thay đổi tích cực.

5. Nội dung bức thư đoạt giải Nhất quốc tế cuộc thi viết thư UPU 50

Cuộc thi Viết thư quốc tế UPU lần thứ 50 năm 2021 có chủ đề: “Hãy viết thư cho một người thân trong gia đình để chia sẻ trải nghiệm của mình về đại dịch Covid-19".

Bức thư xúc động viết cho em gái mới sinh của bạn Nubaysha Islam, 14 tuổi đến từ thành phố Sylhet, Bangladesh đã xuất sắc giành giải Nhất quốc tế.

Bức thư của Nubaysha Islam ghi lại cuộc đấu tranh trước đại dịch Covid-19 toàn cầu và nhắc nhở em gái mình đừng bao giờ mất hy vọng.

Bức thư được viết trước ngày sinh của Amal và kể về nỗi sợ hãi của Nubaysha trong suốt thời gian đại dịch: “Chị không ghen tị với tất cả sự quan tâm mà em nhận được khi bố và mẹ nói với chị rằng chị sắp có một cô em gái. Thậm chí kể cả khi bố mẹ mua cũi cho em, còn chị đã phải ngủ trên nệm sàn suốt 2 năm đầu đời. Nhưng chị đã ghen tị với em khi chị nhận ra em được bảo vệ trong bụng mẹ khỏi thế giới bên ngoài đầy chết chóc còn chị thì không”.

Bức thư còn ghi lại lệnh phong tỏa do Covid-19 diễn ra từ 02 tuần nghỉ giữa mùa xuân đối với Nubaysha như một sự giam cầm tại nhà riêng của mình. Cô bé nhấn mạnh cuộc sống của cô bé đã bị đảo ngược 180 độ trong những tuần đó.

Viết thư cho em gái của mình, cô bé nói: “Em phải biết chị đang nói về điều gì. Chắc em phải có những cuốn sách xếp hàng dài nói về cuộc đấu tranh của hàng triệu người khác như chị. Nhưng đây là câu chuyện của chị; chị và em, sẽ không bao giờ được biết đến bởi bất kỳ ai khác”.

Nubaysha đặt câu hỏi liệu rằng virus Covid-19 có phải do Mẹ Thiên Nhiên phát tán như một sự trừng phạt đối với loài người đang tàn phá thế giới. “Có lẽ Mẹ Thiên Nhiên đang chỉ ra cho chúng ta những cảm nhận, khiến chúng ta nhận ra những hành động sai trái vô tâm của mình”, cô bé viết trong thư. Nhưng Nubaysha cũng nhấn mạnh rằng mặc dù virus đã gây chết người, nhưng chúng ta cũng đừng đánh mất hy vọng.

Bức thư cũng phác họa nỗi đau khổ mà Nubaysha và gia đình em đãi trải qua trong trận đại dịch, mẹ cô bị trầm cảm khi mất đi người dì mắc Covid-19. Nubaysha viết về cuộc đấu tranh của cô ấy với căn bệnh trầm cảm của người mẹ. “Em không biết phải làm gì khi mẹ bị trầm cảm. Em chỉ biết đứng bất động khi mẹ cứ trằn trọc với giấc ngủ và sự thèm ăn”.

Nubaysha cũng viết về cái chết của người dì của cô bé và mô tả cảnh tượng đó thật sự “không thể tưởng tượng được”. “Dì chỉ sốt nhẹ vào buổi sáng, chuyển sang hấp hối vào buổi tối, và đã ra đi mãi mãi vào đêm hôm đó- đó là những gì Covid-19 làm với chúng ta”, cô bé viết. 

Nubaysha kể cho em gái mình nghe tất cả về dì Phuppi, dì là một người tuyệt vời như thế nào và dì đã vui thế nào khi được gặp Amal.

“Một lần giáo viên dạy tiếng Anh lớp ba của chị đã hỏi chị sợ nhất điều gì. Chị nhớ chị đã trả lời là sấm sét và nhện. Nhưng bây giờ chị muốn nói, đó là cái chết cũng như nỗi sợ mất đi một ai đó”, cô bé viết.

Cuối cùng, bức thư đã động viên Amal chiến đấu vượt qua khoảng thời gian không may này bằng niềm tin và sự kiên nhẫn. “Chị có thể đã mất dì Phuppi nhưng chị vẫn hy vọng sẽ được gặp em sớm. Tên của em có nghĩa là 'hy vọng' Amal. Và đó là điều đặc biệt nhất đối với em. Em đã tiếp thêm hy vọng cho chị hướng tới ngày mai tốt đẹp hơn”, cô bé viết.

Các bạn học sinh có thể tham khảo thêm những bức thư đạt giải Nhất quốc tế cuộc thi viết thư UPU trên trang upu.int dưới dạng tiếng Anh. Chúc các bạn học sinh hoàn thành bài viết thư UPU lần thứ 51 năm 2022 một cách tốt nhất!

Bài mẫu để viết thư UPU lần thứ 51: 5 bức thư đoạt giải Nhất quốc gia Việt Nam gần nhất

Bài mẫu để viết thư UPU lần thứ 51: 5 bức thư đoạt giải Nhất quốc gia Việt Nam gần nhất

Tham gia Cuộc thi viết thư UPU lần thứ 51 năm 2022, các em học sinh Việt Nam có thể tham khảo những bức thư đoạt giải Nhất quốc tế để học hỏi thêm cách triển khai chủ đề, lối hành văn mạch lạc và giàu cảm xúc nhé

Ngọc Khánh (t/h)

Từ nghe tiếng Anh bập bõm, nam sinh bứt phá lọt top 1 thế giới kỳ thi của Cambridge

Những ngày đầu học tại ngôi trường mới, Đăng gặp khó khăn vì vốn tiếng Anh ít ỏi, không thể theo kịp các bài học trên lớp. Tự động viên và đặt ra mục tiêu để cố gắng, Đăng dần cải thiện thành tích, bứt phá và lọt top 1 thế giới kỳ thi của Cambridge.

‘Kẻ trộm lương thiện’ trong trí nhớ của người thầy 75 tuổi

Với thầy Khang, dạy học, dạy kiến thức là điều bắt buộc, nhưng điều quan trọng hơn chính là dạy cách làm người, dạy cách sống, cách đối nhân xử thế.

Cô giáo 'làm mới' những đứa trẻ ngỗ ngược, lầm lỡ

Bằng tâm huyết và trách nhiệm, Đại úy Lê Thị Hồng Lụa, giáo viên Trường Giáo dưỡng số 2 (Bộ Công an) đã giúp nhiều trẻ vị thành niên ngỗ ngược, lầm lỡ thay đổi nhận thức, sống hướng thiện.

Trao tặng 230 xe lăn, hơn 600 suất học bổng cho học sinh nghèo vượt khó

Trong khuôn khổ CSR Day lần thứ 2, Ban tổ chức đã trao tặng 230 xe lăn cho người khuyết tật và 630 suất học bổng cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập.

Nữ giáo sư trẻ nhất ngành y quê Thái Bình, học đại học nổi tiếng trong nước

Chị Trịnh Thị Diệu Thường là tân giáo sư trẻ nhất ngành y năm 2024, hiện làm việc tại Bộ Y tế. Chị quê ở Thái Bình, được đào tạo hoàn toàn trong nước.

Con đứng nhất lớp, học thêm tốn gấp 10 lần học chính, mẹ vẫn lo bị tụt phía sau

Khi thấy những đứa trẻ học thêm tối ngày, nhiều người chỉ trích bố mẹ đặt quá nhiều áp lực mà không biết chúng tôi đang vừa phải gồng gánh kiếm tiền nuôi dạy, vừa 'cân' sức khỏe tinh thần, thể chất và lối vào tương lai của con.

'Hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm khi giáo viên bị phát hiện dạy thêm'

Nhiều ý kiến cho rằng nên có quy định hiệu trưởng sẽ phải chịu trách nhiệm khi giáo viên bị phát hiện dạy thêm. Việc này cũng cần được áp dụng cho tất cả các trường học trên toàn quốc.

Cô giáo xin mua laptop không được giảng dạy đến hết năm học

Cô giáo xin mua laptop ở Trường Tiểu học Chương Dương, quận 1, TPHCM không được đứng lớp giảng dạy từ nay đến hết năm học 2024-2025.

'Nhìn thầy cô từ chối miễn học phí cho con, nhân viên trường học càng tủi’

"Trong trường học đâu chỉ có nhà giáo, chúng tôi - nhân viên văn thư, kế toán... cũng cống hiến, có khi một lúc phải kiêm vài nhiệm vụ, lương bèo bọt, không phụ cấp, nhưng lại bị 'quên' trong đề xuất miễn học phí của Bộ GD-ĐT", một độc giả bày tỏ.

Học sinh nhiều năng lực, có khát vọng nhưng thiếu định hướng

Theo PGĐ Sở GD&ĐT tỉnh Hải Dương Đỗ Duy Hưng, nhiều học sinh có năng lực và khát vọng nhưng thiếu định hướng dẫn đến lựa chọn sai nghề nghiệp, gây lãng phí.

Đang cập nhật dữ liệu !