5 kinh nghiệm học tiếng Anh “siêu kinh điển” của Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn
Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn - Viện Garvan (Australia) |
Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn - Viện Garvan (Australia), khi rời Việt Nam, công việc đầu tiên là phụ bếp, rửa chén tại bệnh viện St Vincent's ở Sydney và những tháng ngày học tập không biết mệt mỏi ông đã trở thành nhà khoa học hàng đầu về y khoa và nghiên cứu khoa học.
Dưới đây là bài viết chia sẻ của Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn về kinh nghiệm học tiếng anh của mình:
Tiếng Anh ngày nay đã trở thành một ngôn ngữ loại ngôn ngữ phổ quát. Đi đâu cũng thấy người ta dùng tiếng Anh để giao tiếp với nhau. Không chỉ trong khoa học, ngoại giao, mà còn trong văn chương nữa, tiếng Anh gần như là một ngôn ngữ thống trị, là phương tiện để chúng ta gần lại với nhau. Nó còn là một phương tiện mở mang kiến thức và tiếp thu thông tin.
Nhưng tiếng Anh lại là một rào cản đối với nhiều người Việt. Theo một bảng xếp hạng về EF English Proficiency của nhóm Education First (Thụy Sĩ), Việt Nam đứng hạng 41 trên thế giới. Với thứ hạng này xếp Việt Nam vào nhóm trung bình trên thế giới.
Thật ra, từ ngày qua Úc đến nay, tôi chẳng bao giờ có dịp học tiếng Anh một cách bài bản trong trường lớp. Những ngày đầu mới đến hostel dành cho người di cư, tôi cũng được cho đi học một lớp tiếng Anh, nhưng là loại dành cho người đi xin việc. Lúc nào cũng “How are you today”, “I am fine, thank you”, “Where were you from?”, “How long have you been here?”, v.v. Chỉ đâu một tuần là tôi bỏ học, chịu không nổi với cách dạy như thế. Tôi bắt đầu tự học. Nói đúng ra, tôi bắt đầu tự học từ lúc còn trong trại tạm cư bên Thái Lan. Kinh nghiệm của tôi gói gọn trong 5 điểm: từ điển & trầm mình trong tiếng Anh, học từng chữ một, mạnh dạn nói, học từ báo chí & truyền thông, và đọc sách văn học.
1. Có một cuốn từ điển Anh – Anh, và một cuốn sách hướng dẫn sử dụng tiếng Anh
Kinh nghiệm học tiếng Anh của tôi là phải trầm mình trong thế giới tiếng Anh. Trong một thời gian dài, tôi không hề tiếp xúc với tiếng Việt, không đọc báo tiếng Việt, không đọc sách tiếng Việt (thời đó cũng chẳng có mà đọc), không nghe đài tiếng Việt (cho đến bây giờ tôi vẫn không nghe đài phát thanh tiếng Việt ở đây). Thay vào đó, thả mình trong thế giới tiếng Anh, với sách báo, radio, và tivi. Cần mở ngoặc thêm để nói là thời đó thì dễ, còn bây giờ thì chắc khó, do có internet làm sao lãng việc học.
Phải có một cuốn từ điển tốt để học tiếng Anh. Quên đi những từ điển Anh – Việt, hay tệ hơn nữa là Việt – Anh! Tìm một cuốn từ điển Anh – Anh. Một từ điển tốt có thể ví như kinh thánh! Thời còn ở trại tị nạn, tôi may mắn tiếp xúc cuốn từ điển LONGMAN, và tôi thích cuốn này ngay từ ngày đầu. Hình như cuốn này được soạn cho người nước ngoài (tức không dùng tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ). Từ điển giải thích thật rõ ràng về ý nghĩa của chữ, cách dùng như thế nào, và cách phát âm. Thời đó, rất hiếm có một cuốn từ điển nào đầy đủ và thực tế như Longman. Sau này khi sang Úc và cho đến nay tôi vẫn dùng Longman làm từ điển.
Tôi nghiệm ra một điều là cách sử dụng tiếng Anh cho đúng còn quan trọng hơn cả văn phạm tiếng Anh. Cũng trong thời còn ở trong trại tị nạn Thái Lan tôi may mắn tiếp xúc với cuốn Practical English Usage của Michael Swan, đúng là cuốn sách gối đầu giường của tôi. Thoạt đầu tôi chỉ đọc để nhập tâm, nhưng sau này tôi thấy như vậy chưa khá, phải viết xuống. Viết xuống bằng tiếng Việt. Sau vài tháng tôi phát hiện quyển vở của mình đã trở thành một bản dịch của cuốn sách mình học. Bài học ở đây là cách học hay nhất là mình phải viết xuống những gì mình học (chứ đọc hay nhập tâm vẫn chưa đủ), và nếu cần dịch sang tiếng Việt.
2. Mỗi ngày học một chữ và học từ gốc
Mỗi ngày, cố gắng học một chữ tiếng Anh. Nhưng phải học cẩn thận và học cho hết chữ đó. Tôi muốn nói đến ngoài việc học để biết nghĩa của chữ đó, còn phải học (a) nguồn gốc của chữ này đến từ đâu; (b) những biến thể tính từ, động từ, danh từ của chữ; và (c) cách sử dụng như thế nào. Chẳng hạn như học chữ produce (động từ và danh từ), cần phải học thêm những biến thể như production, product, productive, v.v. phải học cho thật kĩ và biết tận ngọn ngành của chữ. Từ điển Longman rất có ích cho việc học này. Do đó, nói là học một chữ một ngày, nhưng thật ra là có khi học được 10 chữ. Cách học này rất tốt, vì nó giúp cho chúng ta có căn bản tốt và biết chữ từ gốc chứ không phải từ ngọn. Biết cái gì từ gốc vẫn hay hơn biết từ ngọn.
Ngữ vựng cực kì quan trọng. Theo tôi, có một kho tàng ngữ vựng tốt còn có giá trị hơn là am hiểu cú pháp và văn phạm. Thời gian chúng ta có thể tiếp thu ngữ vựng có hạn, còn thời gian chúng ta học văn phạm thì không giới hạn. Do đó, tranh thủ mọi cơ hội để học ngữ vựng.
Đôi nét về Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn:Tại Úc, ông Nguyễn Văn Tuấn là Giáo sư Khoa y thuộc Đại học New South Wales, Giáo sư y khoa tiên lượng của UTS, Giáo sư Dịch tễ học và thống kê của khoa Y thuộc Đại học Notre Dame và là Trưởng phòng thí nghiệm nghiên cứu loãng xương thuộc Viện nghiên cứu Y khoa Garvan. Tại Việt Nam, GS. Nguyễn Văn Tuấn là Giáo sư nghiên cứu xuất sắc, Cố vấn cao cấp về nghiên cứu khoa học và đồng thời Trưởng nhóm nghiên cứu cơ xương thuộc trường ĐH Tôn Đức Thắng. Đồng thời ông cũng là Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học và đào tạo và Chủ tịch Ủy ban đạo đức học thuật của trường này. GS. Nguyễn Văn Tuấn là tác giả của trên 300 công trình trên các tạp chí ISI uy tín thế giới, đặc biệt là những tạp chí hàng đầu như New England Journal of Medicine, Lancet, JAMA, BMJ, Ann Int Med, Nature, Nature Genetics. Ông còn tham gia làm thành viên hội đồng thẩm định của các tạp chí ISI nổi tiếng trong chuyên ngành như Journal of Bone and Mineral Research, Osteoporosis International, Journal of Clinical Endocrinology and Metabolism, Journal of Bone and Mineral Research, BMC Musculoskel Disorders… |