Giới chuyên gia: Mỹ muốn “phủ sóng” toàn cầu hệ thống tên lửa THAAD
Hiện nay, Mỹ muốn bố trí hệ thống này ở Hàn Quốc với lời giải thích là để đối phó với các tên lửa của Triều Tiên. Tuy nhiên, mục đích chính của Mỹ là nhằm “phủ sóng” toàn cầu các hệ thống phòng không của mình.
Nhận định trên do Sergey Ordzonikidze, thành viên Ủy ban xã hội Nga và là cựu Phó Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, đưa ra.
Mỹ muốn “phủ sóng” toàn cầu hệ thống THAAD. |
“Mới đây, chúng tôi đã được giải thích rằng hệ thống phòng không được lắp đặt ở châu Âu là nhằm để bảo vệ châu Âu khỏi mối đe dọa từ chương trình hạt nhân của Iran.
Và hiện người ta cũng đang giải thích tương tự với lãnh đạoTrung Quốc” – Sergey Ordzonikidze nhấn mạnh khi được đề nghị bình luận về việc Washington và Seoul bắt đầu tiến hành các cuộc đàm phán về việc bố trí hệ thống THAAD (Hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối) ở Hàn Quốc.
Tuy nhiên, theo Sergey Ordzonikidze, lời giải thích của Mỹ về sự cần thiết phải bố trí hệ thống THAAD tại Hàn Quốc là không thuyết phục vì “các tên lửa của Triều Tiên đơn giản là không thể tiêu diệt được các mục tiêu trên lãnh thổ Mỹ”.
“Mục đích chính của Mỹ là muốn hệ thống phòng không của mình có mặt khắp mọi nơi trên thế giới”- Sergey Ordzonikidze bình luận.
THAAD là hệ thống đánh chặn tên lửa tầm cao có bán kính hoạt động trung bình và tầm gần. Các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Hàn Quốc về việc bố trí THAAD tại Hàn Quốc đã được bắt đầu từ tháng 3/2016.
Quyết định tiến hành các cuộc đàm phán này đã được đưa ra sau khi Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân vào ngày 6/1 và vụ phóng tên lửa đạn đạo vào ngày 7/2.
Trong khi đó, Mỹ lại là đồng minh thân cận của Hàn Quốc và luôn duy trì lực lượng quân sự khoảng 30 nghìn người trên lãnh thổ Hàn Quốc.
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc mới đây cũng đã thông qua một loạt các lệnh cấm vận chống Triều Tiên sau các vụ thử hạt nhân và phóng tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng.
Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cấm cung cấp cho Triều Tiên nhiên liệu sử dụng cho tên lửa và hàng không. Tất cả các loại hàng hóa xuất nhập vào Triều Tiên đều bị kiểm soát.
Nghị quyết này cũng cấm bán cho Triều Tiên tất cả các loại vũ khí thông thường, hạn chế đáng kể việc Triều Tiên xuất khẩu than, sắt, vàng, titan và các loại khoáng sản quý hiếm khác.
Các lệnh cấm vận tài chính cũng được áp dụng với các ngân hàng của Triều Tiên.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ RIA Novosti, một trong những hãng tin lớn nhất tại Nga, đặt trụ sở chính tại Moscow và hơn 80 văn phòng trên khắp thế giới.