Giấy phép lái xe có thể bị tước trên hệ thống điện tử nếu lái xe vi phạm
Trong thời gian tới, với hệ thống dữ liệu đang được xây dựng sẽ ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ từ đó tạo ra nhiều thuận tiện cho người dân và các cơ quan quản lý.
CSGT có thể tước GPLX người vi phạm trên hệ thống điện tử
Ngày 3/2/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 165 phê duyệt Đề án "Đầu tư lắp đặt camera giám sát, chỉ huy điều hành giao thông phục vụ an ninh trật tự và xử lý vi phạm hành chính". Đề án được phân ra làm ba dự án, trong đó, một dự án do Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) làm chủ đầu tư để xây dựng Trung tâm dữ liệu dùng chung, phục vụ cho kết nối, chia sẻ dữ liệu camera.
Dự án này ngoài xây dựng kho dữ liệu dùng chung có tích hợp các hệ thống camera giám sát trên không gian mạng; quản lý dữ liệu dùng chung và tích hợp với các hệ thống nghiệp vụ trong và ngoài ngành Công an; lưu trữ toàn bộ dữ liệu camera trên tuyến Quốc lộ 1A, các tuyến cao tốc…Đặc biệt, Chính phủ quy định, bắt buộc nhà thầu, nhà đầu tư lắp đặt hệ thống giám sát khi xây dựng các tuyến cao tốc, quốc lộ mới để phục vụ công tác giám sát giao thông.
Theo thông tin từ Cục CSGT, đơn vị này sẽ đánh giá lại hiệu quả của hệ thống camera sẵn có, chọn ra phương án thực tiễn, đảm bảo tiết kiệm có tính hệ thống cao nhất dữ liệu dùng chung của Cục CSGT có thể dùng chung trong lực lượng CSGT; dùng chung trong Bộ Công an; dùng chung với các cơ quan khác để phục vụ người dân.
Cục CSGT sẽ tham mưu cho bộ, ngành, mà đặt biệt đối với Bộ Giao thông vận tải khi đưa tuyến đường mới đưa vào khai thác, các hợp phần, gói thầu của cao tốc Bắc - Nam khi đưa vào đều phải có hệ thống giám sát. Đồng thời, kết nối ngay với hệ thống giám sát mà ngành giao thông đánh giá trên cơ sở tiêu chuẩn kỹ thuật ngành về hệ thống giám sát theo Thông tư số 75 về hệ thống giám sát đã được ban hành.
Hiện nay, đối với một số tuyến quốc lộ qua các địa phương đã được lắp đặt camera như: tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Thuận, Quảng Bình, Đồng Nai… tiến tới sẽ đồng bộ lắp đặt camera trên tuyến QL1A; quốc lộ có đông lưu lượng người tham gia giao thông như: QL5A, QL51, quốc lộ đi các tỉnh Tây Nguyên, quốc lộ trọng điểm…
Đại tá Đỗ Thanh Bình - Phó Cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết, Cục CSGT đang nghiên cứu cùng với các đơn vi nghiệp vụ của Bộ Công an, Ban Cơ yếu Chính phủ để hình thành chữ ký số. Theo đó, biên bản người có chức năng sẽ ký điện tử. Thông tin vi phạm sẽ chuyển cho người có thẩm quyền để ra quyết định xử phạt qua mạng.
Cục CSGT đang xây dựng hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là hệ thống máy chủ để lưu trữ, quản lý theo công nghệ bockchain đảm bảo khách quan, minh bạch và an toàn. Tiến tới, người vi phạm sau khi lập biên bản tại hiện trường thì có thể ra quyết định xử phạt và nộp tiền giải quyết vi phạm, người vi phạm giao thông bị tước GPLX, CSGT sẽ tiến hành tước GPLX trên hệ thống điện tử. Có nghĩa là không nhất thiết CSGT phải giữ GPLX để tước, mà tước GPLX trên hệ thống.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, CSGT sẽ kiểm tra trường hợp này có bị tước GPLX trên hệ thống hay không đảm bảo tính đồng bộ, cải cách trong lĩnh vực phát hiện vi phạm. Người vi phạm có thể nộp phạt qua Cổng dịch vụ Công quốc gia.
Đèn xanh đỏ sẽ tích hợp camera, tự điều tiết giao thông
Theo đó, khi hệ thống giám sát được triển khai, Cục CSGT sẽ đánh giá lại các phương án để thực hiện như những phương tiện sẽ thay thế con người thì tính toán xem biên chế CSGT đó sẽ làm gì.
Mới đây, Bộ Công an giao cho lực lượng CSGT nhiệm vụ mới, theo đó, từ 1/1/2021 CSGT tuần tra kiểm soát trên tuyến nào thì phải điều tra giải quyết TNGT theo thủ tục hành chính ở tuyến đường được phân công. Cục CSGT sẽ tính toán lực lượng CSGT chỉ để phát hiện xử lý những trường hợp vi phạm giao thông nếu không cấp thiết phải dừng ngay phương tiện thì sẽ tiến hành xử phạt qua hình ảnh camera. Còn đối với những trường hợp vi phạm như nồng độ cồn, ma tuý thì trực tiếp lực lượng CSGT thực hiện.
Khi áp dụng công nghệ lắp đặt hoàn thiện hệ thống camera trên các tuyến đường, Cục CSGT sẽ đề xuất với Bộ Công an tăng cường công tác đấu tranh phòng ngừa với các loại tội phạm hoạt động trên các tuyến giao thông như các hành vi vi phạm: Đua xe trái phép, sử dụng các phương tiện giao thông để gây án, đặc biệt là tội phạm liên quan đến sử dụng bạo lực trên đường như cướp, cướp giật, vận chuyển hàng hoá cấm,... Cục CSGT sẽ tham mưu cho lãnh đạo Bộ Công an để lực lượng CSGT đảm nhiệm nội dung này trong tương lai.
Ngoài việc ghi lại hình ảnh xử lý vi phạm, hệ thống camera còn phục vụ việc điều hành giao thông. Tức là camera sẽ phát hiện lưu lượng phương tiện thực tế, sẽ hướng dẫn người điều khiển phương tiện đi vào cung đường mới không xảy ra ùn tắc giao thông. Thay vì như hiện nay, thông qua hệ thống VOV giao thông, các thông tin mang tính đơn lẻ thì tiến tới Cục CSGT sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan ra hệ bản đồ số cung cấp thực trạng giao thông thực cho người dân lựa chọn.
“Người điều khiển phương tiện chỉ cần nhập điểm ở hiện tại đến điểm cần đến thì hệ thống thông minh sẽ chỉ ra đường nào, thời gian nhanh nhất. Theo đó, người điều khiển sẽ đi theo hướng của App dẫn đường để đi đến một cách nhanh nhất, tránh tình trạng không để xảy ra ùn tắc giao thông. Bảng màu, đỏ là ùn tắc, màu vàng nguy cơ ùn tắc và màu xanh là di chuyển thì kết hợp với hệ thống camera. Việc khi sử dụng điện thoại kết hợp với vệ tinh sẽ đưa ra chỉ số tốc độ lưu thông thực, nguồn đầu vào để phân tích đưa đầu ra, tuyến nào tắc, dự báo tuyến nào khả năng ùn tắc và tuyến nào đường thông thoáng để người điều khiển phương tiện chọn lựa. Hiện nay, TP Hồ Chí Minh đang thực hiện thí điểm, người điều khiển phương tiện có thể nhập dữ liệu để biết vị trí mình cần biết đang có lưu lượng phương tiện thế nào”, Đại tá Bình nêu ví dụ.
Đại tá Đỗ Thanh Bình cho biết thêm, trong thời gian tới các hệ thống đèn sẽ được tích hợp camera, đồng thời đếm lưu lượng phương tiện, để chu kì đèn tự động biết được lượng phương tiện và tự điều chỉnh chu kì đèn sao cho hợp lý, để tối đa hoá tốc độ lưu thông trên đường như ở một số nước hiện đại (Hà Quốc…) đã thực hiện giúp giảm tới khoảng 20% ùn tắc giao thông trên địa bàn.
“Có nghĩa đèn xanh đỏ sẽ tự điều tiết giao thông khu vực đó, đồng thời tự động ra quyết định, đèn xanh bao nhiêu giây, đỏ bao nhiêu giây. Người dân sẽ được hưởng lợi, tình trạng giao thông, đoàn sửa chữa sẽ tích hợp trên bản đồ đề người tham gia giao thông biết. Ngoài ra, CSGT sẽ triển khai sớm lập App tiếp nhận thông tin của người dân. Như hiện nay thông qua mạng xã hội, thì tới đây có App để người dân có thể nhanh chóng gửi thông đến lực lượng CSGT giải quyết. Người tham gia giao thông lưu thông trên đường phát hiện vụ TNGT chỉ cần ấn nút trên App báo cho trung tâm chỉ huy để tiếp cận ngay hiện trường vụ việc. Mục tiêu tiến tới giao tiếp giữa lực lượng CSGT với người dân bằng công nghệ, số liệu thực, phương tiện thực và tiếp cận nhanh nhất để người dân lựa chọn tuyến đường đi tối ưu nhất cho mình".
Cũng theo Đại tá Bình, hiện nay, công tác bảo đảm TTATGT, một số người dân không đồng ý hoặc cố tình không đồng ý với quyết định xử phạt của CSGT dẫn đến tình trạng đôi co, cãi lý, thậm chí chống người thi hành vông vụ. Khi hệ thống giám sát được trang bị, thì người dân sẽ không cò phải nghi ngờ việc CSGT dừng xe xử phạt có đúng hay không mà sẽ chuyển sang nhận thức làm sao không vi phạm nữa.
“Dừng xe rồi thì CSGT với người dân cũng không phải đôi co, vì có hình ảnh, số hoá chứng minh đúng hay sai trên cơ sở chứng cứ điện tử, không phải ý thức chủ quan của ai đó. Vì vậy, chắc chắn thay đổi nhận thức của người dân. Để thực hiện nhiệm vụ này, thời gian tới, lực lượng CSGT sẽ thay đổi tư duy, từ quá trình đào tạo nhằm đưa nhiệm vụ phục vụ người dân lên hàng đầu. Lực lượng CSGT phải cung cấp tối đa dịch vụ cho người dân một cách nhanh chóng thuận tiện và khách quan hoá những quan hệ để người dân cảm thấy yên tâm khi làm việc, chấp nhận vi phạm”, Đại tá Bình khẳng định.
Công an khu vực có thể đề nghị người vi phạm lên hợp tác với CSGT
Theo thông tin từ Đại tá Đỗ Thanh Bình, Cục CSGT đã thực hiện kết nối với Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư (từ 10/1) và đã thực hiện thử nghiệm kết nối để nhập số căn cước công dân (CCCD vào ngày 19-20/2). Từ việc kết nối này sẽ giúp Cục CSGT thuận tiện hơn trong việc quản lý các phương tiện vi phạm (giúp công tác xử lý vi phạm giao thông, đăng ký xe được thuận tiện, nhanh gọn và hiệu quả hơn).
“Đối với thông tin để phục vụ đăng kí xe, trước kia chúng ta phải đánh tay từ thẻ CCCD, chứng minh thư nhân dân thì hiện nay, chỉ cần có số thẻ CCCD, là toàn bộ thông tin về ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi ở hiện tại của người đăng ký đã được cập nhật chính xác vào hệ thống của lực lượng CSGT, chúng ta không phải kê khai vào bản giấy", Đại tá Bình nêu ví dụ.
Ngoài ra, đối với công tác xử phạt vi phạm giao thông, từ dữ liệu CCCD, lực lượng CSGT truy vấn sẽ có ngay thông tin về người và địa chỉ người vi phạm. Từ đó, CSGT sẽ gửi thông báo chính xác đến địa chỉ người vi phạm để đề nghị đến giải quyết vi phạm.
Đại tá Đỗ Thanh Bình cho biết: "Với hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung, công an khu vực, công an phụ trách xã nơi công dân có vi phạm giao thông đang ở sẽ nắm bắt được thông tin vi phạm giao thông của công dân đó, để đề nghị người vi phạm lên hợp tác với CSGT giải quyết vi phạm. Quy trình này nhanh gọn và chính xác hơn việc trước nay, CSGT gửi thông báo vi phạm đến địa chỉ chủ xe, thông qua đăng kiểm...Với hệ thống dữ liệu CCCD, khi lực lượng CSGT làm nhiệm vụ trên đường phát hiện vi phạm giao thông, hoặc cần điều tra các vụ việc va chạm TNGT, thì chỉ cần đánh số CCCD là có toàn bộ thông tin liên quan đến người vi phạm.
Theo vov.vn