Giáo sư Nguyễn Viết Tiến: Tháng 1 sẽ đón đứa trẻ chào đời nhờ mang thai hộ
Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến |
Kỹ thuật không dễ như thụ tinh trong ống nghiệm
Trong thời gian 1 năm triển khai kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, sau khi có Nghị định của Chính phủ ban hành, đến nay cả nước gần 100 hồ sơ đăng ký. Hiện tại ở Trung tâm hỗ trợ sinh sản quốc gia đã tiếp nhận 60 hồ sơ, Trung tâm Hiếm muộn Bệnh viện Từ Dũ 30 hồ sơ, còn lại là ở Huế.
Giáo sư Nguyễn Viết Tiến - Thứ trưởng Bộ Y tế - Giám đốc Trung tâm hỗ trợ sinh sản Quốc gia cho biết, hiện nay tại Trung tâm hỗ trợ sinh sản Quốc gia tỷ lệ thành công với những người mang thai hộ khá bất ngờ, khoảng 50%.
Giáo sư Tiến cho biết, trong tháng 1, trường hợp sinh con bằng kỹ thuật mang thai hộ sẽ ra đời. Đây thực sự là một điều hết sức nhân văn với những cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai.
Theo quy định, người vợ bị các bệnh lý như không có tử cung do bẩm sinh hay bị cắt, bị các bệnh lý không thể mang thai như tim mạch, suy thận, suy gan, máu khó đông... và trường hợp bắt buộc là những cặp vợ chồng chưa từng sinh con mới được nhờ người mang thai hộ. Giáo sư Tiến cho biết đây là một điều hết sức nhân văn nhưng sau gần 1 năm triển khai thực hiện vẫn còn nhiều bất cập.
Nhiều người xếp hàng nộp hồ sơ xin làm thụ tinh trong ống nghiệm tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản quốc gia. |
Giáo sư Tiến cho biết: "Về mặt kỹ thuật, khi ta nói rằng thực hiện kỹ thuật của mang thai hộ cũng giống như kỹ thuật xin noãn, xin phôi, tinh trùng... nhưng hoàn toàn không phải như vậy.
Rào cản về pháp lý
Là người có nhiều công lao trong việc vận động đưa luật mang thai hộ vào thực tiễn nhưng bản thân Giáo sư Tiến cũng thấy rằng vấn đề pháp lý chẳng dễ dàng tý nào. Vì chúng ta xác định là mang thai vì mục đích nhân đạo nên nó càng khó.
Hiện nay, theo ghi nhận tại các trung tâm hỗ trợ sinh sản, khó khăn về mặt pháp lý đó là một bộ hồ sơ để đủ điều kiện mang thai hộ cần rất nhiều dấu đỏ từ chứng nhận người mang thai hộ cùng huyết thống, họ hàng… đến chứng nhận hôn nhân gia đình và nhiều vấn đề khác…
Để tiến hành thủ tục mang thai hộ cán bộ y tế phải đòi hỏi về mặt pháp lý phải đầy đủ mới được thực hiện dù về kỹ thuật đã có chỉ định chuyên môn. Nhiều người cho biết khi về xã để lấy chứng nhận thì cơ sở cho rằng chưa biết đến luật này hay nghị định này nên không xác nhận. Khi đó, họ lại trở về Trung tâm photo văn bản, hướng dẫn rồi quay lại xã, phường thì lúc đó mới được chứng nhận. Có những trường hợp mất 5-6 tháng mới hoàn thiện bộ hồ sơ.
Hiện nay, vấn đề cho phép mang thai hộ còn có điều bất cập như, luật quy định những cặp vợ chồng nào chưa có con chung thì mới được thực hiện kỹ thuật mang thai hộ. Trên thực tế có những cặp vợ chồng đã có con chung rồi nhưng đứng về góc độ chuyên môn hay góc độ nhân đạo thì nên làm cho họ.
Ví dụ như họ có 1 con nhưng đứa trẻ tật nguyền, tàn tật do trong quá trình sinh nở cần phải được can thiệp bằng các thủ thuật sản khoa. Vì thủ thuật sản khoa đó mà đứa con bị liệt và không may người mẹ lại có tai biến sản khoa buộc phải cắt tử cung để giữ mạng.
Với một đứa trẻ tàn tật như vậy, trong khi noãn trứng của người mẹ và tinh trùng của người cha hoàn toàn bình thường, nếu như họ được sinh thêm một đứa con thì chắc chắn nhân đạo hơn. Vì đứa con được mang thai hộ đó sau này sẽ là nguồn chính nuôi dưỡng, chăm sóc cha mẹ và ngay cả anh hoặc chị tàn tật của mình. Tuy nhiên hiện nay, Luật chưa cho phép thực hiện đối với những trường hợp này…
Mặc dù chính mình tham gia đề xuất, soạn thảo luật, nghị định về mang thai hộ nhưng giáo sư Tiến thừa nhận bản thân ông chưa thật bao trùm hết. Về góc độ nào đó, nếu đứa trẻ sinh ra tật nguyền do bệnh lý di truyền, vậy sinh ra thêm đứa trẻ khác tật nguyền thì lại thêm gánh nặng và càng khổ hơn, như vậy mất đi ý nghĩa nhân đạo của kỹ thuật này.
Giáo sư Tiến cho biết trong thời gian tới các đơn vị vẫn thực hiện nghiêm luật mang thai hộ và trong quá trình thực hiện sẽ dần thay đổi những khía cạnh chưa phù hợp để luật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo thực sự là nhân đạo.