Giảm thiểu bi kịch bằng giáo dục kỹ năng sống cho học sinh trực diện và hiệu quả
Khi dư luận chưa hết xôn xao về sự việc cô gái từng là hoa khôi tố "ông chú" chủ tịch hiếp dâm suốt 2 năm mà không nói với mẹ thì tối qua cộng đồng mạng cực sốc trước vụ nam sinh lớp 10 tự tử trước mặt bố mình.
Từ các sự việc đáng tiếc này, vấn đề giáo dục giới tính, kỹ năng sống, dạy cách đối mặt với cạm bẫy cho học sinh lại được dư luận xã hội đặt ra. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu chúng ta giáo dục giới tính, kỹ năng sống từ sớm, trực diện và hiệu quả sẽ giúp các em có kỹ năng để bảo vệ mình, tránh được những tình huống đáng tiếc có thể xảy ra.
Vậy trường học đã giáo dục kỹ năng sống cho học sinh thế nào?
Về vấn đề này, trao đổi với Infonet,cô giáo Ngô Thị Thanh - Hiệu trưởng trường Tiểu học Nam Từ Liêm (Hà Nội) cho hay: “Việc giáo dục giới tính, kỹ năng sống cho học sinh luôn được nhà trường chú trọng trong thời gian qua. Tôi cho rằng có những vấn đề phải giáo dục các con ngay từ bé, nhất là giáo dục giới tính cũng như kỹ năng ra quyết định trước những tình huống khác nhau trong cuộc sống.
Về phía nhà trường, học sinh trường mình từ lớp 1 đến lớp 5 đều được học giáo dục giới tính trong tiết học tự nhiên xã hội và khoa học. Ngoài chương trình chính khóa với những nội dung cơ bản thì trong tiết học giáo viên của nhà trường cũng chú trọng liên hệ trong thực tiễn”.
Theo cô Thanh thì trong quá trình giáo dục giới tính, giáo dục kỹ năng sống, việc gọi thẳng, đặt thẳng vấn đề để các con thấy đó là những vùng nhạy cảm và người khác không được phép động chạm đến là cần thiết thay vì nhiều nơi dạy kiểu gọi “né tránh” khiến học sinh không hiểu được bản chất vấn đề.
Cũng tại trường Tiểu học Nam Từ Liêm, nhà trường đã có những chương trình ưu tiên về giáo dục kỹ năng sống lồng vào trong tiết sinh hoạt lớp hay sinh hoạt dưới cờ.
Học sinh được trải nghiệm hoạt động giáo dục kỹ năng sống tại trường Tiểu học Nam Từ Liêm |
“Quan trọng hơn là trong cuộc sống, tiết học hàng ngày các cô cũng quan tâm đến sự phát triển tâm, sinh lý của học sinh để kịp thời giúp đỡ các em tháo gỡ những vấn đề đang gặp phải.
Hai năm học vừa qua dưới ảnh hưởng của dịch bệnh, các cô không có những buổi nói chuyện chuyên sâu về giáo dục giới tính nhưng những năm học trước nhà trường cũng thường xuyên mời bác sĩ, chuyên gia về nói chuyện với học sinh, thậm chí có cả phụ huynh và giáo viên để hiểu về tầm quan trọng của giáo dục giới tính, giáo dục kỹ năng sống.
Ở đó, học sinh cũng được đặt câu hỏi, các con được đưa ra tình huống và những cách quyết định trong thực tiễn”, cô hiệu trưởng Ngô Thị Thanh nói.
Không chỉ học sinh mà phụ huynh cũng được tham gia hoạt động tư vấn tâm lý cho con và giáo dục kỹ năng sống. |
Một thực trạng hiện nay là nhiều trường có phòng tư vấn tâm lý học đường nhưng hoạt động lại chưa hiệu quả. Về việc này, cô Ngô Thị Thanh cho rằng: “Bản thân trường mình cũng có phòng tư vấn tâm lý học đường. Thế nhưng, với đặc thù học sinh tiểu học, các con có những thay đổi hay những bất ổn về tâm lý thì chính giáo viên chủ nhiệm là người đầu tiên tư vấn tâm lý. Chúng tôi đặt vai trò tư vấn tâm lý đầu tiên là cô chủ nhiệm vì bậc tiểu học thì giáo viên chủ nhiệm bao giờ cũng sát sao hơn với các con.
Tôi nhận thấy phòng tư vấn tâm lý phát huy hiệu quả nhất với học sinh cấp THCS và THPT, đôi khi giáo viên chia sẻ tâm sự cùng học sinh đó chính là tư vấn tâm lý học đường chứ không phải những chuyện “đao to búa lớn” mới là tư vấn tâm lý học đường”.
Cô Thanh cho rằng cái khó của công tác tư vấn tâm lý học đường là học sinh khi gặp vấn đề chưa biết phải lên phòng tư vấn tâm lý để chia sẻ.
“Chính vì thế, tôi luôn nói với các giáo viên của mình phải hiểu sâu hơn, kỹ hơn về tâm lý lứa tuổi để triển khai công tác tư vấn tâm lý học đường, quan trọng là phải sát sao với các em.
Ngoài ra, khó khăn trong công tác tư vấn tâm lý học đường hiện nay là phản hồi thực tiễn. Vì rõ ràng trong chương trình chuẩn cũng có phần dạy về tâm lý học đường, giáo dục giới tính nhưng con thực hành và phản hồi với giáo viên chưa nhiều.
Tôi nghĩ rằng, việc giáo dục giới tính cũng như dạy con các kỹ năng sống thì hiệu quả hơn cả vẫn là sự phối hợp tốt giữa gia đình cũng như nhà trường làm sao để trẻ cởi mở hơn.
Có những trường hợp đứa trẻ gặp vấn đề, đứa trẻ lo lắng nhưng các con có nói ra không, có chịu chia sẻ không mới là điều quan trọng. Tôi nói điều này để thấy rằng, người lớn cần quan tâm tới các con hơn, trở thành bạn của con, lắng nghe tiếng nói của con thay vì hơi chút là dọa nạt.
Bố mẹ phải cho con cơ hội nói lên tiếng nói của mình chứ bố mẹ không thể là chân lý và bất chấp mọi thứ bắt con phải nghe theo. Muốn gỡ nút thắt để cho con phát triển tự nhiên, để con chia sẻ thì bản thân người lớn phải đồng hành cùng con”, cô Thanh cho hay.
Vụ nam sinh trường chuyên nhảy lầu tự tử: Chuyện đã quá đau lòng, chia sẻ clip và lá thư chẳng khác nào hành động xát muối
Chuyện đã quá xót xa, xin đừng khiến nó càng trở nên xót xa thêm nữa...
Hoàng Thanh