Giám sát chặt chẽ các video live stream nhiều người xem trên Facebook
Thông tin này được ông Simon Harari, Giám đốc phụ trách Chính sách nội dung của Facebook khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, chia sẻ nhân chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam.
Ông Simon Harari cũng khẳng định, Facebook áp dụng chính sách “chung thân” đối với bất kỳ tài khoản nào vi phạm chính sách của Facebook như: đăng tải thông tin có nội dung kích động khủng bố, bạo lực, khiêu dâm,… một khi tài khoản đã bị xóa sẽ không bao giờ được phép khôi phục.
Về vấn nạn tin giả gây nhức nhối hiện nay, Facebook có một hệ thống giải quyết qua việc lọc bỏ, giảm thiểu thông qua tin báo. Tuy nhiên, ông Simon Harari thừa nhận không phải tất cả những tin giả đều được Facebook loại bỏ.
Nhưng nếu Facebook biết những tin giả đó đến từ tài khoản giả mạo, hoặc những tin đó có liên quan đến nguy cơ trong đời thực (nạn nhân có thể tự tử vì những thông tin giả mạo nhắm đến mình), chắc chắn sẽ bị Facebook loại bỏ.
“Với những thông tin Facebook không thể nhận biết chắc chắn là thật hay giả, chúng tôi sẽ có tác động để giảm thiểu mức độ tiếp cận người dùng đối với thông tin đó. Trên thực tế thông tin đó vẫn tồn tại nhưng số lượng người nhìn thấy giảm đến 80%.” ông Simon Harari nói.
Đại diện của Facebook bày tỏ mong muốn người dùng chủ động hơn, thông thái hơn trong việc sử dụng mạng xã hội, không nên vội vã chia sẻ bất kỳ một thông tin nào theo cảm tính.
“Facebook chỉ là một nền tảng, người dùng cần sự thông thái và tỉnh táo phân tích, suy nghĩ, xác định nguồn tin đó có đúng hay không. Thực tế chúng tôi đã chủ động đưa ra Chương trình giáo dục giới trẻ với tên gọi “Think before you share” (suy nghĩ trước khi chia sẻ).”
Ông Simon Harari, Giám đốc phụ trách Chính sách nội dung của Facebook khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. |
Trước câu hỏi công cụ “Báo cáo” (Report) của Facebook có thể bị lợi dụng khiến không ít người bị khóa tài khoản bởi một nhóm người có dụng ý xấu, đại diện Facebook cho biết:
“Mất khá nhiều nguồn lực kể cả về công nghệ cũng như con người để đánh giá hết chức năng này. Facebook đang nỗ lực để tiếp tục bổ sung những chính sách mới. Tuy nhiên, chúng tôi cần thêm thời gian để đảm bảo về mặt kỹ thuật cũng như nguồn lực con người để đáp ứng được nhu cầu.”
Ông cũng bổ sung thêm thông tin, Facebook không phân biệt phải có số lượng bao nhiêu người “report” mới tiến hành rà soát.
“Một người cũng vậy và triệu người cũng vậy, tất cả đều đi qua một chương trình rà soát mà không phân biệt số lượng nhiều hay ít người. Nếu chúng tôi phát hiện người dùng “báo cáo” sai thì sẽ xử lý đối với tài khoản thực hiện chức năng đó. Đối với hành vi cố ý tạo nhóm để sử dụng tính năng này, đây là những hành vi bị coi là có chủ ý, đăng tin không xác thực và sẽ bị Facebook xử lý tài khoản bằng cách xóa tài khoản, đặc biệt là những trường hợp tác động đến quá trình bầu cử hay giả mạo hình ảnh, tên tuổi của cá nhân người khác.”
Trước câu hỏi một số nội dung đã được Youtube gỡ bỏ theo yêu cầu của Bộ TT&TT Việt Nam, nhưng lại được chia sẻ mạnh trên Facebook, ông Simon từ chối bình luận chi tiết nhưng khẳng định Facebook đã chủ động phát triển công nghệ của mình nhằm phát hiện những nội dung vi phạm quy định chính sách của Facebook.