Giám đốc CIA đứng sau đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ?
Nhận định trên do Lawrence Wilkerson, cựu Chánh Văn phòng Bộ Ngoại giao Mỹ thời Ngoại trưởng Colin Powell đưa ra.
![]() |
CIA đứng sau đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ? |
“Tôi không hề nghi ngờ gì khi cho rằng John Brennan (Giám đốc đương nhiệm CIA) và những người khác biết rõ những gì đã xảy ra ở Thổ Nhĩ Kỳ. Một điều cũng hoàn toàn rõ ràng rằng chúng tôi (Mỹ) có dính líu nhất định đến các sự kiện ở Thổ Nhĩ Kỳ”- Lawrence Wilkerson tuyên bố như vậy khi trả lời phỏng vấn Sputnik.
Lawrence Wilkerson nhấn mạnh rằng Mỹ từ lâu đã sử dụng các vụ đảo chính như là một cơ chế quân sự và chính trị tiêu chuẩn để lật đổ chế độ “có vấn đề” ở các quốc gia có những lợi ích trái ngược với các lợi ích của Mỹ. Trong thời gian Tổng thống Ronald Reagan nắm quyền, CIA và Giám đốc CIA lúc đó là Bill Casey đã chỉ đạo thực hiện đến 58 các chiến dịch bí mật.
“Hãy suy nghĩ về những gì đang trực tiếp xảy ra hiện nay. Con cháu các bạn sẽ đọc về các sự kiện này sau 25 năm nữa, cũng giống như chúng ta đang đọc về các vụ đảo chính lật đổ Thủ tướng Iran Mohammed Mossadegh vào năm 1953. Không rõ liệu các bạn có được chứng kiến những gì có thể xảy ra ở Caracas (Venezuela) hoặc ở Kiev, Ukraine hay ở chính Ankara (Thổ Nhĩ Kỳ), Damascus (Syria) và Baghdad (Iraq) hay không”- Lawrence Wilkerson nói.
Được biết, Lawrence Wilkerson đảm nhiệm chức vụ Chánh Văn phòng Bộ Ngoại giao Mỹ thời Ngoại trưởng Colin Powell từ năm 2002 đến năm 2005.
Được biết, vụ đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ xảy ra đêm ngày 15/7 nhưng chính quyền đã nhanh chóng kiểm soát được tình hình. Hiện chính quyền của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã tiến hành bắt giữ hàng nghìn người bị tình nghi có dính líu đến đảo chính.
Theo các số liệu do Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim đưa ra, nỗ lực đảo chính quân sự đã khiến 208 người thiệt mạng (con số trước đó do Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra là 290 người).
Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã khẳng định giáo sỹ Fethullah Gulen, người đang sinh sống ở Mỹ, đứng đằng sau vụ đảo chính này. Thổ Nhĩ Kỳ đã lên tiếng kêu gọi Mỹ giao nộp giáo sỹ Gulen cho phía Thổ Nhĩ Kỳ nhưng phía Mỹ bác bỏ lời kêu gọi này, đồng thời khẳng định sẽ chỉ thực hiện động thái này nếu Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra được các bằng chứng về sự dính líu của Gulen vào đảo chính.
Những tuyên bố này của Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ khiến quan hệ hai nước trở nên căng thẳng. Giới chuyên gia cho rằng quan hệ Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ căng thẳng có thể có những ảnh hưởng nhất định đến việc giải quyết tình hình khủng hoảng ở Syria.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn từ Sputnik.