Giải mã vụ thử bom nhiệt hạch của Triều Tiên
Nếu sự việc này được xác minh là thật thì lần thử bom này là mạnh nhất trong số các lần trước đó, đồng thời là mối đe dọa lớn cho tình hình an ninh trong khu vực.
Dưới đây là một số câu hỏi và câu trả lời mà nhà phân tích Mike Chinoy đưa ra. Ông Mike là cựu điều phối viên quốc tế của CNN và là tác giả của cuốn sách “Câu chuyện bên trong cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên”.
Triều Tiên tuyên bố thử nghiệm thành công bom nhiệt hạch. Nguồn: CNN |
Thế giới cần lo lắng điều gì?
Theo như tuyên bố của Triều Tiên, thì đây là một quả bom nhiệt hạch, đó là một loại vũ khí rất mạnh, có sức công phá lớn hơn một quả bom uranium hay plutonium đơn giản. Và đó là điều mà thế giới cần quan ngại.
Thêm vào đó, mỗi lần Triều Tiên thử nghiệm vũ khí đều cho thấy họ đã cải thiện được chất lượng và mục tiêu chính của nước này là thu nhỏ các thiết bị để có thể đặt một đầu đạn hạt nhân trên tên lửa tầm xa.
Mặc dù chưa có ai chắc chắn về việc Bình Nhưỡng đã đạt tới mức độ đó hay chưa nhưng mọi cuộc thử nghiệm đều là cơ hội để các nhà khoa học Triều Tiên rút ra bài học kinh nghiệm và vạch ra những bước đi tiếp theo.
Có thể thẩm định tuyên bố thử bom nhiệt hạch của Triều Tiên không?
Mỹ và Hàn Quốc đều có những công nghệ giúp kiểm soát bầu trời để truy tìm mọi dấu vết cũng như những bức xạ. Có những thiết bị mà các nước có thể sử dụng để kiểm tra, tuy nhiên không ai dám chắc 100% và cần có thời gian nhất định để tìm ra bằng chứng.
Các nước không biết vụ thử bom của Triều Tiên thành công đến đâu nhưng nếu Bình Nhưỡng đã tuyên bố sở hữu bom nhiệt hạch và các bên còn đang tính toán xem đáp trả như thế nào thì ở giai đoạn này, không có lý do gì để không thừa nhận rằng hành động của Triều Tiên là thật. Đây là một động thái khiến các quốc gia trong khu vực cực kỳ lo ngại.
Trung Quốc, đồng minh lâu năm của Triều Tiên, phản ứng ra sao?
Theo ông Mike, đây thực sự là một “cú tát vào mặt” đối với Trung Quốc và Bắc Kinh chắc chắn đã rất tức giận. Có thời kỳ khi Trung Quốc đã bày tỏ thái độ không hài lòng với Triều Tiên nhưng vài tháng trước tình hình đã có chút cải thiện. Bắc Kinh cử quan chức cấp cao Liu Yunshan tới tham dự lễ diễu binh hồi tháng 10/2015 ở Bình Nhưỡng. Ông Liu đã đứng cạnh Chủ tịch Kim Jong Un và tất cả đều nở một nụ cười tươi.
Nhưng sau đó, ban nhạc nữ do ông Kim cử tới Trung Quốc biểu diễn giao lưu đã phải “ngậm ngùi” quay về nước. Đó được xem là hệ quả của việc ông Kim Jong Un tuyên bố Triều Tiên sở hữu bom nhiệt hạch.
Triều Tiên ngày càng nâng cao năng lực quân sự sau mỗi lần thử nghiệm vũ khí hạt nhân. Nguồn: CNN |
Rõ ràng, người Triều Tiên không hề yếu thế hay bị tổn thương bởi áp lực từ phía Trung Quốc. Hoặc Bình Nhưỡng cho rằng Bắc Kinh sẽ không làm gì để tạo nên sự thay đổi. Các nhà phân tích cũng cho rằng Trung Quốc sẽ không thể hiện thái độ gì quá ghê gớm đối với Triều Tiên.
Chủ tịch Tập Cận Bình đã có quá nhiều thứ để bận tâm. Ông có một chiến dịch chống tham nhũng lớn, một nền kinh tế tăng trưởng chậm, sự không hài lòng trong nước và còn có nhiều căng thẳng đối với những người “hàng xóm” trong khu vực và cả Mỹ.
Tóm lại, theo tính toán của Trung Quốc, sự thất thường của Triều Tiên còn nguy hiểm hơn cả việc nước này sở hữu bom hạt nhân.
Tại sao Triều Tiên muốn có bom hạt nhân?
Theo ông Mike, Triều Tiên đang chơi trò chơi đánh cược. Bình Nhưỡng sẽ không bao giờ thả một quả bom xuống California mà tất cả những việc trên chỉ nhằm gửi đi thông điệp tới thế giới rằng “Đừng có đùa với chúng tôi”.
Nói một cách khác, điều Triều Tiên muốn là sự công nhận, quyền hợp pháp và một vài thứ như hiệp định hòa bình với Mỹ. Nhưng họ muốn những điều đó theo cách riêng của họ và Bình Nhưỡng từng nói với Washington rằng: “Chúng tôi sẵn sàng để đàm phán nhưng chúng tôi sẽ không thực hiện với những điều kiện đặt ra trước”.
Về phía Mỹ, Washington cho biết điều cơ bản để tiến hành đàm phán là làm thế nào loại bỏ được năng lực hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Mỹ nên làm gì?
Theo quan điểm của Mỹ, đâu là sự lựa chọn đúng đắn? Thứ nhất, có thể đi tới chiến tranh với Triều Tiên, một biện pháp rõ ràng không có lợi. Thứ hai, có thể thử bằng các biện pháp cấm vận, gây tổn thương cho nền kinh tế Triều Tiên ở góc độ nào đó nhưng không có bằng chứng cho thấy cách này có hiệu quả trong việc thay đổi thái độ của Bình Nhưỡng.
Và sử dụng các biện pháp chính trị cũng là một điều không tưởng bởi các cuộc bầu cử, thay đổi chế độ hay tư tưởng ở Triều Tiên là “nhiệm vụ bất khả thi”.
Kết luận mà nhà phân tích Mike đưa ra là, Triều Tiên vẫn sẽ tiếp tục tiến hành thử hạt nhân và mỗi lần làm như vậy, năng lực của họ lại phát triển thêm một bậc. Trong khi cả thế giới đang tập trung vào IS, Ả Rập Saudi, Iran và Donald Trump thì ông Kim Jong Un lại dần dần từng bước xây dựng một kho vũ khí hạt nhân của riêng mình.
Bài viết được tham khảo nguồn tin CNN, một kênh truyền hình nổi tiếng của Mỹ, thuộc sở hữu tập đoàn Time Warner. CNN là một trong những kênh thông tin uy tín nhất thế giới.