Giải mã sức mạnh "khủng khiếp" của Mỹ trong cuộc chiến với Iraq năm 1991
Sau khi quân đội Iraq vượt qua biên giới Kuwait vào sáng sớm ngày 2/8/1990, Saddam Hussein đã phải đối mặt với một liên minh 34 quốc gia phương Tây và khu vực Trung Đông với 74% quân là của Mỹ. Không chỉ vậy, chính sách phiêu lưu của Saddam cũng đẩy Quân đội Iraq vào tình thế “thập tử nhất sinh” khi phải đối mặt với lực lượng được đào tạo tốt nhất, trang bị tốt nhất và được lãnh đạo tốt nhất trong lịch sử Quân đội Mỹ.
Quân đội Iraq vào tình thế “thập tử nhất sinh” khi phải đối mặt với liên minh do Mỹ dẫn đầu ở Trung Đông. Nguồn: Sohu. |
Tại thời điểm đó, Quân đội Mỹ đã chuẩn bị một lực lượng hùng hậu từ quân số cho đến vũ khí trang bị để sẵn sàng khai chiến toàn diện cùng Liên Xô (cuộc chiến bảo vệ các nước Tây Âu), nhưng không ngờ rằng, Iraq lại là quốc gia hứng chịu “cơn thịnh nộ” này của Mỹ. Quân đội Iraq với nhiều tồn tại “chết người” trong cả chiến dịch lẫn cấp chiến thuật khi đối mặt với Mỹ thì kết quả không cần phải bàn cãi, vấn đề duy nhất chỉ là thời gian và con số thương vong của Quân đội Iraq.
Lúc 1 giờ sáng 2/8/1990, Iraq chính thức đưa quân tiến đánh Kuwait, trong thời gian tấn công quốc gia này, tổng quân số Iraq tham chiến lên đến hơn 1 triệu quân, đây là một lực lượng khổng lồ có thể “quét sạch” mọi sự kháng cự của “người hàng xóm yếu đuối” – Kuwwait với 20.000 quân và Quân đội Iraq đã “đánh đông dẹp bắc” như vào chỗ không người.
Thất bại là điều không còn gì phải bàn cãi đối với Iraq tại thời điểm đó. Nguồn: Sohu. |
Quy mô của lực lượng này đã tạo thành mối đe dọa lớn đối với các mỏ dầu khổng lồ ở miền đông Ả Rập, điều này buộc các nước phương tây, dẫn đầu là Mỹ, phải đáp trả để bảo vệ lợi ích của mình. Lầu Năm Góc đánh giá: Iraq đã kiểm soát 20% lượng dầu của thế giới tại Kuwait và đang uy hiếp Ả Rập Saudi - nước cũng có trữ lượng dầu hỏa chiếm 20% lượng dầu của thế giới. Nếu Iraq xâm lược Ả Rập Saudi và chiếm đóng các bến cảng của nước này thì việc Mỹ can thiệp sẽ hết sức khó khăn và tốn kém.
Chiến tranh giải phóng Kuwait là “độc nhất vô nhị” ở khu vực Trung Đông, và là sản phẩm của việc kết hợp hàng loạt sự kiện mà có lẽ khó có thể xảy ra trong tương lai. Mỹ lần đầu tiên và là lần duy nhất có thể thành lập một liên minh 34 quốc gia ở Trung Đông. Ngay cả Liên Xô đối lập với Mỹ cũng bỏ phiếu ủng hộ Nghị quyết 660 của Liên Hợp Quốc, lên án cuộc xâm lược của Iraq và yêu cầu rút quân.
Trong khi đó, trên mặt trận ngoại giao thì Saddam cũng “một mình một chiến tuyến”, hàng loạt Nghị quyết của Hội đồng bảo an và Liên đoàn Ả Rập được đưa ra về cuộc xung đột. Một trong những Nghị quyết quan trọng nhất là Nghị quyết 678 của Liên hợp quốc thông qua ngày 29/11 cho phép sử dụng “mọi biện pháp cần thiết” - một công thức ngoại giao cho phép sử dụng biện pháp mạnh nếu Iraq không rút quân khỏi Kuwait trước ngày 15/1/1991.
Chiến dịch "lá chắn sa mạc" của Mỹ đã nhanh chóng "vùi dập" Quân đội Iraq. Nguồn: Sohu. |
Được Liên hợp quốc “bật đèn xanh” , Mỹ đã tiến hành chiến dịch “lá chắn sa mạc” ở Trung Đông. Mục tiêu quân sự của Mỹ trong chiến dịch này là: Phát triển 1 khả năng phòng thủ ở Vùng Vịnh để ngăn chặn không cho lực lượng của Tổng thống Saddam Hussein tấn công thêm nữa; bảo vệ Ả Rập Saudi nếu răn đe thất bại; xây dựng một liên quân có hiệu quả và hợp nhất các lực lượng của liên quân vào kế hoạch tác chiến; thực hiện trừng phạt kinh tế theo các Nghị quyết 661 và 665 của Liên hợp quốc.
Đáng chú ý, chỉ một tháng trước khi xảy ra chiến tranh, Bộ Tư lệnh Trung ương Mỹ đã tổ chức diễn tập mô phỏng Iraq tấn công Kuwait cùng Ả Rập Saudi, và tình huống này đã trở thành sự thật ngay sau đó. Đây cũng là nguyên nhân mà Mỹ có thể nhanh chóng đưa ra phản ứng với Iraq khi xâm lược Kuwait.
Tổng thống Mỹ George Bush đã ra lệnh cho các lực lượng Mỹ đến Ả Rập Saudi vào ngày 6/8. Đến cuối tháng 9/1990, Không quân Mỹ đã triển khai 437 máy bay chiến đấu tới Ả Rập Saudi, chủ lực là máy bay chiến đấu F-15C. Cùng với đó, Mỹ đã đưa tàu sân bay cùng hai nhóm tàu chiến USS Dwight D. Eisenhower và USS Independence, chiến hạm USS Missouri và USS Wisconsin tới Vùng Vịnh.
Chiến hạm USS Wisconsin, một trong nhiều chiến hạm được triển khai trong chiến dịch Lá chắn sa mạc. Nguồn: Sohu. |
Theo thống kê, Bộ Tư lệnh Vận tải Hàng không quân sự Mỹ lập một cầu không vận lớn nhất từ trước tới nay, giữa Mỹ - châu Âu - Ả Rập Saudi, cơ động lực lượng, phương tiện, vũ khí trang bị tới Vùng Vịnh. Kể từ ngày 21/ 8, Mỹ đã vận chuyển đến Trung Đông số lượng vật tư trang bị lên đến 454.000 tấn và hơn 2,5 triệu tấn lương khô cùng với hàng trăm nghìn thiết bị phục vụ bộ binh chiến đấu trên môi trường sa mạc.
Ngày 12/1/1991, Quốc hội Mỹ thông qua Nghị quyết cho phép Tổng thống Bush sử dụng lực lượng quân sự tấn công Iraq nếu nước này không rút quân ra khỏi Kuwait. Ngay sau đó, các nước đồng minh khác cũng làm điều tương tự. Điều gì đến cũng phải đến, 660.000 quân liên minh, trong đó có 500.000 quân Mỹ với hàng loạt trang thiết bị hiện đại đã nhanh chóng làm “tan đàn xẻ nghé” hơn 1 triệu quân Iraq chỉ trong 25 ngày. Mỹ coi đây là “chiến tích” vô tiền khoáng hậu của Quân đội ở khu vực Trung Đông.