Giải mã bí ẩn về 'ngọn núi chết chóc' ở Nga
Bí ẩn 'Dyatlov Pass' về cái chết của 9 nhà thám hiểm trẻ tuổi trong chuyến tìm hiểu đèo ở Nga cuối cùng cũng có lời giải hợp lý.
Các nhà khoa học cuối cùng cũng tìm ra lời giải thích hợp lý mới nhất về nguyên nhân có thể dẫn đến cái chết của 9 người leo núi trong chuyến thám hiểm định mệnh cách đây 62 năm. Vào tháng 1/1959, một nhóm gồm 9 thanh niên đi bộ đường dài, trong đó có 7 nam và 2 nữ đã vượt qua Dãy núi Ural đầy tuyết của Nga hướng tới một đỉnh núi mà người dân địa phương gọi là "Núi Chết".
Giải mã bí ẩn về 'ngọn núi chết chóc' ở Nga |
Những người đi bộ đường dài dựng lều ở chân một con dốc nhỏ, sau đêm lạnh giá, nhiệt độ khoảng âm 25 độ C, họ không bao giờ trở về.
Sự kiện nổi tiếng được gọi là sự cố đèo Dyatlov đã dẫn đến nhiều thuyết âm mưu trong nhiều thập kỷ, có ý kiến cho rằng liên quan đến cuộc tấn công của người tuyết bí ẩn, người ngoài hành tinh...
Năm đó, phải mất gần một tháng, các nhà điều tra mới tìm thấy cả 9 thi thể nằm rải rác giữa tuyết, cây cối và khe đá ở Núi chết.
Một số bị gãy xương và nứt sọ, bị mất mắt; một phụ nữ trẻ bị mất lưỡi, có thể họ bị động vật hoang dã tấn công.
Căn lều của nhóm người đều có kinh nghiệm đi bộ đường dài bị chôn vùi đến một nửa trong tuyết trắng, vẫn còn giữ một số quần áo gấp gọn gàng và đồ ăn còn dở dang.
Một cuộc điều tra của Nga đã kết luận vào thời điểm đó, tất cả 9 người đi bộ đường dài đã chết vì hạ thân nhiệt sau khi bị bỏ vào giá lạnh "dưới tác động của một lực tự nhiên".
Các chuyên gia cho rằng, đã xảy ra một trận tuyết lở nhỏ trong điều kiện bất thường khiến những người đi bộ buộc phải tháo chạy khỏi lều ngay trong đêm tối lạnh lẽo. Nghiên cứu cho thấy những vết rách trong lều từ bên trong hướng ra.
Johan Gaume, người đứng đầu nghiên cứu tại Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ ở Lausanne, cho biết: "Chúng tôi thấy tình tiết hợp lý với giả thuyết xảy ra trận lở tuyết trong đêm hôm đó".
Có ý kiến cho rằng khi lực lượng cứu hộ đến khu cắm trại 26 ngày sau khi nhóm người mất tích thì không phát hiện dấu hiệu của trận lở tuyết. Con dốc nơi đoàn thám hiểm dựng trại có độ nghiêng dưới 30 độ, số liệu tối thiểu để xảy ra trận lở tuyết. Có bằng chứng cho thấy những người đi bộ đường dài chạy trốn khỏi lều giữa ban đêm nên có thể trận lở tuyết được kích hoạt do quá trình liên quan đến việc cắt vào mặt con dốc xây dựng lều.
Một số người đi bộ đường dài đã bị thương ở đầu và ngực mà trận tuyết lở thường không gây ra vết thương này.
Johan Gaume và đồng tác giả nghiên cứu Alexander Puzrin, một nhà nghiên cứu tại Viện kỹ thuật ở Zurich, Thụy Sĩ, đã nghiên cứu kỹ và xây dựng mô hình tuyết lở trong điều kiện khu vực xảy ra sự cố. Sau cùng, Alexander Puzrin, nói rằng: "Sự thật là không ai thực sự biết chuyện gì đã xảy ra vào đêm đó. Nhưng chúng tôi cung cấp căn cứ định lượng mạnh mẽ cho rằng nguyên nhân tai nạn do tuyết lở là hợp lý hơn. Khi những người đi bộ đường dài quyết định vào rừng, họ đã chăm sóc những người bạn bị thương, không ai bị bỏ lại phía sau. Tôi nghĩ đó là một câu chuyện tuyệt vời về lòng dũng cảm và tình bạn khi đối mặt với sức mạnh tàn bạo của thiên nhiên.".
Hoàng Dung(lược dịch)