Giá vàng tăng, ‘cá mập’ nào gom vàng nhiều nhất 30 năm qua?
Theo báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), vàng có vai trò quan trọng trong dự trữ tài chính của nhiều quốc gia, ngân hàng trung ương - các “cá mập” trên thị trường tăng cường mua vàng để đảm bảo ổn định nền kinh tế.
Dưới đây là những số liệu mới được tổng hợp về dòng chảy vàng của các ngân hàng trung ương trong 30 năm qua.
10 ngân hàng mua vàng nhiều nhất
10 ngân hàng trung ương mua vàng nhiều nhất chiếm 84% tổng số vàng mà các ngân hàng trung ương mua vào trong 30 năm.
Nga và Trung Quốc là những nước mua vàng nhiều nhất trong 20 năm qua. Nga đã tăng cường mua vàng sau khi bị Châu Âu trừng phạt do sáp nhập Crimea năm 2014.
Phần lớn các nước mua vàng nhiều nhất đều là các nền kinh tế mới nổi. Các quốc gia này dự trữ vàng để phòng ngừa rủi ro tài chính và địa chính trị, ảnh hưởng đến tiền tệ, đặc biệt là tỷ giá với USD.
Thụy Sĩ, Pháp, Hà Lan và Anh là những quốc gia bán vàng nhiều nhất từ năm 1999 đến 2021, theo khuôn khổ Thỏa thuận vàng của ngân hàng trung ương (CBGA).
Ngân hàng nào mua vàng nhiều nhất năm 2022?
Năm 2022, các ngân hàng trung ương đã mua kỷ lục 1.136 tấn vàng, trị giá khoảng 70 tỷ USD.
Thổ Nhĩ Kỳ là nước mua vàng nhiều nhất. Nước này mua 148 tấn vàng trong năm ngoái để bổ sung vào dự trữ quốc gia trong bối cảnh lạm phát tăng cao.
Đứng thứ hai là Trung Quốc với 62 tấn vàng.
Các thị trường mới nổi tiếp tục xu hướng mua vàng trong năm qua.
Tuy nhiên, khoảng 2/3 tương đương với 741 tấn vàng đã không được báo cáo chính thức. Theo các nhà phân tích, các giao dịch mua vàng không được báo cáo có thể đến từ các quốc gia như Trung Quốc và Nga.
Tại sao các ngân hàng trung ương mua vàng?
Vàng đóng một vai trò quan trọng trong dự trữ tài chính của nhiều quốc gia. Các ngân hàng trung ương đã nắm giữ vàng để quản lý rủi ro và ổn định tiền tệ trong thời kỳ kinh tế hỗn loạn.
Ngoài ra, vàng thường đối lập với USD. Khi USD giảm giá trị, giá vàng có xu hướng tăng, bảo vệ các ngân hàng trung ương khỏi sự biến động của thị trường tiền tệ.
Chuyển từ bán sang mua
Giai đoạn từ năm 1990 đến đầu những năm 2000, các ngân hàng trung ương đã bán ròng vàng. Do tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, vàng ít có giá trị hơn và lợi nhuận thấp.
Quan điểm của các ngân hàng trung ương đã thay đổi sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 và khủng hoảng tài chính 2007–2008. Kể từ năm 2010, các ngân hàng trung ương đã mua ròng vàng.
Duy Anh