Giá trị khủng không ngờ của sông Mekong
Nguồn tài nguyên thiên nhiên trên sông Mekong, con sông dài thứ 12 trên thế giới, đã đóng góp không nhỏ cho sự phát triển kinh tế và tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của các nước trong khu vực.
Theo ước tính của các nhà khoa học tại Ủy ban sông Mekong (MRC), riêng ngành thủy sản tại lưu vực hạ nguồn sông Mekong đã mang lại giá trị 17 tỷ USD/năm, đóng góp 3% GDP cho Việt Nam, Campuchia, Lào và Thái Lan.
Hoạt động đánh bắt trên sông Mekong thu về nguồn lợi kinh tế không nhỏ cho các nước trong khu vực. |
Tạp chí The Diplomat cho biết đánh giá của MRC dựa trên tổng sản lượng đánh bắt cá hàng năm trên sông Mekong đạt 4,4 triệu tấn. Con số này khá ấn tượng khi chiếm tới 13% trong tổng giá trị 130 tỷ USD đánh bắt cá trên toàn thế giới được dự báo trong năm 2015.
Tuy nhiên, để duy trì giá trị kinh tế từ sông Mekong, cần phải có biện pháp trì hoãn việc xây dựng các con đập trên dòng chảy chính của con sông. Nếu như dự án xây đập tại Lào vẫn tiếp diễn, cuộc sống của khoảng 60 triệu dân đang sống phụ thuộc vào dòng sông này sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Theo MRC, biến đổi khí hậu toàn cầu và hiện tượng nhiễm mặn từ việc mực nước biển dâng cao là 3 trong số những mối đe dọa đang ảnh hưởng tới sông Mekong.
Báo cáo của MRC nhấn mạnh hoạt động đánh bắt và nuôi trồng thủy sản đang đóng vai trò quan trọng đối với các nền kinh tế nhỏ trong khu vực. Cụ thể, nền kinh tế Campuchia thu được 3 tỷ USD trong năm 2015, chiếm khoảng 18% trong tổng số 16,71 tỷ USD GDP của quốc gia này. Đối với Lào, việc đánh bắt thủy sản được dự đoán sẽ mang về 1,51 tỷ USD, chiếm khoảng 12,8% trong tổng số 11,78 tỷ USD GDP.
Trong khi đó, Việt Nam đang thu về 5,74 tỷ USD từ thủy sản trên sông Mekong, tương đương 3,1% trong tổng số 186,21 tỷ USD GDP. Thái Lan nhận được 6,72 tỷ USD, tương đương 1,8% trong 373,8 tỷ USD GDP nước này.
Đặc biệt, tỷ lệ tăng trưởng của ngành nuôi trồng thủy sản tại lưu vực sông Mekong hiện nhanh gấp 3 lần so với tốc độ tăng trưởng toàn cầu. Theo dự báo, ngành thủy sản trên sông Mekong mang lại nguồn thu 5,8 tỷ USD trong năm 2015, so với mức 4,8 tỷ của năm 2010 và chưa tới 1 tỷ USD trong năm 2003.
Diplomat nhấn mạnh sản lượng nuôi thủy sản toàn cầu được dự báo sẽ vượt qua sản lượng đánh bắt cá truyền thống vào năm 2023. Điều này không chỉ giúp tái định hướng cho ngành công nghiệp thủy sản mà còn cải thiện cuộc sống của hàng triệu người.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin The Diplomat, một tạp chí có trụ sở ở Tokyo, chuyên về chính trị, văn hóa và xã hội tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.