Gia Lai: Tăng cường y tế cơ sở phòng, chống dịch Covid-19
Sáng 23/11, đoàn công tác của Bộ Y tế đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Gia Lai về công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế, tỉnh Gia Lai Nguyễn Đình Tuấn, cho biết hiện tỉnh đã thiết lập cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 theo mô hình tháp 3 tầng và xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, Ban Chỉ đạo tỉnh đã chỉ đạo Sở Y tế thiết lập 2 bệnh viện dã chiến, 10 bệnh viện điều trị Covid-19 và phân thành 3 tầng theo quy định của Bộ Y tế. Bên cạnh đó, ngành Y tế tiến hành rà soát phương tiện, máy móc để cấp cứu, điều trị khi có ca bệnh và có phương án dự trữ cơ số thuốc, dịch truyền, vật tư, hóa chất, bố trí cơ số giường bệnh để sẵn sàng đáp ứng, đảm bảo tốt công tác thu dung điều trị.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch, cái khó nhất của tỉnh Gia Lai hiện nay là về hệ thống y tế cơ sở, nhân lực mỏng, địa bàn rộng, phương tiện thiếu…; nếu có dịch xảy ra trên diện rộng thì y tế cơ sở sẽ bị quá tải. Hiện nay, Gia Lai đang hướng đến thực hiện mô hình "4 tại chỗ" đối với y tế tại địa phương, tại cộng đồng để khi có tình huống ca mắc lớn thì đảm bảo các điều kiện chăm sóc y tế ngay từ cơ sở, tránh quá tải cho hệ điều trị tuyến tỉnh.
Tỉnh mong muốn đoàn công tác hướng dẫn cho tỉnh thiết lập mạng lưới hệ thống y tế cơ sở phù hợp với nguồn nhân lực thực có, hướng dẫn phương pháp, cách làm để giúp y tế cơ sở đảm đương được nhiệm vụ trong công tác phòng-chống dịch.
Đối với công tác điều trị, với hệ thống máy móc, thiết bị, nhân lực như hiện nay, tỉnh Gia Lai quan tâm nhất là điều trị tầng 3 tầng 4.
Vì vậy, đề nghị Bệnh viện Thống Nhất (TP. Hồ Chí Minh) có sự hỗ trợ thêm cho Gia Lai trong thiết lập điều trị tầng này.
Tại cuộc họp, ông Viên Chinh Chiến - Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên-đề xuất: Trong tình hình mới hiện nay, tỉnh Gia Lai cần phải tính tới phương án là cùng một lúc có thể điều trị bao nhiêu F0, nếu chưa quá tải thì chưa nhất thiết điều trị F0 tại nhà, nhất là tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Về công tác xét nghiệm, cần áp dụng mô hình khoanh vùng rộng, phong tỏa hẹp nhất có thể, áp dụng chiến lược xét nghiệm vào các ngày 1, 3, 7 trong các vùng phong tỏa để bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng. Về vấn đề sản xuất trong khu phong tỏa, cần cân nhắc phương án khi các đối tượng đã có xét nghiệm âm tính thì cho phép các đối tượng trong khu vực đó được phép sản xuất với điều kiện không được ra ngoài khu vực phong tỏa và làm đơn lẻ, không tập trung.
Liên quan đến công tác thu dung, điều trị Covid-19, ông Lê Đình Thanh - Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất (TP. Hồ Chí Minh) đã tư vấn, hướng dẫn thêm cho tỉnh Gia Lai trong việc phân tầng điều trị trong tháp 3 tầng, lưu ý về vấn đề oxy, nước dinh dưỡng, vận động, thuốc… trong điều trị cho bệnh nhân Covid-19, nhất là bệnh nhân có bệnh nền. Đồng thời, Bệnh viện Thống Nhất cũng cam kết trong việc hỗ trợ về chuyên môn, cho Gia Lai mượn một số vật tư, máy móc, trang-thiết bị… phục vụ thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19.
Kết luận tại buổi làm việc, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám-chữa bệnh Cao Hưng Thái đánh giá cao công tác chỉ đạo, lãnh đạo của Ban Chỉ đạo tỉnh trong công tác phòng-chống dịch; trong đó chỉ đạo nhanh, kịp thời, đồng bộ, sát thực tế linh hoạt và kiên quyết.
Về công tác điều trị, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám-chữa bệnh đề nghị Gia Lai thiết lập hệ thống bám vào hệ thống y tế đã có, thiết lập phân tầng điều trị, trong đó quan tâm tầng 1 và đặc biệt quan tâm y tế cơ sở, vấn đề quản lý F0 tại nhà, thành lập và đưa vào hoạt động các Trạm Y tế lưu động, tăng cường y tế cơ sở trong phòng-chống dịch.
Trong vấn đề điều trị bệnh nhân Covid-19, tỉnh cần quan tâm đến oxy y tế, có phương án cụ thể để khi cần là triển khai áp dụng ngay. Đối với thuốc điều trị Covid-19, tỉnh Gia Lai lập kế hoạch, Bộ Y tế sẽ rà soát và phân bổ phù hợp cho tỉnh góp phần điều trị hiệu quả, giảm tỷ lệ tử vong.
N. Huyền