Dấu hiệu dậy thì ở bé gái và bé trai, khi nào là dậy thì sớm quá?
Các bác sĩ cho rằng giai đoạn trẻ dậy thì rất dễ "nổi loạn", nếu cha mẹ không kiên trì cùng con thì trẻ khó dậy thì thành công hơn.
Bố bối rối khi con dậy thì
Anh Lê Anh Chung (Long Biên, Hà Nội) chia sẻ rằng hai vợ chồng anh đã ly hôn. Anh Chung nuôi con gái lớn, còn con trai nhỏ theo mẹ. Nuôi con gái với anh là trải nghiệm vô cùng kỳ thú.
Hồi 10 tuổi con gái hỏi bố rằng "tại sao ngực con lại đau?", ông bố nghĩ con đã dậy thì nhưng không biết giải thích thế nào nên lên mạng tìm kiếm cách trả lời cho con.
Đến khi ngực con phát triển thì các dấu hiệu dậy thì khác đều xuất hiện theo. Cô bé "trổ giò" nhanh chóng, từ 1,5 mét tăng lên 1,6 mét trong 1 năm nhưng cô bé chưa thấy kỳ kinh đầu tiên.
Ông bố lo lắng không biết vì sao con lớn vậy mà chưa có kinh nguyệt. Anh nhắn tin hỏi vợ cũ nhưng hai người sống ở 2 thành phố khác, vài ba tháng mới cho các con gặp nhau một lần, nên chị chỉ khuyên anh cho con đi khám. Khi anh Chung đưa con tới Bệnh viện Phụ sản Hà Nội kiểm tra, bác sĩ cho biết bé vẫn phát triển bình thường.
Đến cuối năm lớp 6 cô bé mới tới tháng. Ông bố mừng vì cuối cùng con cũng lớn. Có lần vào nhóm Zalo của lớp, cô giáo nhắn tin cho phụ huynh về việc "con đã đến kỳ" phải trang bị như thế nào, mang thêm quần áo khi đi học.... khiến anh Chung bối rối.
Thế nhưng đến giờ khi con vào lớp 7 ông bố này tự hào có đủ kinh nghiệm để cùng con trải qua gia đoạn dậy thì. Mặc dù, con gái ngại ngùng ít nói nhưng anh luôn dặn con "Đau bụng nhớ bảo ba nhé". Để phòng sẵn, anh thường mua cả túi to băng vệ sinh về để ở phòng con.
Liên quan tới chuyện trẻ dậy thì, vợ chồng anh Đoàn Văn Hưng (Nam Trung Yên, Hà Nội) chia sẻ, hai vợ chồng cảm thấy lo lắng khi con trai lớp 8 vẫn nhỏ thó, giọng nói trong trẻo trong khi các bạn đã "trổ giò" cao lớn, giọng ồm ồm vịt đực.
Vợ chồng anh Hưng không rõ con trai đã dậy thì hay chưa nhưng cũng không dám ép con đi kiểm tra. Nhiều lần anh Hưng thăm dò hỏi con thì cậu bé hồn nhiên bảo "Các bạn đã phát triển hết rồi, chỉ còn mình con".
Ảnh minh họa |
Dấu hiệu dậy thì ở bé trai và bé gái thế nào?
TS.BS Huỳnh Thị Vũ Quỳnh, Phó Trưởng Bộ môn Nhi- ĐH Y dược TP.HCM cho biết, phụ huynh cần biết rõ các dấu hiệu dậy thì của con để theo dõi vì có những trường hợp trẻ dậy thì sớm, và cũng có trường hợp trẻ lại dậy thì muộn.
Trẻ dậy thì là giai đoạn phát triển đặc biệt, có sự thay đổi của các cơ quan sinh dục thứ phát.
Dấu hiệu dậy thì ở bé trai là xuất hiện các hiện tượng như trẻ thay đổi giọng nói, lông mu, lông nách, mụn trứng cá, tinh hoàn phát triển. Những thay đổi khác bao gồm giọng trầm hơn, cơ bắp to lên, dương vật có khả năng cương cứng và mộng tinh.
Những thay đổi trên tiếp tục trong vài năm, quá trình dậy thì hoàn thành sau 3-4 năm với lông mu, tinh hoàn và dương vật đạt kích thước như ở người lớn. Tiếp theo ngực và râu phát triển. Các bé trai đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất thường là khi lên 14 tuổi.
Dấu hiệu dậy thì ở bé gái là trẻ phát triển ngực, có lông mu, có kinh nguyệt. Trong giai đoạn dậy thì, các bé gái thường cao trung bình 7 – 8 cm/năm, và đạt đỉnh điểm khi kỳ kinh đầu tiên xuất hiện. Trẻ thường dừng cao sau khi có kinh khoảng 2 năm.
Theo BS Vũ Quỳnh, khi bé gái phát triển ngực sẽ chưa có kinh nguyệt ngay, thời gian cách nhau khoảng 1 đến 2 năm.
Nếu các dấu hiệu trên xuất hiện lúc dưới 8 tuổi đối với bé gái và dưới 9 tuổi đối với bé trai thì được xem là dậy thì sớm. Việc dậy thì sớm ảnh hưởng tới trẻ rất nhiều vì có thể ảnh hưởng tới tâm lý của trẻ, trẻ tự ti hơn vì thân hình thay đổi. Đặc biệt, trẻ dậy thì sớm thường đóng khung xương sớm nên sẽ thấp lùn hơn các bạn từ 6 đến 10cm khi trưởng thành.
Vì vậy, khi có các dấu hiệu dậy thì trên nhưng ở tuổi sớm quá cha mẹ cần lưu ý cho trẻ đi kiểm tra. Bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm nội tiết và các xét nghiệm khác, đo tuổi xương để đánh giá mức độ dậy thì của trẻ có biện pháp can thiệp phù hợp.
Trong quá trình trẻ dậy thì, sự thay đổi của trẻ không chỉ ở cơ thể mà tâm sinh lý cũng thay đổi. Vậy nên các bậc phụ huynh cần theo dõi thường xuyên. Nếu có các bất thường về sức khỏe như chậm tăng trưởng chiều cao, tới tầm tuổi mà con chưa dậy thì cũng cần can thiệp, tránh trường hợp dậy thì muộn.
K.Chi
Con 5,6 tuổi đã dậy thì, cha mẹ không hề biết thủ phạm trong chính phòng bếp
Thói quen sử dụng đồ nhựa để đựng thực phẩm tiềm ẩn nguy cơ phơi nhiễm BPA (Bisphenol A) gây dậy thì sớm ở trẻ.