Vụ bé gái rơi từ tầng 24 chung cư nhắc lại "chân lý": Đừng bao giờ rời mắt khỏi trẻ!
Theo PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng, gia đình có trẻ nhỏ cần phải quan sát toàn bộ căn nhà, lường trước các nguy cơ có thể gây nguy hiểm cho trẻ bao gồm cả các cửa sổ, ban công và các vật dụng dễ gây thương tích khác.
|
Bé gái rơi từ tầng cao chung cư xuống đất tử vong. |
Chỉ trong vòng chưa đầy 48 tiếng đồng hồ đã xảy ra hai cái chết đau xót của hai bé 4-5 tuổi khiến cộng đồng không khỏi bàng hoàng.
Nếu như vụ việc bé gái 5 tuổi ở TP Bà Rịa bị "yêu râu xanh" hàng xóm xâm hại, sát hại tạo ra một làn sóng phẫn nộ thì vụ bé 4 tuổi ở Hà Nội rơi từ tầng 24 chung cư xuống đất tử vong lại gây hiệu ứng sốc và thương tiếc vô cùng. Các con đều không có lỗi gì cả, chỉ một vài phút lơ là mà gia đình đã mất đi các con mãi mãi.
Vụ việc cháu bé rơi từ tầng cao chung cư xảy ra vào khoảng 20h30 tối 19/4 tại chung cư Xuân Mai Comlex (phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, Hà Nội). Nhà cháu bé ở tầng 24 có hai mẹ con. Thông tin ban đầu, trước phút xảy ra sự việc kinh hoàng, mẹ cháu đang mải làm việc nhà, cháu bé thì ở trong phòng, giường ngủ được kê cạnh cửa sổ.
Mẹ cháu tưởng con nằm ngủ trong phòng, chỉ đến khi loa chung cư thông báo thì người mẹ trẻ mới lao xuống, gào khóc bên thi thể bé nhỏ của con. Nhận định nguyên nhân ban đầu là bé đã chui qua cửa sổ nên rơi xuống.
Hôm nay, trên khắp mạng xã hội, rất nhiều những ông bố, bà mẹ có con nhỏ đã bày tỏ sự thảng thốt, giật mình trước các tình huống lơ là có vẻ như rất thường gặp của bố mẹ với con cái của mình. Bởi vì cuộc sống mưu sinh, thời gian mà bố mẹ dành cho con đã không nhiều như mong đợi. Và việc để con chơi một mình ở trong nhà, ngoài ngõ, thậm chí gửi hàng xóm... cũng không hiếm lần xảy ra.
Chia sẻ nỗi đau với người mẹ có con rơi từ tầng 24, PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng nguyên Trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai cho rằng việc phòng tránh tai nạn thương tích tại nhà cho trẻ cực kỳ quan trọng.
Bởi trên thực tế hiện nay tai nạn thương tích ở trẻ em đang có xu hướng tăng lên và là vấn đề y tế công cộng đáng quan tâm không chỉ ở Việt Nam mà còn ở các nước đang phát triển.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm trên toàn cầu có hơn 900.000 trẻ em và vị thành niên dưới 18 tuổi tử vong do thương tích, trong đó 90% là thương tích không chủ ý. 95% tử vong do thương tích trẻ em xảy ra ở các quốc gia thu nhập thấp và trung bình.
Ngoài những ca tử vong, hàng chục triệu trẻ em đòi hỏi phải được chăm sóc tại các cơ sở y tế và nhiều trẻ bị tàn tật suốt đời.
Tại Việt Nam, thống kê của Cục Quản lý môi trường cho thấy, mỗi năm trung bình có hơn 370.000 trẻ bị tai nạn thương tích. Số trẻ em tử vong do tai nạn thương tích là 6.600 trường hợp một năm chiếm tỷ lệ 35,5% trong tổng số trẻ tử vong trong toàn quốc do tất cả các nguyên nhân.
Cứ 100.000 trẻ có 24 trẻ tử vong do tai nạn thương tích hay tương đương 18 trẻ em tử vong do tai nạn thương tích mỗi ngày. Các em trai có xu hướng bị thương tích thường xuyên hơn và nghiêm trọng hơn so với các em gái. Tỷ lệ tử vong ở nam giới cao hơn 3 lần so với nữ giới.
Ở nhiều nước, chuyên đề này được phổ biến nhiều qua các chương trình phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ ở nhà. “Tại Việt Nam cũng có nhưng chưa đến được với người dân”, PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng lo ngại.
Bằng chứng là dù đã có tuyên truyền nhưng hầu như năm nào cũng có trẻ bị tai nạn tại nhà. Đó là trường hợp trẻ nuốt phải dị vật, trẻ ngã cầu thang, trẻ uống nhầm thuốc, trẻ ngộ độc thuỷ ngân do vỡ nhiệt kế…
Trong đó, ở các thành phố, vấn đề nguy hiểm nhất là việc trẻ rơi từ ban công toà chung cư xuống đất. Dù được nói rất nhiều nhưng năm nào cũng có trẻ rơi từ ban công xuống đất tử vong.
“Người lớn không nên rời mắt khỏi trẻ nhỏ”, PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng nói. Đặc biệt, khi nhà có trẻ nhỏ cần phải quan sát toàn bộ căn nhà, các nguy cơ có thể gây nguy hiểm cho trẻ.
Theo đó, với ban công thì các bậc phụ huynh cần phải quan sát với lan can như thế, trẻ con có thể leo qua được không; hoặc có cái lỗ nào ở bên ngoài có thể khiến trẻ chui qua được không; khi con biết bò hoặc chập chững biết đi, trẻ có thể chui qua được lỗ đấy không... Tốt nhất, bố mẹ cần phải gia cố lan can, lắp lưới chắn ban công khi nhà có trẻ nhỏ.
Trẻ con khác người lớn, chúng vốn hiếu động, ưa khám phá và chưa ý thức được điều nguy hiểm mà chúng làm. Vì thế, cái chết đau đớn của bé gái 4 là một lời cảnh tỉnh các gia đình có con nhỏ. Đừng chần chừ nữa, việc gia cố ban công, lắp lưới chắn là điều cấp thiết.
“Các nhà thiết kế chung cư phải lưu ý thiết kế căn hộ có trẻ con, phải tính đến sự an toàn để trẻ không thể trèo leo, chui qua được. Nhiều người nghĩ rằng ban công cao, người lớn đứng còn không rơi làm sao trẻ trèo qua được, nhưng không phải đâu, trẻ có thể tìm đủ mọi cách để trèo qua”, PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng cảnh báo.
Vụ bé gái 5 tuổi bị "yêu râu xanh" sát hại ở Bà Rịa: "Chúng ta mất cảnh giác với người quen"
Nhiều gia đình rất cảnh giác với người lạ, "soi" thầy cô giáo từng li từng tí nhưng lại bỏ quên mất nguy cơ con thiếu an toàn từ người quen biết.
N. Huyền