Mẹ "đứng hình" trước câu hỏi của con gái về chọn bạn "mây cùng tầng"
"Mẹ ơi, con có nên chọn bạn "mây cùng tầng" không hả mẹ?" - Câu hỏi của con gái lớp 6 khiến người mẹ bối rối.
Hỏi: Tôi là mẹ của 2 cô con gái ngoan ngoãn. Cuộc sống gia đình tôi thường ngày rất đầm ấm và vui vẻ. Tuy nhiên, mấy hôm nay, con gái lớn của tôi, cháu đã học lớp 6, đi học về nhà với dáng vẻ băn khoăn, đôi chút buồn bã.
Tôi tìm cách tâm sự với con thì con chia sẻ rằng, bạn thân của con không muốn chơi với con nữa. Cô bé ấy đã nói thế này: "Nhà tớ giàu có nên chỉ nên chơi với những bạn nào có gia cảnh khá giả. Mẹ tớ bảo mây bay cùng tầng sẽ dễ dàng hơn. Chơi với bạn có gia cảnh khó khăn, dễ có sự khác biệt, xích mích".
Không chỉ có cô con đầu, con gái út vừa hôm qua đi sinh nhật bạn hàng xóm, trái với vẻ hớn hở cầm bức tranh vẽ tặng bạn lúc đi, con trở về nhà với vẻ mặt ỉu xìu. Gặng hỏi mãi con mới nói lý do là không được chia quà lúc về.
Con phụng phịu kể lại, lúc tàn tiệc, mẹ bạn Thảo Vi chỉ đưa quà cho bạn Trang còn con thì không. Rồi mẹ bạn còn nói "cảm ơn Trang đã tặng món quà giá trị" (là con búp bê).
"Thế bức tranh của con vẽ là không giá trị hả mẹ?", cô con gái ngây thơ hỏi tôi.
Nghe thấy vậy, cô chị liền hỏi tiếp: "Mẹ ơi, con có nên chọn bạn "mây cùng tầng" không hả mẹ?"
Tôi lúng túng quá, chưa biết trả lời con thế nào cho phải, rất mong chuyên gia tư vấn giúp. Xin cảm ơn rất nhiều!
Bạn đọc Nguyễn Thanh Thủy, Đống Đa, Hà Nội
Ảnh minh họa (Tác giả: họa sĩ người Ba Lan Pawel Kuczynksi) |
Trả lời:
Chào chị!
Rất đồng cảm và chia sẻ với chị về sự bối rối này. Thời gian gần đây, có nhiều gia đình khá giả, phất lên rất nhanh.
Trường học cũng đã bắt đầu có chút phân hóa. Các trường khối dân lập hoặc quốc tế, phần nhiều là các gia đình khá giả vì tiền học phí rất cao. Do đó, trong giới học sinh cũng như trong xã hội của chúng ta cũng đã xuất hiện rất nhiều các hội nhóm có gia cảnh cùng mức thu nhập.
Điều này ngay từ đầu có vẻ có lý khi quan niệm cổ truyền của chúng ta là “môn đăng hộ đối”. Đúng là trong cùng hoàn cảnh, các thành viên dễ có sự đồng cảm và thấu hiểu lẫn nhau.
Tuy nhiên, thưa chị, Phật tổ đã dạy rằng: Con người không vì xuất thân mà cao quý, chúng ta chỉ vì hành vi mà cao quý. Một người sinh ra, có nguồn gốc nghèo nàn, nhiều khó khăn vất vả tuổi thơ nhưng lớn lên bươn chải, vươn lên, nhiều hiểu biết sâu sắc và hành vi hữu ích, đáng trọng sẽ mang lại nhiều lợi ích cho xã hội và cộng đồng.
Những người xuất thân giàu có nhưng không biết phấn đấu, làm tốt cho cuộc đời mình và mọi người, thậm chí gây hại cho cộng đồng thì không thể coi là cao quý.
Hành vi con người do quan niệm sống, sự hiểu biết, kĩ năng và đặc biệt là nhân cách của họ tạo ra. Một người cả đời làm việc thiện, giúp ích cho đời sẽ luôn là cao quý.
Đánh giá con người thông qua nguồn gốc xuất thân sẽ không chính xác và có thể còn gây tổn thương cho họ và những người xung quanh.
Để các con khi lớn lên có thể hòa nhập và sống tốt trong cộng đồng, nhất thiết các con cần được làm quen và kết bạn với các bạn ở mọi nguồn gốc xuất thân khác nhau. Các góc nhìn từ mọi phía được trao đổi sẽ giúp con không bỡ ngỡ khi ra đời.
Tuy nhiên, chị cũng đừng ngại con cảm thấy tủi thân khi bạn và mẹ bạn có cư xử như vậy. Mỗi câu chuyện con gặp khi đang đi học sẽ là 1 bài học đường đời nho nhỏ để con trưởng thành. Mẹ chỉ cần đồng hành cùng con để tạo ra giá trị riêng cho bản thân.
Khi hành vi con đủ thiện tâm và cao quý, con sẽ có sức hút đặc biệt với mọi bạn bè. Khi đó, các khoảng cách về xuất thân sẽ bị xóa nhòa. Con sẽ trở nên giá trị trong mắt bạn bè và thầy cô.
Chị hãy đồng hành cùng con nhé. Chúc hai mẹ con vui vẻ và tìm được phương thức dễ dàng nhất để giải quyết vấn đề trên.
Thạc sĩ Giáo dục học Đào Thúy Nga
Lâm Tâm Như khoe bát ăn cơm của con gái khiến dư luận khuyên cô xem lại cách nuôi dạy
Nhiều người sau đó đã lên tiếng chê trách Lâm Tâm Như đã nuôi dạy con hào nhoáng quá mức. Cô bé 'Cá heo nhỏ' mới hơn 3 tuổi đã được mẹ cho tiếp xúc với cuộc sống đầy xa hoa.