Gia đình và nhà trường cần đồng hành cùng con trên không gian mạng
Đó là nhận định của ông Nguyễn Tuấn Anh, chuyên gia bảo mật của Viettel Cyber Security. Theo ông Tuấn Anh, các biện pháp kĩ thuật hay vật lý chỉ là công cụ hỗ trợ, chính gia đình và nhà trường mới là những lá chắn tốt nhất bảo vệ trẻ em trên không gian mạng.
Vấn đề được cả xã hội quan tâm
Nhằm tăng cường bảo vệ, hỗ trợ trẻ tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường Internet và mạng xã hội, tháng 6/2021 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 830/QĐ-TTg về đảm bảo an toàn cho trẻ em trên không gian mạng. Trong quyết định này có yêu cầu, 100% các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và các cơ sở bảo vệ, nuôi dưỡng trẻ em định kỳ tổ chức chương trình tuyên truyền, giáo dục kiến thức, kỹ năng cần thiết cho trẻ em để tham gia môi trường mạng an toàn.
Đánh giá về động thái này, bà Đinh Thị Như Hoa, Trưởng phòng Kiểm định, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho rằng, hiện nay chúng ta đã có nhiều công nghệ bảo vệ trẻ em trên không gian mạng. Điển hình như hoạt động của Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111, mạng lưới ứng cứu, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng với đường dây nóng là 0963.563.571 đã và đang phát huy nhiều tác dụng tích cực.
Bên cạnh đó, một số tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng của Việt Nam (Viettel, VNPT, FPT) và các doanh nghiệp quốc tế (Microsoft, Facebook, TikTok...) đã có những giải pháp kỹ thuật để tăng cường bảo vệ trẻ em cũng như tham gia vào mạng lưới ứng cứu, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Tuy nhiên, giải pháp quan trọng nhất là tăng cường vai trò của gia đình và trường học trong việc huấn luyện, giám sát, hướng dẫn trẻ em sử dụng mạng an toàn; biết cách sử dụng các tiện ích, ứng dụng cũng như nhận biết những thông tin, video clip độc hại, không phù hợp.
“Hơn ai hết, cha mẹ chính là những người “gác cổng”, “lá chắn” cho trẻ nên cần chủ động tìm hiểu, áp dụng các giải pháp về công nghệ để kiểm soát thông tin cá nhân của trẻ, giúp con em tương tác lành mạnh trên môi trường mạng”, bà Hoa kết luận. Thực tế, hiện có hơn 30% trẻ được khảo sát cảm thấy khi người lớn trong gia đình biết mình đang sử dụng Internet chúng cảm thấy không thoải mái, nên nhiều em khi gặp vấn đề rắc rối trên môi trường mạng, thì các em lựa chọn cách tự giải quyết.
Vậy, với vấn đề cả xã hội cùng quan tâm này, những người trong cuộc phải làm gì?
Đồng hành cùng con trên không gian mạng
Nói đồng hành thì dễ nhưng thực hiện lại rất khó, nó không khác gì chủ đề giáo dục giới tính cho trẻ nhỏ trước đây – một vấn đề mà chính phụ huynh thường xuyên phải e dè khi nói với con cái. Nay với vấn đề đồng hành cùng con trên không gian mạng cũng vậy, khó nhưng vẫn phải làm để bảo vệ các con trước các nguy cơ.
Đánh giá vấn đề này, ông Nguyễn Tuấn Anh, chuyên gia bảo mật của Viettel Cyber Security cho rằng: Sau thời gian chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, số lượng trẻ em ở Việt Nam có thiết bị kết nối Internet (như máy tính, smartphone, iPad…) đã tăng lên hơn 66% (tính đến cuối năm 2021). Có thể thấy, có thiết bị, có mạng và thiếu sự kiểm soát của phụ huynh thì trẻ sẽ dễ mắc vào các gnuy hiểm nào nhiều người đã mường tượng được.
Về bản chất, trẻ em là đối tượng đi đầu trong tiếp nhận những cái mới của thời đại công nghệ số này. Chính vì thế các em cũng có thể dễ gặp những rủi ro đó hơn, hoặc là đối tượng đích mà những kẻ xấu ở trên môi trường mạng có thể nhắm tới. Trong khi đó, những rủi ro trên môi trường mạng rất là đa dạng. Nếu các nguy cơ cũ như: mất thông tin cá nhân, bị lừa đảo trên mạng thông tin sai lệch, rồi các mối quan hệ tương tác trên mạng như là chẳng may kết bạn xấu, bị bắt nạt trên mạng, các em có thể xem các nội dung không phù hợp... được coi là xưa.
Thì nay, trẻ em nhất các trẻ em gái còn có những nguy cơ mới như trẻ tham gia những nhóm chat kín có những thông tin xấu độc, thậm chí là bị quấy rối, hay bị xâm hại môi trường mạng. Đôi khi những mối quan hệ hay sự xích mích trên môi trường mạng cũng có thể dẫn tới là trẻ bị bạo lực hay là bị xâm hại trong môi trường thực nữa. Các vụ đánh nhau rồi tung clip lên mạng của học sinh thời gian qua là minh chứng rõ nét nhất của mặt trái mạng xã hội đối với trẻ em.
“Chính vì những lí do trên, tôi cho rằng nhà trường và gia đình phải đóng vai trò là những người đồng hành cùng trẻ, tôn trọng quyền sử dụng Internet của trẻ và trên cơ sở vì lợi ích tốt nhất của con em chúng ta. Từ đó hỗ trợ trong việc giáo dục chăm sóc và bảo vệ trẻ, chứ không phải là ngăn cấm trẻ, bao bọc trẻ quá sức để trẻ không được tận hưởng lợi ích mà Internet mang lại”, ông Tuấn Anh nhắn nhủ.
Nam Phương