Gia đình Kim Jong-nam không dám lộ diện do lo sợ bị “thủ tiêu”?
Thủ tướng Malaysia Najib Razak đưa ra nhận định trên một ngày sau khi quan hệ ngoại giao giữa Malaysia và Triều Tiên đi xuống trầm trọng sau khi cảnh sát tiến hành điều tra vụ đầu độc của ông Kim Jong-nam vào ngày 13/2. Ông Najib cho biết đất nước ông vẫn có mong muốn đàm phán với Bình Nhưỡng mặc cho tình hình hiện tại.
Một nhân viên đại sứ quán Triều Tiên tại Malaysia xuất hiện ngoài cổng để xin phép cảnh sát Malaysia ra ngoài. Toàn bộ khu vực đã bị phong tỏa sau lệnh cấm đưa ra ngày 7/3. |
“Đây là vấn đề rất nhạy cảm cần phải được thực hiện một cách bí mật”, ông nói, đồng thời tiết lộ rằng chính quyền vẫn đang cố lấy mẫu ADN được gia đình ông Kim cung cấp để chính thức xác nhận danh tính của người đã mất. “Có thể họ sợ không muốn trực tiếp ra mặt”.
Chính quyền Malaysia cho biết, vào ngày 13/2, hai phụ nữ đã hất chất độc thần kinh VX vào mặt người đàn ông được cho là Kim Jong-nam khi ông đang đợi chuyến bay về nhà tại Macau (Trung Quốc). Cuộc điều tra đã khiến Triều Tiên tức giận. Nhiều người cho rằng Bình Nhưỡng đã dàn dựng vụ ám sát này, song họ đã phủ nhận điều này.
Căng thẳng giữa hai nước nóng lên khi Triều Tiên vừa tuyên bố họ sẽ cấm toàn bộ các công dân Malaysia rời khỏi đất nước cho đến khi “một phán quyết công bằng” về vụ việc được đưa ra. Hiện vẫn chưa rõ “phán quyết công bằng” mà Triều Tiên mong muốn sẽ có nội dung như thế nào.
Triều Tiên cho biết các quan chức ngoại giao và công dân Malaysia “được phép sống và làm việc như bình thường” trong thời gian lệnh cấm có hiệu lực. Đáp lại, Malaysia cũng cấm các công dân Triều Tiên rời khỏi nước này.
Phó Thủ tướng Malaysia Ahmad Zahid Hamidi cho biết Malaysia luôn sẵn sàng đàm phán. “Chúng tôi tin rằng họ (Triều Tiên) sẽ hành động một cách kiềm chế”, ông nói. “Chúng tôi tin rằng điều quan trọng nhất vào thời điểm này là đảm bảo quan hệ ngoại giao với họ bởi điều này sẽ ảnh hưởng đến sự an nguy của các công dân của chúng tôi tại Bình Nhưỡng”.
Trước đó, ông Najib đã gọi lệnh cấm của Triều Tiên là “hành động đáng lên án, gần như đang giữ công dân của chúng tôi làm con tin” và vị phạm luật pháp quốc tế.
Các quan chức tại Kuala Lumpur cho biết hiện có tổng cộng 11 công dân Malaysia đang làm việc tại Triều Tiên, trong đó 3 người là nhân viên đại sứ quán, hai người là nhân viên Liên Hợp Quốc và sáu người còn lại là những người thân đi cùng. Khoảng 1.000 người Triều Tiên được cho là đang ở Malaysia, nơi trước khi vụ việc xảy ra đã cho phép công dân Triều Tiên có thể nhập cảnh mà không cần visa.
Malaysia hiện đang tìm kiếm 7 nghi phạm người Triều Tiên có liên quan đến vụ ám sát ông Kim Jong-nam, trong đó bao gồm một quan chức ngoại giao Triều Tiên. Cảnh sát cho biết ba người trong số này đang lẩn trốn tại Đại sứ quán Triều Tiên ở thủ đô Kuala Lumpur.
Cảnh sát trưởng Malaysia Khalid Abu Bakar cho biết Malaysia sẽ không triển khai cảnh sát vào Đại sứ quán Triều Tiên bởi đây là nơi được luật ngoại giao bảo vệ, đồng thời chờ đợi các nghi phạm tự thú. “Chúng tôi sẽ chờ đợi, cho dù phải mất vài năm chúng tôi cũng vẫn sẽ đợi ở bên ngoài. Ai đó sẽ phải tự ra mặt”, ông Khalid nói.
Chân dung ông Kim Jong-nam. |
Malaysia cho biết hai phụ nữ tham gia đầu độc ông "Kim Jong-nam" được một nhóm người Triều Tiên thu nạp. Giám định tử thi cho thấy ông Kim đã tử vong vì chất VX, một loại độc thần kinh và chất cấm có thể khiến nạn nhân co giật và không thể thở được. Triều Tiên được cho là đang sở hữu một số lượng lớn vũ khí hóa học, trong đó có VX.
Hai phụ nữ, một người mang quốc tịch Việt Nam, người còn lại là người Indonesia đã nhanh chóng bị bắt giữ và buộc tội mưu sát. Cả hai đều khẳng định họ bị lừa vào vụ việc và nghĩ rằng đó chỉ là một trò chơi khăm vô hại.
Việc lưu giữ thi thể của ông Kim đã trở thành chủ đề gây tranh cãi giữa quan chức hai nước. Malaysia cho biết họ cần phải tiến hành xét nghiệm ADN để xác minh danh tính của tử thi, nhưng Triều Tiên cho biết họ không có quyền giữ thi thể của một công dân Triều Tiên.
Ông Kim Jong-nam đã sống lưu vong trong nhiều năm qua và được cho là chưa từng gặp ông Kim Jong-un lần nào trong đời.