Gia đình các nạn nhân một vụ xả súng kiện Facebook, Twitter và Google
Các thành viên trong gia đình của 3 nạn nhân trong vụ tấn công khủng bố vào năm 2015 tại Sở Y tế San Bernardino, Calif, tuần này đã đệ đơn kiện chống lại Twitter, Facebook và Google, cáo buộc 3 công ty này "cố ý và thiếu thận trọng khi cung cấp cho nhóm khủng bố IS các tài khoản" để truyền bá chủ nghĩa cực đoan.
![]() |
FBI thu thập chứng cứ về vụ xả súng tại San Bernardino tháng 12/2015 (Nguồn: Getty Images) |
Trong đơn khiếu nại, các gia đình nói với tòa án liên bang rằng 3 mạng xã hội đã không quản lý được các hồ sơ người dùng và không có những hành động chống lại các tài khoản cực đoan giúp IS "gây quỹ, tuyển dụng và tiến hành các hoạt động khủng bố", bao gồm vụ tấn công làm 14 người thiệt mạng cách đây hơn 1 năm.
"Sự hỗ trợ vật chất đã góp phần hỗ trợ IS trỗi dậy và cho phép tổ chức này thực hiện hoặc là nguyên nhân của nhiều cuộc tấn công khủng bố, kể cả cuộc tấn công ở San Bernadino vào ngày 2/12/2015", các gia đình này cáo buộc.
Ví dụ, liên quan đến Twitter, các gia đình nạn nhân chỉ ra rằng trong những năm gần đây, Twitter ngập các tài khoản liên quan đến IS. Về Facebook, họ cho rằng những kẻ xả súng tại San Bernardino, bao gồm cả Tashfeen Malik, đã từng tuyên bố sự trung thành của chúng với IS trong một bài đăng trên Facebook trước đây. Đối với Google, những người làm đơn kiện cho rằng nền tảng này chủ yếu hỗ trợ IS thông qua các quảng cáo chạy trước các video trên YouTube.
Người phát ngôn cho cả ba công ty đã không đưa ra bình luận đối với vấn đề này.
Cuộc tấn công vào tháng 12/2015 đã làm dấy lên một cuộc tranh luận khốc liệt về vai trò của ngành công nghệ cao trong việc bảo vệ an ninh quốc gia. Trong những tháng sau cuộc tấn công, Tổng thống Barack Obama và những quan chức khác ở Washington đã yêu cầu Thung lũng Silicon đóng vai trò quan trọng hơn trong việc kiểm soát các mối đe dọa tiềm ẩn trên những nền tảng của họ về. Mặc dù các công ty đã có nhiều tiến bộ nhưng chống lại các tổ chức cực đoan vẫn là một thách thức lớn. Cụ thể, Google đã phải đối mặt với việc tẩy chay của nhiều thương hiệu khi quảng cáo của họ xuất hiện trên các video có nội dung cực đoan.
Những quan chức khác trong chính phủ muốn các công ty công nghệ giúp việc thực thi pháp luật dễ dàng hơn và cho phép chính phủ truy cập các dịch vụ và thiết bị của mình. Quan điểm đó đã dẫn đến cuộc tranh cãi khác giữa FBI và Apple, khi các nhà điều tra tìm cách ép buộc công ty này phá khóa một chiếc iPhone được bảo vệ bằng mật khẩu có liên quan tới vụ tấn công này. Cuối cùng, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã bẻ khóa thành công thiết bị.
Gia đình nạn nhân của các cuộc tấn công tương tự khác cũng đã nhắm tới ngành công nghệ cao. Người thân của một người phụ nữ bị giết trong cuộc tấn công năm 2015 tại Paris từng đâm đơn kiện Facebook, Google và Twitter vào năm ngoái, và trích dẫn thực tế rằng các công ty này thu được lợi nhuận từ quảng cáo trên những video cực đoan. Một số gia đình đã kiện cả ba công ty này vào tháng 3 sau vụ tấn công làm nhiều người thiệt mạng vào tháng 6/2016 tại hộp đêm Pulse ở Orlando, bang Florida.