Bao nhiêu cổ phiếu 'họ' FLC bị đình chỉ giao dịch, huỷ niêm yết, giá hiện nay ra sao?
Cổ phiếu FLC bị HoSE đưa vào diện đình chỉ giao dịch kể từ ngày 9/9/2022 do vi phạm các quy định về công bố thông tin. Trước khi bị đình chỉ giao dịch, FLC đã trải qua một thời gian dài giảm giá sau khi loạt lãnh đạo tập đoàn này bị bắt giam để điều tra hành vi thao túng giá chứng khoán. Do đó, giá cổ phiếu FLC tại ngày 9/9 chỉ còn 3.570 đồng/cp, giảm đến 80% so với đầu năm 2022. FLC từng lập đỉnh giá 22.550 đồng/cp vào ngày 7/1/2022, mức cao nhất trong hơn 10 năm kể từ ngày niêm yết. So với mức đỉnh về giá, thị giá của cổ phiếu này đã mất tới 84%.
Cho đến nay FLC vẫn chưa thể công bố báo cáo tài chính soát xét năm 2021 dù đã liên tục thay đổi đơn vị kiểm toán. Do chưa có báo cáo tài chính nên Tập đoàn này vẫn chưa thể tiến hành đại hội đồng cổ đông thường niên theo quy định.
Không những thế, một loạt cổ phiếu thuộc hệ sinh thái FLC cũng đang trong tình trạng bị đưa vào diện kiểm soát, cảnh báo, đình chỉ giao dịch, thậm chí huỷ niêm yết. Các mã này gồm: ROS của CTCP Xây dựng FLC Faros (bị đình chỉ giao dịch từ 12/8); HAI của CTCP Nông dược H.A.I (bị đình chỉ giao dịch từ 9/9).
Cổ phiếu AMD của CTCP Đầu tư và Khoáng sản FLC Stone bị đưa vào diện cảnh báo từ 21/9 do chậm nộp báo cáo tài chính soát xét bán niên quá thời hạn quy định.
Các mã cổ phiếu: KLF của CTCP Đầu tư Thương mại và Xuất nhập khẩu CFS, ART của CTCP Chứng khoán BOS, GAB của CTCP Đầu tư Khai khoáng và Quản lý tài sản FLC hiện đang bị HOSE đưa vào diện kiểm soát do chậm nộp báo cáo tài chính bán niên 2022 đã soát xét quá 30 ngày so với quy định.
Phía các doanh nghiệp nói trên đều giải trình rằng đã liên hệ nhiều công ty kiểm toán nhưng đều bị từ chối vì lý do liên quan đến ông Trịnh Văn Quyết - đã bị bắt giam để điều tra về hành vi thao túng chứng khoán, vừa bị khởi tố bổ sung tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhà đầu tư chứng khoán.
Cho đến nay, các mã cổ phiếu thuộc “họ” FLC đều đang ở mức giá “trà đá vỉa hè”. Cụ thể, giá hai cổ phiếu đã bị đình chỉ là ROS và HAI trước khi bị đình chỉ giao dịch chỉ còn lần lượt 2.510 đồng/cp và 1.580 đồng/cp, cùng giảm 84% so với đầu năm.
Cổ phiếu AMD đang trong diện cảnh báo cũng chỉ còn 1.800 đồng/cp, giá AMD hiện giảm 82% so với đỉnh giá hồi đầu năm. Giá cổ phiếu KLF chỉ còn 1.600 đồng/cp, giảm 84,76% kể từ đầu năm; ART có “khá” hơn một chút khi đang được giao dịch tại mức giá 2.600 đồng, giảm 85% kể từ đầu năm.
Trong khi đó, cổ phiếu GAB đang trong diện bị kiểm soát vẫn giữ giá 196.400 đồng/cp. Lý do là bởi GAB không ghi nhận bất kỳ giao dịch chuyển nhượng nào kể từ ngày 25/3 đến nay. Ngay cả trước đó, thanh khoản của cổ phiếu này cũng chỉ ở mức 200-300 cổ phiếu mỗi phiên.
Tại GAB, ông Trịnh Văn Quyết đang là cổ đông lớn nhất khi nắm giữ 51,09% cổ phần, tương ứng 7,61 triệu cổ phiếu. Ngoài ra, ông Quyết hiện đang là cổ đông nắm giữ 30,34% cổ phần tại FLC, 4,18% cổ phần tại ROS, và 3,26% lượng cổ phần tại ART. Tổng giá trị 4 mã cổ phiếu do cựu Chủ tịch FLC đang nắm giữ tính đến thời điểm hiện tại là 2.300 tỷ đồng.
Hiền Anh