Gần 90 người chết và nhập viện vì uống phải rượu nhiễm độc
Gần 90 người đã tử vong hoặc nhập viện sau khi uống phải rượu nhiễm độc ở bang Gujarat của Ấn Độ.
Ít nhất 36 người đã tử vong và khoảng 50 người khác phải nhập viện sau khi uống phải rượu nhiễm độc ở miền tây Ấn Độ.
CNN đưa tin, toàn bộ nạn nhân đã uống loại rượu moonshine tại hai quận là Botad và Ahmedabad ở bang Gujarat của Ấn Độ. Đáng nói, việc sản xuất, bán và sử dụng rượu moonshine được quy định là trái phép ở quận Botad và Ahmedabad.
Gần 90 người ở bang bang Gujarat của Ấn Độ bị chết và nhập viện vì uống phải rượu nhiễm độc. (Ảnh: AP) |
Trên thực tế, moonshine là một loại rượu có nồng độ ethanol rất cao và được sản xuất nghiệp dư. Do đó, nó không có bất kỳ hạn chế và định mức sản xuất nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cho sức khỏe.
“Khoảng 10 người đã bị bắt giữ và khoảng 475 lít rượu đã bị tịch thu”, ông Ashish Bhatia, người đứng đầu cảnh sát bang Gujarat chia sẻ.
Ông Bhatia cho biết thêm, một trong những nghi phạm bị bắt giữ đã ăn trộm cồn công nghiệp methanol từ một nhà máy ở bang Gujarat và bán cho người họ hàng. Người này sau đó tiếp tục bán methanol cho những người khác để họ pha loãng với nước và bán thành rượu cho khách hàng. Trong khi đó, methanol có thể khiến người dùng bị ngộ độc thậm chí chỉ với một hàm lượng nhỏ.
Những ca tử vong do uống rượu sản xuất chui hay rượu giả không phải là chuyện hiếm ở Ấn Độ.
Số liệu của Ngân hàng Thế giới cho thấy ngoài Gujarat và một số bang khác ở Ấn Độ quyết định hình sự hóa hoạt động bán và sử dụng rượu, các khu vực khác trên toàn lãnh thổ của quốc gia 1,3 tỷ dân đều xem việc bán và sử dụng rượu vẫn là hợp pháp. Đáng nói, Ấn Độ có 22,5% dân sống sống dưới mức nghèo đói.
Ngay cả ở những bang cho phép người dân uống rượu, tình trạng buôn bán và sử dụng rượu giả vẫn tràn lan mà nhất là ở những vùng quê nghèo khó.
Tại Ấn Độ, rượu moonshine được ủ nấu ở những ngôi làng trước khi được tuồn lậu vào các thành phố và được bán với giá khoảng 10 cent/cốc, chỉ bằng 1/3 so với giá bán rượu được nấu đúng quy trình.
Theo SafeProof, rượu tự nấu có thể dẫn tới nguy cơ chết người, nếu như những loại rượu này được pha thêm cồn tẩy rửa hoặc methanol.
Nếu bị ngộ độc methanol, nạn nhân sẽ có cảm giác nôn, nôn, rối loạn nhịp tim hoặc nhịp thở, theo Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ (CDC).
Methanol đôi khi được sử dụng làm chất chống đông và còn là loại cồn có độc tính cao để tăng nồng độ rượu. Nếu tiêu thụ lượng lớn methanol, người dùng ban đầu có cảm giác giống như say rượu, sau đó xuất hiện các triệu chứng như buồn nôn, nôn, đau bụng, mờ mắt, thở nhanh, lơ mơ, co giật, mê sảng. Nếu bị ngộ độc nặng, bệnh nhân có thể hôn mê và tử vong.
Việc gần 90 người tử vong và nhập viện sau khi uống phải rượu độc ở hai quận Botad và Ahmedabad trong tuần này là thảm kịch mới nhất, trong lúc cuộc chiến chống buôn bán rượu giả vẫn đang diễn ra suốt nhiều năm qua ở Ấn Độ.
Trước đây, vào tháng 2/2019, ít nhất 154 người tử vong và hơn 200 người khác phải nhập viện sau khi phải uống rượu độc ở bang Assam.
Chỉ trước đó một tháng tức tháng 1/2019, 80 người khác cũng đã tử vong ở bang Uttar Pradesh và Uttarakhand, sau khi những người này uống rượu được nấu chui.
Uống nước trên 'sông thiêng' bị ô nhiễm, quan chức Ấn Độ gặp kết đắng
Uống trực tiếp cốc nước lấy từ con "sông thiêng" bị ô nhiễm, quan chức Ấn Độ phải nhập viện sau vài ngày.
Minh Thu (lược dịch)