Facebook thừa nhận thử nghiệm điều khiển cảm xúc người dùng
Nếu trước đây, Facebook đã biết rằng bạn đang hẹn hò hay độc thân, trường học đầu tiên của bạn là gì và thậm chí là thích hay ghét Justin Bieber thì giờ đây, Facebook còn thừa nhận, họ đã khám phá ra cách để khiến bạn hạnh phúc hơn hoặc buồn chán hơn.
Quyền lực trên được thực thi chỉ đơn giản bằng một vài thao tác trên bàn phím từ cơ quan chủ quản của Facebook.
Các nhà hoạt động đã gọi đây là cuộc thử nghiệm “tai tiếng, ma quái và đáng lo ngại” của Facebook (ảnh Reuters) |
Facebook đã công bố chi tiết một cuộc thử nghiệm rộng rãi, bằng cách thay đổi thuật toán hiển thị tin tức trên trang cá nhân (News Feed) của 689.000 người dùng, nó đã tìm ra cách ảnh hưởng tích cực hoặc tiêu cực đến tâm trạng của những người này thông qua một quá trình “lây lan cảm xúc”.
Trong nghiên cứu với các viện sĩ từ Cornell (Mỹ) và Trường Đại học California, Facebook đã lọc các thông tin trên bảng tin của người dùng, theo dõi các comment, video, ảnh và các link được chia sẻ của bạn bè trên bảng tin của họ.
Sau đó, Facebook thử giảm hiển thị các “bài đăng tích cực” trên trang chủ, kết quả là người dùng cũng có rất ít những dòng chia sẻ mang tâm trạng tích cực. Trong một phép thử khác, Facebook giảm hiển thị những bài đăng, chia sẻ tiêu cực và điều ngược lại đã diễn ra: người dùng có xu hướng tình cảm tích cực hơn, ít có biểu hiện chán chường hơn.
Nghiên cứu trên đã kết luận: “Những cảm xúc của bạn bè có thể ảnh hưởng đến chúng ta thông qua mạng xã hội trực tuyến. Theo hiểu biết của chúng tôi, đây là cuộc thử nghiệm quy mô lớn dầu tiên cho thấy sự lây lan của cảm xúc trên mạng xã hội”, những người làm nghiên cứu cho biết.
Các luật sư và những nhà hoạt động mạng internet cùng các chính trị gia đã lên tiếng gay gắt, gọi đây là một cuộc thử nghiệm tai tiếng, ma quái và đáng lo ngại.
Tối ngày 29/6, một nghị sỹ Anh, đã kêu gọi quốc hội tiến hành một cuộc điều tra về việc Facebook và các mạng xã hội khác đã can thiệp, tác động lên các phản ứng tâm lý và cảm xúc của người dùng ra sao thông qua việc sửa đổi cách hiển thị thông tin đến người dùng của họ.
Jim Sheridan, một thành viên của Hội đồng Văn hóa, Thể thao và Truyền thông Anh cũng cho rằng đây là một cuộc thử nghiệm vi phạm về nhiều mặt.
“Đây là một công cụ cực kỳ mạnh mẽ và nếu vẫn chưa có đủ quy định luật pháp để quản lý nó, cần phải có các hành động để bảo vệ người dùng”, ông nói.
“Họ đang thao tác thử nghiệm trên các tài liệu từ chính cuộc sống cá nhân của người dân và tôi lo ngại đến khả năng rằng Facebook và các mạng xã hội khác sẽ dùng khả năng của mình để ảnh hưởng đến suy nghĩ của người dân về chính trị và cả các lĩnh vực khác.
Nếu người dân có nguy cơ bị điều khiển về suy nghĩ theo cách này, chúng ta cần phải bảo vệ họ, hoặc ít nhất để người dân được biết về những nguy cơ đó”, ông Sheridan nói.
Hàng trăm nghìn người dùng đã trở thành đối tượng nghiên cứu bất đắc dĩ của Facebook (ảnh: Getty Images ) |
Người phát ngôn của Facebook cho biết, kết quả của công trình nghiên cứu đã được công bố trong tháng 6 trên Kỷ yếu của Việt Hàn lâm Khoa học Mỹ. Đồng thời, đại diện này cho rằng nghiên cứu được thực hiện chỉ nhằm “cải tiến dịch vụ và giúp cho những nội dung được hiển thị trên bảng tin của người dùng một cách hợp lý, có liên quan và gắn kết nhất”.
Nhưng những nhà bình luận khác đã lên tiếng, lo ngại rằng phương pháp này có thể được dùng cho những mục đích chính trị, đặc biệt là trong các chiến dịch bầu cử.
Đồng thời, Facebook có thể dùng nó để khuyến khích người dùng ở lại trên trang lâu hơn bằng cách khiến họ hạnh phúc hơn và từ đó kiếm thêm được nhiều doanh thu từ quảng cáo hơn.
Trong một loạt những ý kiến trên Twitter, Clay Johnson, đồng sáng lập viên của Blue State Digital, một hãng truyền thông đã xây dựng và quản lý chiến lược tranh cử trực tuyến cho Tổng thống Mỹ Barack Obama hồi năm 2008, nói rằng đây là một cuộc thử nghiệm đáng sợ của Facebook.
“Liệu CIA có thể kích động một cuộc cách mạng ở Sudan chỉ bằng cách tạo ra các áp lực trên Facebook và khiến cho sự bất mãn ở quốc gia này gia tăng? Liệu rằng điều đó có trái pháp luật? Liệu rằng Mark Zuckerberg có thể làm xoay chuyển cả một cuộc bầu cử bằng cách liên tục hiển thị các nội dung có định hướng nào đó? Thử hỏi chuyện đó có hợp pháp?”, Johnson viết.
Bài đăng trên đồng thời nêu ý kiến rằng, có thể Facebook đã vi phạm các nguyên tắc về luật pháp và đạo đức khi không thông báo đến người dùng về hoạt động thử nghiệm trên, thứ đã được tiến hành từ tận hồi năm 2012.
Trong khi đó, những người thực hiện cuộc thử nghiệm cho biết những can thiệp vào bảng tin trên trang chủ là hoạt động “được quy định rõ trong chính sách sử dụng dữ liệu của Facebook, mọi người dùng đều đã bấm nút “đồng ý” với quy định định khi họ khởi tạo tài khoản Facebook”.
Tuy nhiên, bà Susan Fiske, một học giả của trường Đại học Princeton, người đã biên tập bài báo khoa học của nghiên cứu này cho biết, bà cảm thấy lo ngại.
“Nhà nghiên cứu phải có nghĩa vụ thông báo cho đối tượng nghiên cứu biết rằng họ đang tham gia vào cuộc nghiên cứu này và phải được sự đồng ý của họ, hoặc họ có quyền từ chối, không tham gia vào quá trình ấy mà không phải chịu bất cứ một hình phạt nào”, bà Fiske cho biết.
James Grimelmann, Giáo sư Luật của Đại học Maryland, nói Facebook đã thất bại trong việc đạt được “thông báo chấp thuận” theo định nghĩa của chính sách liên bang Mỹ về bảo vệ con người.
Điều luật này quy định bên tiến hành nghiên cứu phải giải thích mục đích của nghiên cứu và thời gian dự kiến đối với các cá nhân tham gia, mô tả về bất kỳ rủi ro nào có thể xảy đến với đối tượng nghiên cứu và một văn bản xác nhận rằng quá trình trở thành đối tượng nghiên cứu là hoàn toàn tự nguyện.
“Đây là một cuộc nghiên cứu tai tiếng vì nó mang những rắc rối của các hoạt động Facebook vào trong lĩnh vực học thuật chuyên sâu, nơi mà chúng tôi vẫn duy trì những chuẩn mực gìn giữ phẩm giá con người và hướng tới phục vụ những lợi ích chung”, ông Grimmelmann viết trên blog riêng của mình.
Chuyện các hãng internet sử dụng các thuật toán để lựa chọn nội dung hiển thị đến người dùng của mình không phải là mới.
Silverman, tác giả của cuốn “Điều khoản sử dụng dịch vụ: Mạng xã hội, sự giám sát và cái giá của kết nối liên tục” đã nói với tạp chí Wire rằng mạng internet đã trở thành một “bộ sưu tập khổng lồ của thị trường nghiên cứu học thuật. Chúng ta giờ chỉ là những đối tượng nghiên cứu”.
“Thứ đáng lo ngại là Facebook tiến hành cuộc thử nghiệm tâm lý này trên hàng trăm ngàn người dùng của mình mà không thèm xin phép ai. Mối quan tâm lớn nhất của Facebook là sự tham gia của người dùng và doanh thu quảng cáo.
Nếu Facebook nói rằng họ quyết định lọc các bài đăng, chia sẻ tiêu cực để giúp người dùng cảm thấy hành phúc hơn, có rất ít lý do để nghĩ rằng họ sẽ không làm vậy. Và khi Facebook còn có nhiều điều chưa minh bạch, cũng những thuật toán của Facebook còn chưa rõ ràng, người dùng hãy nên thận trọng khi đặt quyền năng và niềm tin vào trong tay họ”, Silverman nói.
Bài viết được lược dịch từ nguồn tin trên trang Theguardian.com, một tờ báo nổi tiếng từng giành giải Pulitzer năm 2013 cho hạng mục Báo chí Điều tra.