F0 không khai báo y tế xã/phường có thể bị phạt đến 10 triệu đồng
Trước tình hình dịch bệnh lây lan nhanh chóng như hiện nay, nhiều người ở Hà Nội cho biết họ chủ động không thông báo với trạm y tế xã, phương nơi cư trú khi bản thân hoặc người nhà là F0 vì rất khó liên lạc và không được hỗ trợ.
Trạm y tế phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội. |
Nguyên nhân được cho là hệ thống y tế cơ sở tại Hà Nội đang quá tải, thậm chí nhiều trạm y tế có nhân viên là F0, dẫn đến thiếu nhân lực để hỗ trợ người dân khi cần thiết.
Hơn nữa, nhiều người dân có tâm lý ngại phải làm các thủ tục phiền hà khi khai báo với y tế phường; ngại phải trực tiếp đến trạm y tế làm thủ tục xét nghiệm có thể dẫn đến lây lan chéo. Những trở ngại này đã khiến cho không ít người dân quên đi trách nhiệm phải thông báo với cơ sở y tế xã/phường về tình trạng dịch bệnh trong gia đình mình.
“Không ai trong chúng tôi báo cho y tế phường, vì điều duy nhất họ có thể làm là dán cái tờ giấy đỏ, chữ vàng, ''dọa'' hàng xóm. Mà chủ động cách ly, bảo vệ những người chưa nhiễm chỉ phụ thuộc vào ý thức trách nhiệm của chúng ta thôi”, ông L.Q.V, một người dân Hà Nội chia sẻ khi nói về việc bản thân ông và người nhà trở thành F0.
Tuy nhiên, theo luật sư Đặng Văn Cường (Văn phòng Luật sư Chính Pháp, đoàn Luật sư TP Hà Nội), việc không khai báo tình trạng dịch bệnh có thể bị xử phạt vi phạm hành chính lên đến 10 triệu đồng.
Luật sư viện dẫn, tại Điều 12 của Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định mức phạt đối với vi phạm quy định về áp dụng biện pháp phòng dịch. Theo đó, phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
Không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế;
Không báo cáo với Ủy ban nhân dân hoặc cơ quan y tế dự phòng trên địa bàn về trường hợp mắc bệnh dịch theo quy định của pháp luật.
Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với cá nhân có hành vi che giấu tình trạng bệnh của mình hoặc của người khác khi mắc bệnh truyền nhiễm đã được công bố là có dịch.
Mức phạt trên cũng được áp dụng cho người vi phạm không thực hiện hoặc từ chối thực hiện biện pháp vệ sinh, diệt trùng, tẩy uế trong vùng có dịch; Không tham gia chống dịch theo quyết định huy động của Ban Chỉ đạo chống dịch; Thu tiền khám và điều trị đối với trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A (như Covid-19).
Bên cạnh đó, Nghị định 117/2020/NĐ-CP cũng quy định trách nhiệm của cơ sở y tế.
Cụ thể, cơ sở y tế không tiếp nhận thông tin F0 để theo dõi, điều trị, tổ chức cách ly y tế có thể bị phạt đến 20.000.000 đồng. Nếu để chết người có thể bị khởi tố hình sự.
Điều 11 Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định Vi phạm quy định về cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế như sau: Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi:
Không tổ chức cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế đối với trường hợp phải thực hiện việc cách ly y tế theo quy định của pháp luật;
Từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
Không lập danh sách và theo dõi sức khỏe của những người tiếp xúc với người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế theo quy định của pháp luật.
Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi:
Không tổ chức cách ly y tế đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A;
Từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A đối tượng kiểm dịch y tế biên giới mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A hoặc khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu;
Cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế tại địa điểm không đủ điều kiện thực hiện cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế theo quy định của pháp luật.
Hiền Anh