EU không dễ vì Ukraine mà ‘bỏ’ được Nga
Theo Viện Nước Nga hiện đại (IMR), một tổ chức chính sách công phi lợi nhuận có trụ sở tại New York, Mỹ, do cuộc xung đột ở miền đông Ukraine, mối quan hệ giữa Liên minh châu Âu (EU) và Nga dường như đã "đóng băng" trở lại. Chính sách của EU, vốn từng tập trung vào việc hợp tác với Nga trong một số lĩnh vực như hiện đại hóa kĩ thuật, kinh tế, đối thoại chính trị và an ninh quốc tế, giờ đã chuyển sang những sắc thái như “kiềm chế”, “đối đầu” và cố “thay đổi” các động thái của điện Kremlin.
![]() |
Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu trong một hội nghị với EU. |
Chỉ 14 tháng trước, EU và Nga đã tổ chức một hội nghị thượng đỉnh ở Brussels. Tại đây, họ đã công bố những tiến bộ trong việc thực hiện các kế hoạch nằm trong khuôn khổ của cái mà họ là “Hợp tác nhằm hiện đại hóa”, một thuật ngữ chỉ mối quan hệ EU - Nga, được sử dụng từ tháng 6/2010.
Tuy nhiên, ngay sau khi Nga sáp nhập Crimea hồi tháng 3/2014, gần như tất cả các cuộc đàm phán và các dự án chung giữa hai bên đã bị hủy. Kể từ đó, EU không đưa ra bất kì chính sách mới toàn diện nào đối với Nga. Thay vào đó họ vẫn đang chờ đợi và xem Nga sẽ hành động thế nào ở Ukraine.
Tuy vậy, nhiều nhà phân tích nhận định rằng, EU - Nga không thể "đóng băng" được lâu do những mối quan hệ “không thể bỏ lẫn nhau” giữa hai bên.
EU luôn phải rất cẩn trọng khi xây dựng chiến lược về Nga bởi mối quan hệ giữa các thành viên trong liên minh này với Nga rất đa dạng và phức tạp. Các nước Baltic, Ba Lan và Mỹ là những nước lo ngại nhất về các hành vi quân sự của Moscow nên ủng hộ mạnh mẽ việc kiềm chế Nga ở Ukraine.
Trong khi đó, các nước thành viên lớn như Đức, Italia, Pháp và Tây Ban Nga có những lợi ích kinh tế quan trọng với Nga nên ủng hộ những chiến lược cẩn trọng và mềm mỏng hơn. Những thành viên nhỏ hơn như Hy Lạp, Hungary, và Síp thì coi Nga là một đồng minh chính trị tiềm năng và là nguồn hỗ trợ tài chính quan trọng, do đó không ủng hộ việc áp đặt những biện pháp trừng phạt mạnh mẽ nhằm vào Moscow.
![]() |
Mối quan hệ EU - Nga sẽ "đóng băng" lâu dài? |
Chính vì vậy mà nền tảng chiến lược hiện nay của EU với Nga vẫn chỉ là các biện pháp trừng phạt kinh tế. Tuy vậy, công cụ này cũng khó có thể tồn tại được lâu do mâu thuẫn nội bộ và do EU không thể xác định được hiệu quả của nó.
Đối với phương Tây, những quyết định của Tổng thống Nga Vladimir Putin thường rất khó đoán. Ông gần như không thèm quan tâm tới những tác động tiêu cực của các biện pháp trừng phạt đối với nền kinh tế Nga.
Trong khi tác dụng của các lệnh trừng phạt vẫn mập mờ, chưa đi đến đâu thì EU đã phải đối phó với những “tác dụng phụ” của chúng. Hiện đang có chia rẽ lớn trong nội bộ EU về các biện pháp trừng phạt Nga. Theo Viện nước Nga hiện đại, điện Kremlin được cho là đang khai thác những bất đồng đó bằng cách tìm cách “lấy lòng” các quốc gia yếu hơn để tăng khả năng EU phải loại bỏ trừng phạt Nga.
Hy Lạp, một thành viên của khu vực đồng tiền chung euro, đang có những động thái “làm thân” với Nga. Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras dự kiến sẽ tới thăm Nga vào ngày 8/4 tới.
![]() |
Tình hình miền Đông Ukraine vẫn còn nhiều bất ổn. |
Hồi tháng Hai vừa qua, Nga đồng ý tái cơ cấu lại khoản vay 2,5 tỷ USD mà nước này đã cung cấp cho Síp từ năm 2011. Đổi lại, Síp sẽ cho phép tàu hải quân Nga được dừng tại các cảng của nước này. Nga cũng cho biết sẽ loại trừ Hy Lạp và Síp ra khỏi lệnh cấm nhập khẩu thực phẩm mà Nga áp dụng đối với châu Âu. Ông Putin cũng vừa có chuyến thăm tới Hungary và kí thỏa thuận về cung cấp năng lượng với Thủ tướng Viktor Orban.
Một lĩnh vực khác mà các nước thành viên EU, Mỹ cũng đang bị chia rẽ là vấn đề viện trợ quân sự cho Ukraine. Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Đức Angela Merkel từ chối cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine, trong khi các nước khác như Anh và Lithuania dường như nóng lòng làm như vậy. Anh đã gửi các nhân viên quân sự tới huấn luyện cho quân đội Ukraine; Lithuania cũng đã gửi một số vũ khí cho quân đội Kiev.
Ngoài ra, EU vẫn phải thừa nhận vai trò lớn của Nga trong việc giải quyết các vấn đề an ninh quốc tế, chẳng hạn như sự bất ổn tại Libya, cuộc nội chiến ở Syria, chương trình hạt nhân của Iran và Triều Tiên.
Một lĩnh vực khác mà EU đang rất cần Nga đó là về năng lượng. EU hiện vẫn phụ thuộc rất lớn vào các nguồn cung cấp năng lượng từ Nga.
Do những mối quan hệ ràng buộc trên nên mặc dù EU và Nga đang có mâu thuẫn về Ukraine nhưng đại đa số người dân ở cả hai bên đều muốn mối quan hệ gắn bó trở lại. Các doanh nghiệp EU nhìn thấy những cơ hội lớn ở Nga, trong khi tầng lớp làm kinh tế ở Nga nhìn thấy EU là một mảnh đất đầy hấp dẫn.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo bài viết từ trang điện tử của Viện Nước Nga hiện đại (IMR), một tổ chức chính sách công phi lợi nhuận có trụ sở tại New York, Mỹ. IMR thường đưa tin, có các bài phân tích về tình hình nước Nga.