'Đường ống nước Sông Đà' phiên bản 2 ở Tây Nguyên: Tỉnh ra tối hậu thư trước khi công an vào điều tra
Trước ngày 30/6 tới đây, nếu dự án cấp nước tưới cho cây cà phê tại thôn Tiến Cường, xã Quảng Tiến (huyện Cư Mgar, Đắk Lắk) không đi vào hoạt động, UBND tỉnh sẽ giao cho cơ quan công an điều tra làm rõ.
Sau khi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Đắk Lắk (chủ đầu tư) đề nghị UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch khắc phục tồn tại, khiếm khuyết của tiểu dự án cấp nước tưới cho cây cà phê tại thôn Tiến Cường, UBND tỉnh đã có văn bản phúc đáp cho rằng không có cơ sở để giải quyết vấn đề này.
Nhiều sai phạm tại dự án cấp nước tưới cho cây cà phê tại thôn Tiến Cường, xã Quảng Tiến (huyện Cư Mgar, Đắk Lắk) đã được cơ quan chức năng chỉ rõ. |
Theo nội dung công văn, UBND tỉnh Đắk Lắk khẳng định đã nhiều lần chỉ đạo Sở NN&PTNT làm việc với đơn vị tư vấn, thẩm định, thiết kế, giám sát, thi công nhằm thống nhất phương án khắc phục, kinh phí khắc phục; tuy nhiên, phía Sở NN&PTNT không tổ chức làm việc; không thiết lập văn bản làm việc với các đơn vị liên quan mà lấy ý kiến bằng văn bản, do đó dẫn đến việc chưa có sự thống nhất.
Ngoài ra, theo UBND tỉnh Đắk Lắk, Sở NN&PTNT chưa có dẫn chiếu về cơ sở pháp lý của việc đề nghị UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch khắc phục tồn tại, khiếm khuyết của tiểu dự án cấp nước tưới cho cây cà phê tại thôn Tiến Cường.
Đường ống nước ở dự án này bị vỡ 13 lần trong 1 năm. |
"Việc chậm thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh tại các văn bản nêu trên nếu làm ảnh hưởng đến tiến độ khắc phục tồn tại, khuyết điểm của dự án thì Sở này phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh và pháp luật về nhiệm vụ được giao", công văn nêu rõ.
Đặc biệt, UBND tỉnh Đắk Lắk yêu cầu dự án phải hoạt động trước ngày 30/6. Nếu quá hạn UBND tỉnh sẽ giao Công an tỉnh chỉ đạo Cơ quan Cảnh sát điều tra để điều tra, xử lý theo đúng trình tự, thủ tục quy định.
Theo tìm hiểu của PV, đây là lần thứ 2 UBND tỉnh ra "tối hậu thư" cho dự án này. Lần đầu vào tháng 5/2022, UBND tỉnh Đắk Lắk cũng đã yêu cầu chủ đầu tư và các đơn vị liên quan khắc phục các tồn tại và sớm đưa công trình đi vào sử dụng trước ngày 30/6.
Như Infonet đã phản ánh, dù được đầu tư số tiền lớn (gần 73 tỷ đồng) từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Châu Á (ADB) và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam, tuy nhiên, Dự án cấp nước cho cây cà phê tại huyện Cư M’Gar (Đắk Lắk) không thể vận hành vì quá nhiều lỗi.
Cụ thể, dù đã hoàn thành xây dựng hơn 1 năm, tiền thi công đã quyết toán cho các nhà thầu gần hết, nhưng đường ống chính bị vỡ đến 13 lần trong thời gian thử áp. Đặc biệt, sự cố này gần như không có khả năng khắc phục; mà nếu khắc phục được thì kinh phí sẽ ''đội'' lên hàng chục tỉ đồng.
Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã vào cuộc. Đến tháng 5/2021, cơ quan này ban hành kết luận khẳng định dự án có nhiều sai phạm, đáng chú ý là năng lực của đơn vị thiết kế công trình.
Ngay sau khi có kết luận của thanh tra Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh Đắk Lắk đã thành lập Đoàn kiểm tra giao cho Sở xây dựng tỉnh chủ trì, qua đó đã xác định được nguyên nhân khiến dự án này không thể đưa vào sử dụng.
Cụ thể, theo kết quả của Đoàn kiểm tra, nguyên nhân chính khiến dự án này không thể đưa vào sử dụng là do đơn vị thiết kế là Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Cenco (trụ sở tại xóm Tràng, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội) đã phạm sai lầm trong tính toán, thiết kế; áp dụng sai tiêu chuẩn, dẫn đến việc tính toán lựa chọn đường ống chịu áp lực thấp, không đảm bảo so với áp lực nước.
Trong quá trình thiết kế, công ty này cũng không tính toán lực nước va, không bố trí thiết bị giảm áp khi có lực nước va, không thiết kế các mố néo tại các vị trí chuyển hướng, không tính toán nội lực trong đường ống...
Ngoài ra, còn phải kể đến việc triển khai thi công không đúng và thiếu một số hạng mục so với hồ sơ thiết kế được duyệt, dẫn đến sản phẩm dự án "lỗi chồng lỗi".
Ngay sau khi có kết luận Đoàn kiểm tra đã kiến nghị xử lý các tổ chức, cá nhân có liên quan đến công trình này.
'Đường ống nước Sông Đà' phiên bản 2 ở Tây Nguyên: 13 lần vỡ ống, 'chuyền bóng' đổ lỗi
Dự án cấp nước cho cây cà phê đã kết thúc hơn 1 năm, tiền quyết toán cho các nhà thầu gần hết nhưng đường ống chính bị vỡ đến 13 lần trong thời gian thử áp, không thể sử dụng, nếu khắc phục cần hàng chục tỉ đồng.
Sông Cài