“Đừng tin là Trung Quốc trỗi dậy”
Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới, đã từ vị trí “công xưởng của thế giới” thành thị trường thế giới. Đây là những sự thăng tiến không thể phủ nhận và đó cũng chính là lý do để nhiều người tin rằng “Trung Quốc đã trỗi dậy”. Tuy nhiên, phía sau sự trỗi dậy này là những khoảng tối, những hậu quả tiềm ẩn nguy hiểm chết người có khả năng phá vỡ mọi nỗ lực suốt nhiều thập kỷ qua của đất nước đông dân nhất thế giới này. Những khoảng tối ấy cũng phản ánh phần nào sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Sau hơn 3 thập kỷ phát triển kinh tế, Trung Quốc đã “giàu” lên nhưng thực tế là chỉ có một số ít người Trung Quốc trở nên giàu có còn đại bộ phận dân chúng vẫn sống trong cảnh nghèo khó và bế tắc. |
Nhưng theo một tờ báo của Hong Kong, chính sự hài lòng, tự hào và khoe khoang quá sớm của đại đa số người dân và các lãnh đạo Trung Quốc về sự trỗi dậy này đã khiến nước này gặp vô vàn khó khăn “không cần thiết” mà điển hình nhất là một làn sóng nghi kỵ, tẩy chay và đề cao cảnh giác đối với Trung Quốc của rất nhiều quốc gia khác trên thế giới. Mặc dù các nhà lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc luôn khẳng định, “Trung Quốc trỗi dậy hòa bình” và không có ý định tranh bá với thế giới nhưng một phần trong các hành động của họ không đúng với các tuyên bố này đã khiến Trung Quốc rơi vào cảnh kẻ thù tứ phía cùng với chiến lược “bao vây Trung Quốc” mà Mỹ đang âm thầm thực hiện.
Phát biểu trên tờ Thái Dương (Hong Kong) số ra mới đây, ông Lý Triệu Tinh, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc đã cảnh báo: “Đừng có nhắc mãi cụm từ ‘Trung Quốc trỗi dậy’ bởi đó là nguyên nhân chính khiến Trung Quốc bị nghi kỵ và nguyền rủa trên thế giới”. Cũng theo phân tích của vị cựu ngoại trưởng này, Trung Quốc tuy là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới nhưng GDP bình quân đầu người chỉ đạt khoảng 5.400 USD, đứng thứ 94 trên thế giới. “Như thế làm sao mà có thể nói là chúng ta đang trỗi dậy? Đừng tin điều đó nữa mà hãy thực tế hơn”, ông Lý đặt vấn đề.
Trên thực tế, sau hơn 3 thập kỷ mở cửa và phát triển kinh tế, Trung Quốc đã “giàu” lên một cách nhanh chóng nhưng thực tế là chỉ có một số ít người Trung Quốc trở nên giàu có mà thôi còn đại bộ phận dân chúng vẫn sống trong cảnh nghèo khó và bế tắc. Họ muốn đổ ra thành phố để tìm cách thoát nghèo nhưng họ chỉ làm cho tình hình xã hội ở các đô thị tồi tệ hơn còn tình trạng nghèo vẫn hoàn nghèo.
Ông Lý Triệu Tinh dẫn chứng tiếp, người dân Trung Quốc có tuổi thọ bình quân là 74,8, mới chỉ đứng thứ 83 trên thế giới trong khi tỷ lệ học sinh vào đại học ở Trung Quốc là 26,2%, đứng thứ 40 trên thế giới và tồn tại song song với đó là một tỷ lệ người mù chữ cũng không phải là nhỏ.
“Với chất lượng sống như vậy, không thể nói là một Trung Quốc đang trỗi dậy được”, ông Lý Triệu Tinh kết luận.
Luôn miệng nói không tranh bá nhưng Trung Quốc luôn hành xử ngược lại bằng những hành vi ngang ngược và thủ đoạn thâm hiểm nhằm bắt nạt láng giềng. |
Có lẽ các nhà lãnh đạo của Trung Quốc đã bắt đầu cảm nhận được sự nguy hiểm tiềm tàng của tình trạng bị “bao vây tứ bề”, từ các nước láng giềng cho đến các thị trường quan trọng ở xa. Họ không thừa nhận những hành vi ngang ngược và thủ đoạn nhằm trục lợi của mình ở châu Á, châu Phi…mà cho rằng cụm từ “Trung Quốc trỗi dậy” mà quốc tế đang nói ẩn chứa cả sự tấn công không thiện ý. Mỹ đã lấy thuyết “mối đe dọa từ Trung Quốc” để đoàn kết các nước xung quanh. Phát biểu trên tờ Thái Dương, ông Lý Triệu Tinh cho rằng Mỹ đang sử dụng chiêu bài “giả nghèo, giả khổ” và lợi dụng tính tự mãn của người Trung Quốc để đưa ra những lời tán dương, chúc mừng sao rỗng qua đó tìm cách “ru ngủ” Trung Quốc trên những thành công ban đầu.
Theo vị cựu ngoại trưởng này, một Trung Quốc trỗi dậy, ngoài sức mạnh kinh tế còn cần phải nhấn mạnh hơn nữa tới sức mạnh mềm và hội nhập hơn nữa với trào lưu dân chủ trên thế giới. Đó là điều Trung Quốc chưa thể làm được.