Đừng hỏi bác sĩ tuyến cuối bao giờ nghỉ Tết!
Ngày nghỉ các bác sĩ càng phải căng mình hơn. |
Không có lịch nghỉ tết
Bất cứ ai khi hỏi bác sĩ “bao giờ được nghỉ tết” họ chỉ cười. Ngày Tết làm gì có lịch nghỉ Tết? Nhiều khoa trong viện có khi còn làm nhiều hơn.
Thạc sĩ Nguyễn Trung Cấp – Trưởng khoa Cấp cứu hồi sức, Bệnh viện Nhiệt Đới trung ương, tâm sự, hầu như các bác sĩ đã quen ngày Tết phải làm nhiều hơn.
Ở khoa cấp cứu toàn bệnh nhân nặng không thể về nhà ăn Tết. Đến sát Tết, từ ngày 30 đến mùng 1, mùng 2, càng nhiều người nhập viện hơn bởi vì trong những ngày Tết, liên hoan tiệc tùng càng nhiều, khiến các bệnh viêm gan cấp, xơ gan do vi rút, đặc biệt là bệnh liên cầu lợn, bùng phát.
Có những năm, cả khoa có 2 bác sĩ trực chạy 24/24 không kịp vì bệnh nhân nặng, tuyến dưới “ngại ngày Tết” nên chuyển hết lên tuyến trên.
Khi bệnh nhân lên đến đây buộc các bác sĩ phải điều trị. Bản thân người bệnh và người nhà cũng chẳng sung sướng gì khi ngày Tết phải ở lại bệnh viện.
Ngày Tết, khoa mua sẵn đồ để trong tủ lạnh, ai đói tự vào ăn. Có lúc, bệnh nhân đông, quá bữa, bác sĩ trực lôi mì tôm, bánh chưng ra ăn cho nhanh.
Nhiều lúc, khoa đang chuẩn bị đón giao thừa thì khoảng 11h30 có bệnh nhân nặng chuyển vào. Thế là mọi người đều lao đi cấp cứu cho bệnh nhân. Khi quay lại, thời khắc giao thừa đã qua từ khi nào.
Thạc sĩ Cấp tâm sự, bao nhiêu năm làm bác sĩ, anh chỉ thấy thiệt thòi cho con cái vì hai vợ chồng đều làm bác sĩ. Gia đình anh chẳng mấy khi đi chơi có cả bố lẫn mẹ.
Ở nơi này ngày Tết cũng như ngày bình thường. Những em bé sơ sinh vẫn cần chăm sóc 24/24 |
Tại trung tâm chăm sóc và điều trị trẻ sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, đây cũng là nơi mà bác sĩ, điều dưỡng ở đây chẳng thể nghỉ Tết. Đặc thù của khoa là chăm sóc trẻ sơ sinh nhẹ cân.
Dù cận Tết nhưng trong khoa vẫn chỉ là những tiếng tít tít của các loại máy chạy. Theo Bác sĩ Nguyễn Ngọc Lợi – Giám đốc trung tâm - mỗi ngày các bác sĩ, điều dưỡng của khoa chăm sóc cho 200 cháu sơ sinh sinh non, trong đó có những em bé chỉ nặng 600 gram.
Ngày Tết các bác sĩ, điều dưỡng nơi đây cũng phải làm việc hết mình do tuyến dưới chuyển lên. Mỗi ngày Tết, khoa có 3 bác sĩ trực, 8 điều dưỡng phải chăm sóc cho hàng trăm trẻ. Một công việc hết sức vất vả.
Bác sĩ Lợi tâm sự, ở đây không có nghỉ Tết, lúc nào anh em cũng phải động viên nhau làm việc, tránh tâm lý nghỉ ngơi, vì các bé quá nhẹ cân, không được lơ là.
Công tác ngày Tết tăng cương hơn
BSCKII Lê Việt Trung – Trưởng khoa Cấp cứu – Bệnh viện E cho biết: "Quan điểm của bác sĩ là ngày Tết hay ngày thường đều không được từ chối bệnh nhân. Phải phục vụ bệnh nhân với tinh thần cứu chữa hết mình.
Năm nay, nghỉ Tết kéo dài, số lượng bệnh nhân dự báo sẽ tăng hơn năm ngoái (50-60 bệnh nhân) với đủ các mặt bệnh như chấn thương sọ não, tai nạn giao thông, ngộ độc rượu, thực phẩm…"
Bác sĩ túc trực cấp cứu cho bệnh nhân |
Tuy nhiên, do đặc thù khoa Cấp cứu ngày Tết, lực lượng y bác sĩ ít hơn ngày thường, nhưng ai được phân công trực Tết đều phải căng mình phục vụ bệnh nhân.
Bác sĩ Trung chia sẻ, trong những lần tham gia trực tết tại Bệnh viện, chứng kiến và cấp cứu những tai nạn giao thông thương tâm, lần nào anh và các nhân viên y tế ở khoa đều cảm thấy đau đớn và nuối tiếc.
“Điều này không chỉ gây nên nỗi buồn cho gia đình, cộng đồng mà là nỗi đau đớn của người thầy thuốc. Vì thế, vào những ngày Tết, người dân không nên uống quá nhiều, ảnh hưởng tới sức khỏe, khi tham gia giao thông. Không nên uống bia rượu để bảo vệ cho chính mình và người khác” – BSCKII Trung khuyến cáo.
Điều dưỡng Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện E Phạm Hồng Đông không nhớ nổi bao nhiêu năm mình trực Tết trong bệnh viện. Năm nay, điều dưỡng Đông được phân công trực ngày 30 và mồng 4 Tết.
Anh Đông cho biết, với các nhân viên y tế khoa Hồi sức tích cực, những ngày Tết lại là những ngày làm việc vất vả nhất trong năm, bởi vì không chỉ gánh những bệnh nhân của khoa mình mà một số bệnh nhân của Khoa khác đang trong diện theo dõi cũng được chuyển lên khoa Hồi sức tích cực.
“Năm nay, sẽ có khoảng gần 40 bệnh nhân nặng ở lại ăn Tết với chúng tôi. Ở Khoa Hồi sức tích cực, sự sống và cái chết có ranh giới mong manh, bệnh nhân có thể ra đi bất cứ lúc nào. Vì thế, có những hôm trực, điều dưỡng không được nghỉ ngơi, phải đứng bên giường bệnh nhân theo dõi…
20h/ngày, chỉ dám nghỉ 1-2h khi “nhờ” được điều dưỡng khác thay thế. Nhưng chúng tôi đều xác định rõ đã làm ngành y thì phải trực đêm, mà đã là trực hồi sức thì phải xác định công việc như vậy” – Điều dưỡng Đông chia sẻ.
Thầy thuốc ưu tú, tiến sĩ, bác sĩ Trần Quốc Khánh – Trưởng Phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện E cho biết, là bệnh viện thuộc tuyến trung ương, đóng ở địa bàn trọng yếu của thủ đô Hà Nội, Bệnh viện E đã ban hành kế hoạch và lịch trực tết của các điều dưỡng, bác sĩ nhằm chăm sóc điều trị bệnh nhân nặng không thể về nhà, chăm sóc để người bệnh có cái Tết ấm áp ngay tại viện.
Công tác chuyên môn, khám chữa bệnh của nhân viên y tế trong 5 ngày nghỉ Tết cũng được đảm bảo để "...không một bệnh nhân nào bị từ chối điều trị, khám bệnh”.
So với mọi năm, cơ số trực có cả bác sĩ, điều dưỡng được tăng cường gấp từ 3-5 lần cho các khoa trọng điểm như Khoa Cấp cứu ban đầu, Hồi sức tích cực, Sản phụ khoa, Bệnh nhiệt đới (đề phòng khi có ngộ độc tập thể).