Dùng công nghệ để lắng nghe 'tiếng lòng' của cây xanh
Nhờ công nghệ, con người có thể lắng nghe được tiếng của cỏ cây, từ đó giúp ta hiểu hơn và chăm sóc thực vật tốt hơn.
Ngày 22/6, nhà hát Gran Teatre del Liceu ở Barcelona (Tây Ban Nha) tái mở cửa sau đại dịch Covid-19. Ở buổi hòa nhạc đầu tiên, nhóm tứ tấu UceLi Quartet bước lên sân khấu, cúi chào và chơi bản Crisantemi do Giacomo Puccini sáng tác cho gần 3.000 khán giả.
Buổi hòa nhạc đặc biệt khi khán giả là những chậu cây xanh. Ảnh: Lluis Gene.
Nhưng điều đặc biệt ở đây, số khán giả đang “ngồi” trên những chiếc ghế nhung đỏ kia không phải người mà là những chậu cây do chính giám đốc của nhà hát tuyển lựa. Mục đích của việc làm này nhằm tôn vinh các y bác sĩ, những người ở tuyến đầu chống dịch Covid-19, cũng như đảm bảo giãn cách xã hội.
Nhưng không chỉ có thể, buổi hòa nhạc này còn được các nhà khoa học, lập trình viên cùng các nhà soạn nhạc quan tâm nhằm theo đuổi một mục đích lạ thường: tạo ra âm nhạc từ thực vật.
Thu được âm thanh từ thực vật
Công ty âm thanh sinh học DataGarden lần đầu tiên khám phá ra sự giao thoa màu mỡ của âm nhạc và thực vật bằng thiết bị nguyên bản MIDI Sprout. Với sản phẩm sáng tạo, công ty nhanh chóng gây tiếng vang và gọi vốn thành công trên Kickstarter.
Dự án PlantWave của công ty khởi nghiệp DataGarden dùng công nghệ giúp con người lắng nghe được âm thanh phát ra từ thực vật. Ảnh: DataGarden.
Để thu được âm thanh từ cây, họ dùng một thiết bị có kích thước bằng lòng bàn tay với một sợi dây duy nhất phân nhánh thành hai cảm biến giống kiểu ống nghe rồi gắn vào cây. Thiết bị này sẽ được kết nối qua Bluetooth đến điện thoại, giúp người dùng có thể nghe nhạc từ thực vật bằng một ứng dụng đi kèm.
Thiết bị được gắn những cảm biến có đầu dò điện cực, giúp đo biến đổi độ dẫn điện giữa hai điểm đã gắn trên cây. Theo đó, một loạt các phản ứng sinh học diễn ra trong cây sẽ tạo thành tiết tấu bản nhạc. Dễ lắng nghe nhất là là khi nước di chuyển trong cây ở quá trình quang hợp. Các tác nhân khác dù rất nhỏ như ánh sáng, một cái chạm hay thậm chí là sự xuất hiện của sinh vật ở nhánh lá cũng tạo ra tiết tấu cho bản nhạc.
Bằng cách nâng tầm công nghệ có sẵn, startup giúp cây xanh bày tỏ nỗi lòng cho con người được lắng nghe. Ảnh: DataGarden.
Khi cảm biến ghi phản ứng sinh học của cây, chúng sẽ gửi các xung tín hiệu tổng hợp đến bộ định thời. Khi các xung vượt quá giá trị ngưỡng được xác định, thiết bị sẽ tạo ra các nốt MIDI liên tục tùy thuộc vào mức độ dẫn điện và các thông số âm thanh của thiết bị.
Dữ liệu thu được từ cây xanh mở ra tiềm năng rất lớn cho giới nhạc sĩ theo đuổi dòng nhạc điện tử hay các kỹ sư âm thanh thể hiện tính nghệ thuật của mình qua âm nhạc, họ kết hợp những tiếng động tinh vi mà thiết bị thu được để tạo hiệu ứng âm thanh độc đáo hoặc thậm chí cây cối cũng có thể trở thành thành viên của nhóm nhạc.
Kết nối với cuộc sống
Âm nhạc thực vật đánh thức những kết nối và truyền cảm hứng tích cực lan rộng khắp cộng đồng. Thị trấn Damanhur miền Bắc nước Ý đã tạo ra và sản xuất thiết bị riêng cho cộng đồng có tên gọi Music of the Plants, giúp mọi người được gắn kết với nhau và trở nên yêu đời hơn.
Khu phố Damanhur ở Italy thực hiện nhiều nghiên cứu sâu về âm thanh của thực vật, từ đó xây dựng nhiều dự án khoa học kết hợp nghệ thuật, giúp cư dân lắng nghe tiếng cây xanh. Ảnh: Leonello Bertolucci/Getty Images.
Cô Aninga ở thị trấn cho biết mình thích trò chuyện với cây cối cũng như láng giềng xung quanh. Mỗi ngày, cô chào một cây đặt bên ngoài nhà mà cô đã chỉ định làm “cây đứng đầu”, bằng cách như vậy, cô đã gửi lời chào cho tất cả cây trong khu đất. Aninga thường xuyên kết nối thiết bị Music of the Plants cá nhân của mình với cây đứng đầu và lắng nghe.
Ca khúc từ cây xanh của Plant Dub gây tiếng vang lớn vì trích xuất được thanh âm của thực vật và tạo ra bản nhạc hoàn chỉnh.
Tương tự, nghệ sĩ piano người Nhật Chiyo Kaigi mang cây vào sân khấu mỗi buổi biểu diễn và dàn nhạc Master Plants cũng có thiết bị này. Đó đều là những minh chứng ấn tượng cho cộng đồng âm nhạc thực vật. Lĩnh vực này không chỉ là các nghiên cứu khoa học với số liệu thô, mà đó còn là một môn nghệ thuật, giúp con người hiểu về cây và hiểu về nhau hơn.
Cỏ cây không còn “ven đường”
Thay vì đánh dấu một bước đột phá khoa học, PlantWave đem lại một giá trị nghệ thuật khi người dùng có thể tham gia vào cuộc chuyện trò sâu sắc hơn với thế giới tự nhiên.
Richard Cahoon, Phó Giáo sư chuyên ngành Sinh học thực vật tại Đại học Cornell, nói rằng việc nhận được những bước sóng và tín hiệu từ thực vật chẳng còn xa lạ gì, cái đáng nói đó là chính những tiết tấu âm nhạc thu được từ chính các loài cây vô tri vô giác.
Nhà soạn nhạc huyền thoại Bob Ezrin những năm gần đây chọn cây xanh làm chất liệu chính cho tác phẩm của mình. Ảnh: Consequence of Sound.
Bob Ezrin, nhà sản xuất âm nhạc cho nhiều ca sĩ nổi tiếng cũng rất thích thú với hai thái cực khoa học và thiên nhiên trong dữ liệu âm thanh thực vật MIDI Sprout. Khi được đặt hàng soạn những bài nhạc dùng âm thanh thực vật cho một buổi khai trương phòng tranh, ông quyết định không dùng ứng dụng có sẵn mà muốn tự nghiên cứu để nghe được những âm thanh “trần trụi” nhất từ thực vật.
Kết quả thu được, những âm thanh mà Ezrin nghe được thể hiện những khía cạnh rất “con người” và rất âm nhạc từ cây xanh. Ông tin rằng giá trị của thiết bị này không chỉ nằm ở sự đổi mới âm nhạc mà còn ở khả năng đánh thức sự hiểu biết sâu sắc bên trong mỗi chúng ta.
Thay vì công bố công trình khoa học, nhiều nhà nghiên cứu chọn công khai dự án để cộng đồng được tiếp cận, từ đó giúp xu hướng lắng nghe thiên nhiên được phát triển. Ảnh: Flavio Coelho/Getty Images.
Thực vật không chỉ đơn thuần là thứ đồ trang trí nữa. Đây là những sinh vật sống và chúng phản ứng lại với con người, chúng ta rõ ràng cũng đã phần nào hiểu được những phản ứng đó. Các nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao này nhằm giúp môi trường được bảo vệ tốt hơn qua việc con người thấu hiểu được thực vật.
Tuệ Huy/Khám phá