Đức tuyên bố không ngăn Ba Lan chuyển xe tăng Leopard cho Ukraine
"Họ chưa đưa ra đề nghị. Chúng tôi sẽ không cản trở nếu họ đưa ra đề nghị", Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock ngày 22/1 nói trong cuộc phỏng vấn với kênh LCI của Pháp.
Khi được hỏi liệu điều này có đồng nghĩa Đức không ngăn Ba Lan chuyển xe tăng chủ lực Leopard 2 cho Ukraine hay không, bà Baerbock nói "các bạn đã hiểu đúng vấn đề".
"Chúng tôi có các quy tắc gọi là kiểm soát người dùng cuối", bà Baerbock giải thích lý do Đức không vội vàng trong quyết định chuyển xe tăng chủ lực tới nơi xảy ra chiến sự.
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius cùng ngày hy vọng sớm có quyết định về chuyển xe tăng Leopard 2 cho Ukraine. Ông Pistorius nói Đức không vội vã ra quyết định trên do chính phủ nước này cần xem xét nhiều yếu tố, trong đó có hệ quả đối với an ninh của người dân Đức.
Áp lực đang gia tăng với Đức trong cung cấp xe tăng Leopard 2 cho Ukraine, loại khí tài mà nước này cho rằng là chìa khóa trong xung đột với Nga. Leopard 2 được coi là đặc biệt phù hợp với Ukraine do chúng được sử dụng rộng rãi, đồng nghĩa một số quốc gia có thể rút một số xe tăng trong biên chế để hỗ trợ Ukraine.
Trong khi đó, Nga tiếp tục nhấn mạnh bất cứ vũ khí nào phương Tây chuyển cho Ukraine sẽ chỉ kéo dài cuộc xung đột và dẫn tới đổ máu không cần thiết. Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cảnh báo "xe tăng Đức sẽ cháy rụi trên chiến trường Ukraine như những phần còn lại của vũ khí phương Tây".
Leopard 2 là xe tăng chiến đấu thế hệ ba được phát triển từ những năm 1970 cho quân đội Tây Đức, đưa vào biên chế năm 1979. Pháo chính nòng trơn 120 mm của Lepoard 2 có hệ thống ổn định, có thể khai hỏa khi xe tăng di chuyển trên địa hình gồ ghề.
Đức chế tạo hơn 3.600 xe tăng Leopard 2, hàng loạt biến thể có trong biên chế trong quân đội Đức và 13 nước châu Âu, cũng như nhiều quốc gia ở ngoài khu vực. Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), có trụ sở tại Anh, ước tính số lượng xe Leopard 2 ở châu Âu hiện nay là khoảng hơn 2.000 chiếc.