Đức "quay lưng" với NATO ủng hộ Nga về vấn đề Ukraine
Ảnh mang tính chất minh họa |
Ngày 12/10, Đại hội đồng nghị viện (PA) NATO nhóm họp tại thành phố Stavanger của Na Uy đã thông qua nghị quyết về tình hình Ukraine với việc lên án “hành động can thiệp quân sự” của Nga. Tuy nhiên, việc nội bộ NATO cũng bị chia rẽ sâu sắc khi Đức bất ngờ “trở mặt” khi có những động thái ủng hộ Nga.
Khi Đức lên tiếng phản đối nghị quyết chống Nga
Trên trang Facebook cá nhân của mình, Mustafa Hire- thành viên đoàn đại biểu Ukraine tham dự phiên họp trên viết: “Đây là lần đầu tiên tôi tham dự phiên họp của PA NATO với tư cách là thành viên đoàn Ukraine. Tôi đã bị sốc khi chứng kiến những bất đồng trong quan điểm của các đối tác. Rõ ràng, PA NATO đã chứng kiến cuộc xung đột trong quan điểm với đoàn đại biểu của Đức”.
Theo Hire, bản dự thảo nghị quyết của PA NATO là hoàn toàn có thể chấp nhận được khi PA NATO công nhận sự kiện “Nga xâm lược Ukraine và ủng hộ các lực lượng ly khai ở miền Đông Ukraine”. Từ đó PA NATO kêu gọi chính phủ và quốc hội các nước thành viên ủng hộ Ukraine trong cuộc đấu tranh giành độc lập, toàn vẹn lãnh thổ bằng cách “tiếp tục cấm vận đối với Nga và cung cấp cho Ukraine các hỗ trợ cần thiết về mặt ngoại giao, chính trị, tài chính, kinh tế và các hỗ trợ vật chất-kỹ thuật khác”.
Tuy nhiên, trong quá trình thảo luận dự thảo nghị quyết, đã có 14 sửa đổi đối với dự thảo được đưa ra và 7 trong số đó là của Karl Lamers, thành viên đảng cầm quyền Đức (đảng Dân chủ thiên chúa giáo- CDU, của Thủ tướng A.Merkel). Trong 7 sửa đổi trên của Karl Lamers, theo Hire, có ít nhất 5 sửa đổi mang tính “ly khai”, còn 2 sửa đổi mang tính “công khai chống lại Ukraine và ủng hộ Nga”.
Cụ thể, Karl Lamers đã đề nghị bỏ điều khoản kêu gọi gây áp lực lên Nga “cho đến khi Moscow thực hiện tất cả các cam kết theo Thỏa thuận Minsk và ngừng chiếm đóng lãnh thổ Ukraine, trong đó có Crimea”. Thay vào đó là đề xuất “gây áp lực lên cả hai phía cho đến khi Minsk được thực hiện”.
Ngoài ra, Karl Lamers cũng đề nghị bỏ các từ “lực lượng ly khai thân Nga” khỏi nghị quyết, thay vào đó là “lời kêu gọi tất cả các bên tuân thủ Minsk và hình thức bầu cử ở Donetsk và Lugansk”.
“Tất cả các bên ư? Vấn đề là tất cả các bên nào khi mà Ukraine đã có những nhượng bộ trước nay chưa từng có?”- Hire bực tức.
Một vấn đề nữa khiến Hire không hài lòng là trong đoạn: “Nga và các lực lượng ly khai phải loại bỏ tất cả các hạn chế đối với sứ mệnh kiểm soát đặc biệt của OSCE (Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu) trên tất cả các khu vực lãnh thổ của Ukraine, trong đó có khu vực dọc biên giới với Nga”, ông Karl Lamers đã đề nghị thay thế cụm từ “Nga và các lực lượng ly khai” thành cụm từ “tất cả các bên”.
Theo ông Hire, những đề xuất của ông Karl là bất thường vì “Karl Lamers không phải chỉ là nghị sỹ đơn thuần của Quốc hội Đức mà ông ta còn là Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Quốc hội Đức, người đứng đầu đoàn đại biểu Đức đến tham dự PA NATO và hơn nữa còn là cộng sự của Thủ tướng A.Merkel trong CDU”.
Cuối cùng, do vấp phải sự phản đối của Mỹ, Pháp, Ba Lan và Ukraine, những đề xuất sửa đổi của ông Karl Lamers không được thông qua khi bản nghị quyết vẫn “giữ nguyên các yêu cầu siết chặt các lệnh cấm vận chống Nga “nếu như Nga không tuân thủ hiệp định ngừng bắn ở miền Đông Ukraine. Các lệnh cấm vận sẽ vẫn được giữ nguyên nếu như Thỏa thuận Minsk không được thực hiện đầy đủ”.
Một phiên họp của PA NATO |
Đáng chú ý, nghị quyết của PA NATO chỉ mang tính chất khuyến nghị mà không có tính chất buộc phải thực hiện.
Theo những số liệu do hãng thông tấn “Russia Today” công bố, những biện pháp cấm vận đáp trả của Nga đã khiến EU chịu tổn thất khoảng 8.650.000.000 Euro, trong đó thiệt hại đối với Đức là 2.566.000.000 Euro.
Đức đang “trở mặt” với NATO
Theo Giám đốc “Quỹ Chính trị” Ukraine K.Bondarenko, Đức (và cả Pháp) trong thời gian gần đây liên tục gây áp lực lên Tổng thống Ukraine Poroshenko để ép Ukraine thực hiện nghiêm Thỏa thuận Minsk là do ở Pháp và Đức sắp diễn ra các cuộc bầu cử. Do đó, Thủ tướng Đức A.Merkel và Tổng thống Pháp F.Hollande cần phải cải thiện các chỉ số kinh tế-xã hội, trong khi đó các lệnh cấm vận chống Nga lại là một trong các nguyên nhân khiến chỉ số này xấu đi.
Ông Bondarenko nhận định rằng, ngân sách của Đức và Pháp trong năm 2016 đang được hạch toán theo hướng các lệnh cấm vận chống Nga sẽ không được duy trì, có nghĩa là Nga sẽ lại trở thành đối tác của hai nước này. Do vậy, việc Đức có những phản ứng như trên đối với nghị quyết chống Nga của PA NATO là điều dễ hiểu.
Còn theo chuyên gia phân tích chính trị Rostislav Ishenko của kênh “Russia Today”, những tuyên bố của ông Karl Lamers hoàn toàn có thể coi là quan điểm của đảng cầm quyền CDU ở Đức và của bản thân bà Merkel. Hơn nữa, việc bà Merkel thời gian gần đây hay gây áp lực lên ông Poroshenko yêu cầu thực hiện nghiêm Thỏa thuận Minsk đã cho thấy sự khác biệt về lợi ích giữa EU với Mỹ.
Ngoài ra, nó còn cho thấy giữa các cường quốc NATO đang có sự chia rẽ sâu sắc. Pháp và Đức cùng với Nga đã ngăn cản không cho Mỹ tham gia vào các thỏa thuận Minsk, nhất là khi Mỹ hay sử dụng bàn tay của Kiev nhằm phá vỡ các thỏa thuận này. Việc “Bộ tứ Normady” đạt được thỏa thuận sẽ kéo dài thực hiện Minsk sang năm 2016 cho thấy giữa EU và Mỹ đang có những quan điểm trái ngược nhau.
Thủ tướng Đức Angela Merkel |
Theo nhận định của Rostislav Ishenko, việc Đức “ép” Ukraine phải chấp nhận các điều kiện như” sửa đổi Hiến pháp có tính đến quan điểm của Donetsk và Lugansk; chấp nhận bầu cử ở Donbass, ân xá cho “các nhà hoạt động Donbass”… đã cho thấy Đức đang dần thay đổi quan điểm của mình trong quan hệ với Nga. Hơn nữa, Đức đã công khai mong muốn làm trung gian hòa giải quan hệ giữa Nga với Mỹ đã cho thấy “Đức đang chuyển hướng sang Nga” và những đề xuất của ông Karl Lamers đã phần nào cho thấy điều này.
Việc nền kinh tế nước Đức đang chịu những thiệt hại không nhỏ từ các lệnh cấm vận với Nga, phát biểu của ông Karl Lamers và những hành động gần đây của bà Merkel trong quan hệ với Nga cho thấy, dường như Đức đang tích cực cải thiện quan hệ với Nga, bất chấp quan điểm luôn chống Nga của NATO. Đây là hành động được coi là hợp lý khi các cuộc bầu cử ở Đức không còn xa nữa.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ tờ Expert, tờ báo chuyên đưa tin về tình hình kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, thế giới, đặc biệt các tin tức liên quan tình hình các nước thuộc không gian hậu Xô Viết. Tờ báo được thành lập năm 1995.