Đức – Mỹ “choảng nhau nảy lửa” vì Putin và Ukraine
Thủ tướng Đức Angela Merkel (trái) và Tổng thống Nga V.Putin (phải) |
Nếu để nói về kết quả của Hội nghị An ninh Munich thì người ta chỉ có thể khẳng định, tất cả các bên tham dự đều thống nhất với nhau một điểm rằng, tình hình Ukraine đang ngày càng tồi tệ hơn và đã đến lúc phương Tây phải hành động.
Nhưng hành động thế nào? Theo tờ Bloomberg View, đây lại chính là nguyên nhân dẫn đến một cuộc tranh cãi nảy lửa giữa Thủ tướng Đức Angela Merkel với đại diện của phái đoàn Hoa Kỳ.
“Sự tiến triển của tình hình ở Ukraine không thể đạt được bằng cách đổ thêm vũ khí vào đó”, “bà đầm thép” Angela Merkel của Đức đứng dậy tuyên bố. Tất nhiên, không ai dám nói bà Merkel “võ đoán” bởi chính bà và Tổng thống Pháp Francois Hollande vừa hoàn thành chuyến công du đến Kiev và Moscow để tìm cách tháo ngòi nổ cho cuộc xung đột đang leo thang đến mức nguy hiểm ở Đông Ukraine.
“Tương lai của châu Âu không thể tìm thấy trong một cuộc đối đầu với nước Nga. Sự đối đầu này sẽ chỉ khiến tình hình càng thêm căng thẳng và nguy cơ chiến tranh leo thang. Chúng tôi muốn tạo dựng sự an ninh cho cả châu lục cùng với sự hợp tác của Nga chứ không phải là đối đầu với họ”, bà Merkel thẳng thắn phản bác kế hoạch viện trợ vũ khí cho Kiev mà Washington đề xuất.
Nhưng Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ, ông Bob Corker, đã không để cho bà Merkel được tự do “tung đòn”. Trong những phát biểu đầu tiên của mình, ông Corker đã tuyên bố viện trang bị vũ khí cho quân đội Ukraine “vừa hợp lý” về mặt chiến lược và cũng rất… “hợp tình” về mặt đạo đức.
Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ, Bob Corker |
“Tất cả mọi thành viên trong Quốc hội Mỹ đều tin rằng trang bị vũ khí tốt hơn sẽ giúp Ukraine phòng vệ tốt hơn. Tại sao ít nhất chúng ta không cho họ vũ khí để tự vệ trước những đội quân hiếu chiến mà Nga đang gửi qua miền đông Ukraine?”, ông Bob Corker nói.
Quan điểm: Phương Tây nên trang bị vũ khí để Ukraine “tự vệ” trước hành động “tấn công” của Nga được cho là điểm mấu chốt mà Mỹ sử dụng để thuyết phục các đồng minh châu Âu đồng tình với kế hoạch của họ hay chí ít cũng là không phản đối nó.
Tất nhiên là Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko nhiệt liệt ủng hộ kế hoạch này của Mỹ. "Năng lực tự vệ của chúng tôi càng mạnh bao nhiêu thì chính sách ngoại giao của chúng tôi càng trở nên thuyết phục bấy nhiêu. Việc Ukraine thiếu khả năng phòng vệ khiến các chiến dịch tấn công trở nên dữ dội hơn và chiến tranh càng leo thang”, ông Poroshenko nói.
Tuy nhiên, tiếng nói của Mỹ và Ukraine trở nên khá lạc lõng ở Munich. Điều này khiến ông Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Thượng viện Mỹ rất ấm ức.
“Đó là bằng chứng rõ ràng cho thấy vị trí của Đức là kéo tất cả chúng ta tụt lại phía sau”, Bob Corker nói với phóng viên của tờ Bloomberg, “Tôi không biết liệu chính sách ngoại giao của chúng ta có thể thành công hay không khi mà phương Tây không có một “cây gậy” nào đi sau nó. Đức và cả châu Âu đều khuyến khích Ukraine ngả về phương Tây nhưng đến bây giờ khi mà họ (Ukraine) khốn cùng nhất thì không có gì đáng thất vọng hơn câu trả lời của bà Merkel”.
Trong khi Bob Corker “ấm ức” thì bà Angela Merkel cũng “bực bội” không kém. Ngay cả khi đã ra khỏi phòng họp, bà Merkel vẫn tuyên bố “kịch liệt phản đối kế hoạch cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine”, bà gọi đó là sự giúp đỡ vô nghĩa và tuyên bố thứ Hai tuần tới sẽ bay sang Washington để “nói chuyện phải quấy” với Tổng thống Mỹ Barack Obama về vấn đề Ukraine.
“Đáng ra bà ấy đã để ngỏ cửa bởi vì bạn đã mất đòn bẩy. Bằng đề xuất leo thang của Mỹ, điều đó đã khiến ông Putin trở nên thờ ơ hơn với một giải pháp ngoại giao”, Richard Burt, cựu đại sứ Mỹ tại Đức bình luận.
Tổng thống Ukraine Poroshenko trưng những cuốn hộ chiếu để chứng minh rằng có binh sỹ Nga đang chiến đấu ở đông Ukraine. |
Các quan chức Mỹ ở Munich cho rằng, việc bà Merkel và ông Hollande vội vã tổ chức một chuyến công du ngoại giao con thoi là nhằm phản đối trực diện ý tưởng của Nhà Trắng là sẽ hỗ trợ quân sự mạnh mẽ hơn cho Kiev.
Một số quan chức Mỹ cũng thừa nhận rằng ngay cả các quan chức hàng đầu của Nhà Trắng, bao gồm cả Tổng thống Obama, cố vấn an ninh quốc gia Susan Rice, Chánh văn phòng Denis McDonough khi đưa ra kế hoạch viện trợ vũ khí cho Ukraine đã không tính đến mối nguy hiểm là họ sẽ nhận được sự trả đũa của Nga.
Trong bài phát biểu tại Hội nghị Munich, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đã lên tiếng mạnh mẽ chỉ trích Nga đã can thiệp vào Ukraine nhưng cũng không dám trực tiếp đề cập đến kế hoạch cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine.
"Chúng tôi tin rằng sẽ chẳng có một giải pháp quân sự nào cho tình hình Ukraine nhưng chúng tôi tin rằng người dân Ukraine có quyền tự bảo vệ mình”, ông Joe Biden nói.
Trong đề xuất mà bộ đôi Merkel-Hollande gửi đến Tổng thống Nga Putin là sẽ bổ sung vào thỏa thuận Minsk hồi tháng 9/2014 bằng giải pháp cho phe ly khai quyền tự trị rộng rãi hơn ở miền Đông, công nhận sự kiểm soát của họ ở những vùng đất mới chiếm được nhưng ngược lại Nga phải tôn trọng biên giới quốc tế của Ukraine.
Mặc dù bà Merkel cho rằng kết quả của chuyến đi là “không chắc chắn” nhưng phía chính phủ Mỹ tỏ ra rất nghi ngờ rằng ông Putin sẽ đồng ý với thỏa thuận đó. Sau tất cả, phía Nga đã cho thấy họ không tuân thủ thỏa thuận Minsk, và suốt từ mùa thu năm ngoái đến nay, phe ly khai liên tục trở nên mạnh mẽ hơn. Tất cả các dấu hiệu đều cho thấy, phía Nga chưa sẵn sàng tham gia… mặc cả.
Tại Munich, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng có bài phát biểu trong đó chỉ trích phương Tây đã tạo ra cuộc đảo chính ở Kiev hồi giữa năm ngoái. Ông Lavrov cũng phủ nhận việc Nga trang bị vũ khí cho phe ly khai; khẳng định rằng Nga không xâm chiếm Crimea mà do họ tự quyết định tách ra khỏi Ukraine và xin sáp nhập vào Nga theo đúng Hiến chương Liên Hợp Quốc.
Ngay sau câu nói này của ông ngoại trưởng Nga, nhiều lãnh đạo châu Âu đã cười ồ lên nhưng ông ta chẳng mấy quan tâm. “Có lẽ các vị thấy điều tôi nói là buồn cười nhưng tôi nghĩ chính điều các vị nói mới là buồn cười”, ông Lavrov phản pháo.
Rõ ràng là ngay tại Munich, các quan chức của Mỹ và châu Âu đều đang rất lúng túng. Họ thừa nhận là phương Tây đã chọn sai con đường để chống lại nước Nga và không hề có một kế hoạch nào cho những bước đi tiếp theo. Một số người Mỹ muốn đẩy cuộc chiến lên cao nhưng một số nhà lãnh đạo châu Âu lại muốn hạ nhiệt bằng giải pháp ngoại giao. Có điều, chẳng một ai dám tự tin là phương án của mình sẽ thành công.
Sự chia rẽ và bất đồng giữa Mỹ và châu Âu về vấn đề Ukraine chính là thứ mà ông Putin đang cố gắng đạt được. Có lẽ, khi bà Merkel bay sang Washington, bà và ông Obama sẽ phải chỉ ra những sự bất đồng là gì nhưng có điều nó là nguy cơ có thực và đang lớn lên rất nhanh.
Rất có thể, ông Obama sẽ phủ quyết đề xuất cung cấp vũ khí cho quân đội Ukraine vì nó quá mạo hiểm nhưng điều đó chỉ xảy ra sau khi các nhà lãnh đạo Mỹ và châu Âu chịu ngồi với nhau để tìm ra một phương án chiến lược khả thi nhất.