Đức lo sợ “rò rỉ thông tin mật” trước Thổ Nhĩ Kỳ
Máy bay Tornado của Đức đã bắt đầu các hoạt động do thám ở Syria và Iraq sau khi quốc hội nước này bỏ phiếu đồng ý triển khai khoảng 1.200 binh lính đến Syria.
Theo báo Der Spiegel của Đức, nhiều biện pháp bất thường đã được thực hiện nhằm tránh Thổ Nhĩ Kỳ tiếp cận thông tin mà các phi cơ Tornado thu thập được.
Lực lượng người Kurd đứng canh gác buổi sáng sớm để đề phòng phiến quân IS tại thành phố Sinjar, Iraq. |
Các máy bay này dự kiến sẽ hoạt động tại căn cứ Incirlik ở phía Nam Thổ Nhĩ Kỳ. Thông thường, là đồng minh trong NATO, Đức và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ trao đổi thông tin quân sự của nhau. Tuy nhiên các tướng lĩnh Đức lo ngại rằng những dữ liệu từ các hoạt động do thám của họ sẽ bị Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng để tấn công vào lực lượng người Kurd, một trong những đồng minh của phương Tây.
Theo Spiegel, hai sĩ quan Đức đã được giao nhiệm vụ đảm bảo không được cung cấp thông tin cho Thổ Nhĩ Kỳ. Cụ thể, nhiệm vụ của họ là nhằm đảm bảo các máy bay Tornado không được sử dụng để do thám gần vùng biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ, và trong trường hợp các phi cơ này vô tình tiến vào khu vực này, họ phải ngăn chặn các dữ liệu này không được chuyển cho Ankara.
Trước đó vào ngày 4/12, Quốc hội Đức đã phê duyệt kế hoạch triển khai 1.200 binh sĩ Đức nhằm hỗ trợ hoạt động không kích chống IS, với tỉ lệ 445 phiếu thuận so với 146 phiếu chống. Sẽ có 6 chiếc Tornado được đưa đến khu vực Trung Đông cùng một máy bay tiếp nhiên liệu trên không và một tàu khu trục.
Quân đội Đức sẽ không trực tiếp tham gia chiến đấu, nhưng sẽ tiến hành do thám trên không và hỗ trợ không kích. Trong khi đó, tàu khu trục của Đức sẽ có nhiệm vụ hộ tống tàu sân bay Pháp Charles de Gaulle, hiện đã có mặt ở Trung Đông.
Quyết định triển khai quân đội của Đức là bước đột phá lớn, khi nước này rất hiếm khi tham gia vào các chiến dịch quân sự nước ngoài kể từ sau Thế chiến II.
“Đây là vấn đề trách nhiệm hành động vì điều đúng đắn. Chúng ta đã phải chịu đựng quá lâu rồi”, nghị sĩ Norbert Rottgen thuộc đảng CDU của Thủ tướng Angela Merkel phát biểu trước quốc hội.
“Bất kỳ ai bỏ phiếu thuận đều đang đưa Đức vào một cuộc chiến mang đầy rủi ro. Thay vì chống lại IS, rất có thể chúng ta sẽ làm chúng mạnh hơn”, bà Sahra Wagenknecht, nghị sĩ đảng đối lập lại có quan điểm ngược lại.
Quyết định của Quốc hội Đức đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi của người dân Đức. Theo một khảo sát ý kiến, khoảng 58% số người được hỏi tán đồng với quốc hội và chỉ có 37% phản đối.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ trang điện tử của tờ Telegraph (Anh), một nhật báo khổ rộng phát hành buổi sáng hàng ngày tại Vương quốc Anh và nhiều quốc gia khác.