Đức hoài nghi về những cải cách của NSA
Nhiều chính trị gia Đức cho rằng, những cải cách mà Tổng thống Obama vừa tuyên bố về các chương trình giám sát của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) vẫn còn quá ít và không đáp ứng được mong muốn của nhiều nước đã bị Mỹ theo dõi, đặc biệt là từ Đức.
Người dân biểu tình phản đối chương trình giám sát của NSA tại Hanover, Đức. |
Trong một cuộc phóng vấn với một kênh truyền hình Đức hôm 18/1, ông Obama đã cố gắng giảm bớt lo ngại cho châu Âu về các chương trình theo dõi của NSA. Ông cho biết NSA sẽ tiếp tục theo dõi các chính phủ nước ngoài, nhưng sẽ không theo dõi Thủ tướng Đức Angela Merkel.
Ông nói: "Tôi không muốn các chương trình giám sát làm tổn hại tới mới quan hệ [giữa Mỹ và Đức], cản trở việc trao đổi thông tin và lòng tin mà chúng ta đang có”. Ông cũng nhắc lại tuyên bố rằng NSA sẽ dừng giám sát các nhà lãnh đạo của các nước đồng minh của Mỹ.
Ông nói: "Chừng nào tôi còn là Tổng thống Mỹ, Thủ tướng Đức sẽ không phải lo lắng về vấn đề này nữa”. Mối quan hệ Mỹ - Đức đã bị tác động xấu trong thời gian gần đây khi các thông tin bị rò rỉ cho thấy NSA đang giám sát thông tin liên lạc qua điện thoại và internet của hàng triệu người dân Đức, bao gồm cả Thủ tướng Đức Merkel.
Nhiều chính trị gia Đức cho rằng Mỹ cần phải đưa ra bằng chứng để chứng tỏ rằng NSA đã thực hiện những cải cách này.
Chuyên gia về chính sách nội vụ của liên đảng bảo thủ Đức Stephan Mayer cho biết ông ngạc nhiên và hài lòng với bài phát biểu của ông Obama nhưng nước Mỹ cần phải hành động theo những lời phát biểu đó.
Trong khi đó, ông Wolfgang Bosbach thuộc đảng Dân chủ Thiên chúa giáo cầm quyền đã phân tích rất kĩ về những lời phát biểu của ông Obama và cho rằng việc Mỹ cam kết không theo dõi các nhà lãnh đạo của các nước khác không phải là một “tiến bộ vượt bậc” vì nó không đảm bảo được việc người dân Đức không bị Mỹ theo dõi nữa.