Đức có thể thay đổi khung pháp lý đối với Dòng chảy phương Bắc 2?
Đức có thể thay đổi khung pháp lý đối với Dòng chảy phương Bắc 2 |
Thông tin trên được Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng Đức Peter Altmayer cho biết trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin Reuters.
Trả lời phỏng vấn hãng tin Reuters, ông Altmayer nói."Tôi tin rằng dự án đường ống dẫn khí dốt Dòng chảy phương Bắc 2 có thể thực hiện được trong các điều kiện mới. Nhưng, rõ ràng, sẽ có một số thay đổi".
Theo Bộ trưởng Altmayer, những thay đổi có thể liên quan đến quyền sở hữu đường ống, vì luật pháp EU yêu cầu tách quyền sở hữu sản xuất và đường ống. Ngoài ra, có thể mong đợi những đổi mới liên quan đến việc ai sẽ nạp khí vào đường ống và ai sẽ có quyền truy cập vào đường ống. Ông Altmayer cũng nói thêm rằng chính Đức sẽ đưa ra quyết định về những thay đổi và biện pháp cụ thể để thực hiện.
Trước đó, theo một dự thảo đề xuất ngày 8/2, Pháp và Đức đã đi đến một thỏa hiệp, theo đó cho phép Berlin vẫn là nhà đàm phán chính với Nga liên quan dự án Dòng chảy phương Bắc 2 tới châu Âu.
Thủ tướng Đức Merkel, Tổng thống Pháp Macron |
Theo dự thảo, hai nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) này đã nhất trí đảm bảo các quy định sẽ được áp dụng "dựa trên lãnh thổ và lãnh hải của quốc gia thành viên nơi bố trí điểm kết nối đầu tiên".
Về phía Mỹ, các thượng nghị sỹ Cộng hòa và Dân chủ Mỹ ngày 7/2 đã công bố nghị quyết kêu gọi hủy bỏ dự án đường ống dẫn khí đốt mang tên Dòng chảy phương Bắc 2 của Nga, đường ống chạy qua Biển Baltic từ Nga tới Đức.
Các nhà lãnh đạo của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ cho biết họ sẽ trình nghị quyết tại cuộc họp sắp tới của mình. Những người phản đối xây dựng đường ống này lo ngại rằng dự án sẽ làm suy yếu sự hỗ trợ dành cho Ukraine vì Kiev sẽ mất nguồn thu từ phí vận chuyển khí đốt qua nước này, dọc theo tuyến đường truyền thống cho các nguồn cung của Nga, vốn đáp ứng hơn 1/3 nhu cầu khí đốt của Liên minh châu Âu (EU).
Dự án khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 |
Dòng chảy phương Bắc 2 là dự án liên doanh giữa tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga cùng 5 công ty châu Âu. Lâu nay, Mỹ gay gắt phản đối dự án này. Tổng thống Nga Vladimir Putin từng tuyên bố, người đồng cấp Donald Trump đang theo đuổi lợi ích của doanh nghiệp Mỹ trong việc cung cấp khí đốt hóa lỏng (LNG) cho châu Âu.
Dự án đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 sẽ đi qua các vùng lãnh thổ và đặc quyền kinh tế của các quốc gia nằm ngoài khơi bờ biển Baltic - Nga, Phần Lan, Thụy Điển, Đan Mạch và Đức.
Nhiều quốc gia phản đối dự án này, trong đó có Ukraine do sợ mất nguồn thu từ việc trung chuyển khí đốt của Nga, cũng như nếu giảm khối lượng khí trung chuyển qua hệ thống vận chuyển khí đốt Ukraine (GTS) có thể dẫn đến hậu quả một số lượng lớn người tiêu dùng Ukraine không có khí đốt, và Mỹ với kế hoạch xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) sang châu Âu đầy tham vọng.
Ba Lan và các nước khác trong khu vực, vốn phụ thuộc vào khí đốt của Nga, đã phản đối mạnh mẽ dự án. Theo lập luận của các nước này, dự án của Đức và Nga đi ngược lại với chính sách của châu Âu trong việc đảm bảo an ninh năng lượng, cũng như đem lại "những tổn thất nghiêm trọng về địa chính trị cho châu Âu".